Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/07/2009-15:57:00 PM
Rà soát triển khai từng dự án đi vào thực chất để thu hút vốn đầu tư nước ngoài 6 tháng cuối năm
Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu khiến kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng qua. Thực tế đặt ra yêu cầu có sự phân tích kỹ lưỡng, qua đó có cách nhìn tỉnh táo để chấn chỉnh hoạt động này và duy trì vị trí của Việt Nam - điểm đến của dòng vốn ngoại…
Sản xuất bảng vi mạch dẻo điện tử tại Công ty Sumimoto Việt Nam
Dòng vốn chảy chậm
Từ đầu năm đến nay, tình hình thu hút vốn ĐTNN diễn ra ngày càng chậm. Quý I, cả nước đã thu hút 6 tỷ USD vốn ĐTNN, bằng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, gồm 2,17 tỷ USD vốn đăng ký mới và hơn 3,8 tỷ USD vốn tăng thêm. Những tháng sau, lượng vốn vào càng chậm hơn. Tính chung, 6 tháng, lượng vốn cấp mới và vốn điều chỉnh tăng thêm đạt 8,87 tỷ USD, bằng 22,6% so với cùng kỳ. Hầu như các địa phương đều thiếu dự án mới, trong đó khu công nghiệp (KCN) vốn là nơi hấp dẫn dự án ĐTNN đang chịu cảnh quạnh vắng. Tại Hải Phòng, KCN Nomura không thu hút được dự án nào; khu Đình Vũ cũng tương tự. Trong khi đó, KCN VSIP (Bắc Ninh) rơi vào thế "vỡ" kế hoạch bởi không thể thu hút ngay được 40 dự án như dự định. Một số nhà đầu tư phải hoãn tiến độ triển khai dự án do thiếu vốn và quan trọng hơn là thiếu cơ hội nhận được đơn hàng. Suy giảm là bức tranh chung ở nhiều tỉnh, TP vốn được cộng đồng ĐTNN quan tâm như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Kiên trì thực hiện các biện pháp
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, kết quả nói trên là chấp nhận được, không nên có tâm lý nặng nề khi mức vốn mới thu hút thấp so với cùng kỳ, bởi năm ngoái là hiện tượng bùng nổ rất hiếm hoi trong cả quá trình thu hút ĐTNN hơn 20 năm qua. Mặt khác, phải chấp nhận việc suy giảm dòng vốn này như một hiện thực khách quan. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm nay, đầu tư quốc tế sẽ giảm "sâu". Vì vậy, mức vốn ĐTNN thu hút trong năm 2009 với dự báo khoảng 20 tỷ USD, được xem là phù hợp và có thể khả thi.
Theo các chuyên gia, đây là thời điểm để Chính phủ, các địa phương rà soát lại các dự án, danh mục thu hút đầu tư, từ đó lồng ghép với mục tiêu cơ cấu lại đầu tư phục vụ phát triển trong thời gian tới. Các bộ, ngành kiên quyết phát hiện và xử lý những trường hợp chủ đầu tư đã nhận giấy phép nhưng chậm triển khai, nhất là đối với những dự án về bất động sản. Cần phòng tránh hiện tượng nhà đầu tư "nhận phần" để đấy, hoặc chuyển mục đích sử dụng, hoặc sang nhượng lại... gây thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai của quốc gia...
Năm 2009 sẽ là năm mà hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) sẽ có bước chuyển mạnh, nhằm vào khu vực Trung Đông, Hoa Kỳ với những dự án thuộc lĩnh vực dầu khí, bất động sản, khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Trước yêu cầu mới của công tác XTĐT, Chính phủ đã chấp thuận việc xây dựng và cấp kinh phí từ ngân sách cho việc thực hiện Chương trình XTĐT quốc gia hằng năm. Đặc biệt, cơ quan chức năng và các địa phương sẽ tăng cường công tác thẩm định để sớm cấp phép cho những dự án có thể chấp nhận thuộc danh mục dự án đang hoàn thiện hồ sơ, chờ cấp phép với tổng vốn đăng ký lên tới hàng chục tỷ USD, cũng như tạo điều kiện để nhà đầu tư có thể triển khai thực hiện dự án ngay sau khi được cấp phép. Dư luận đang mong đợi một số dự án quy mô lớn đã hoặc đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ sẽ được cấp phép trong thời gian tới và lượng vốn ĐTNN thu hút trong năm nay sẽ không phải là quá thấp.
Trong bối cảnh lượng vốn ĐTNN năm 2009 thấp, mục tiêu tăng cường giải ngân sẽ được coi là trọng tâm. Làm tốt công tác giải ngân có nghĩa là đưa việc triển khai từng dự án vào thực chất, đưa từng đồng vốn vào hoạt động, tạo ra sản phẩm và có đóng góp cho ngân sách, tạo việc làm cho người lao động. Bộ KH&ĐT và các địa phương sẽ lập những tổ công tác đặc biệt, gồm những chuyên gia giỏi, để hợp tác với nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, tạo cơ chế thông thoáng hỗ trợ triển khai dự án./.
Hồng Sơn
Báo Hà Nội mới điện tử

    Tổng số lượt xem: 1049
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)