Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/04/2008-09:42:00 AM
Hoạt động M&A giúp tăng chất lượng đầu tư nước ngoài

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Ngô Công Thành, Trưởng phòng Dịch vụ (Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về vấn đề này.

Thưa ông, nhu cầu M&A đang có xu hướng gia tăng mạnh. Cục có nhận được những câu hỏi của nhà đầu tư nước ngoài về thủ tục pháp lý để tiến hành M&A?

Chúng tôi đã nhận được nhiều câu hỏi của nhà đầu tư nước ngoài về vấn đề này. Luật Đầu tư đã quy định hình thức M&A, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Hình thức mua bán và sáp nhập dự án đã được thực hiện, nhưng M&A thì vẫn còn vướng. Nghị định 36 trước đây quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 30%, trong khi Nghị định 139 hướng dẫn Luật Đầu tư không hạn chế việc mua, thì Luật Chứng khoán lại giới hạn 49%.

Vì vậy, cần phải rà soát các quy định trong Luật DN, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư để thống nhất và ban hành Nghị định về M&A có yếu tố nước ngoài. Có như vậy mới thúc đẩy hoạt động M&A phát triển.

Việc tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động M&A sẽ tác động ra sao đến thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam?

Trên thế giới, đầu tư nước ngoài chủ yếu là M&A, đầu tư mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, M&A chiếm tỷ lệ nhỏ (khoảng 5%).

Nhu cầu M&A đang tăng nhanh ở Việt Nam. Cùng với việc mở cửa hội nhập theo các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, các tập đoàn lớn sẽ vào Việt Nam. Hoạt động M&A sẽ nhanh chóng thâm nhập thị trường Việt Nam theo trào lưu của thế giới. Khi đó, chất lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tăng lên. Đất đai ngày càng khan hiếm và để đầu tư chiều sâu, bắt buộc phải áp dụng hình thức M&A.

Để hoạt động M&A đạt hiệu quả cao, ngoài hành lang pháp lý, cần điều kiện cơ bản nào, thưa ông?

Ngoài việc xây dựng hàng lang pháp lý, phải định hướng hoạt động xúc tiến đầu tư để giới thiệu DN Việt Nam cho DN nước ngoài. Hiện nay, trong xúc tiến đầu tư, các tỉnh mới chỉ đưa ra dự án xây mới, trong khi chưa quan tâm đến xúc tiến đầu tư bán DN. Không chỉ bán DN lớn, chúng ta phải giới thiệu cả DN nhỏ để bán được giá.

Ông có thể cho biết lộ trình soạn thảo Nghị định về M&A?

Việc soạn thảo Nghị định về M&A do Vụ Pháp chế đảm nhiệm. Trước tiên, phải rà soát các văn bản luật để xem chồng chéo ở chỗ nào. Tiến độ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nhu cầu thực tế sẽ thúc đẩy quá trình soạn thảo và ban hành Nghị định. Bởi nếu không ban hành, DN thực hiện khó khăn, buộc các cơ quan nhà nước phải vận động.

Thu Hương
Báo Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1081
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)