Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/07/2009-13:24:00 PM
Hệ thống mua sắm Chính phủ điện tử: Sự góp mặt tất yếu
Đấu thầu qua mạng là xu hướng tiến bộ để cải cách hệ thống đấu thầu truyền thống của một quốc gia. Thông qua việc tối ưu hóa quy trình đấu thầu nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, đấu thầu qua mạng đem lại nhiều lợi ích nổi bật: các chi phí giao dịch được giảm thiểu như chi phí giấy tờ, in ấn, lưu trữ thông tin, chi phí đi lại của cả bên mời thầu và bên dự thầu; thời gian thực hiện rút ngắn; việc tiếp cận thông tin, xử lý thông tin nhanh chóng. Hiệu quả công tác đấu thầu nhờ đó sẽ được cải thiện.

Hệ thống mua sắm Chính phủ điện tử thử nghiệm (đấu thầu qua mạng) do KOICA (Hàn Quốc) tài trợ sắp chính thức đi vào hoạt động. Những phần việc chuẩn bị cuối cùng đang được Cục Quản lý Đầu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư – KH&ĐT) cùng các chuyên gia Hàn Quốc gấp rút hoàn thiện. Sự góp mặt của hình thức đấu thầu qua mạng được kỳ vọng sẽ đem lại một phương thức đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả hơn nhờ ứng dụng của công nghệ thông tin (CNTT), thương mại điện tử (TMĐT).

Tăng hiệu quả chi tiêu chính phủ

Các cuộc khảo sát, nghiên cứu cho thấy chi tiêu chính phủ của các nước hàng năm chiếm từ 10% - 20% GDP của mỗi nước. Chi phí mua sắm chính phủ của EU chiếm khoảng 16% GDP, Ý khoảng 11,9%, trong khi Hà Lan khoảng 21,5%. Trung Quốc chi tiêu chính phủ khoảng 600 tỷ USD trong năm 2006. Ở Việt Nam, do là một nước đang phát triển nên hàng năm dành khoảng 40% GDP để đầu tư phát triển, trong đó khoảng một nửa tổng vốn đầu tư toàn xã hội được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu mua sắm. Giá trị mua sắm công là rất lớn đối với mỗi quốc gia, công trình, hàng hoá và dịch vụ mua sắm công cũng hết sức đa dạng. Hàng năm các quốc gia phải dành rất nhiều thời gian và nguồn lực để tiến hành tổ chức đấu thầu mua sắm công. Việc ứng dụng TMĐT vào mua sắm công là một nội dung quan trọng trong TMĐT. Nó giúp cho việc chi tiêu chính phủ đạt được nhiều lợi ích: tiết kiệm chi phí, thời gian, nâng cao tính minh bạch trong mua sắm công và thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, mở rộng không gian và thời gian đấu thầu. Thực tế, nhiều quốc gia đã và đang ứng dụng đấu thầu qua mạng trong hệ thống chính phủ điện tử và đã đem lại rất nhiều hiệu quả trong chi tiêu chính phủ. Nắm bắt xu thế này, Việt Nam đã đề ra những kế hoạch và chiến lược cụ thể để thực hiện lộ trình ứng dụng đấu thầu qua mạng. Đối với lĩnh vực đấu thầu, ngoài quy định tại Điều 30 của Luật Đấu thầu thì ngày 15/9/2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2006 – 2010 trong đó dự án Ứng dụng TMĐT trong mua sắm chính phủ là một dự án thành phần và giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì thực hiện.

Từ đăng tải thông tin trên mạng tới đấu thầu qua mạng

Việc áp dụng những thành tựu của công nghệ thông tin (CNTT) và thương mại điện tử (TMĐT) vào quy trình, thủ tục đấu thầu đang được triển khai từng bước theo lộ trình. Cụ thể, từ năm 2006 đến nay, Bộ KH&ĐT đã xây dựng và khuyến khích các chủ đầu tư đăng tải công khai thông tin, chuyển tin trực tuyến qua trang web: https://dauthau.mpi.gov.vn. Riêng trong năm 2008 đã có rất nhiều thông tin đấu thầu được đăng tải và nhận được phản hồi tích cực từ các chủ đầu tư do tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ KH&ĐT đã triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án “Xây dựng hệ thống mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm”. Nhiệm vụ chủ yếu của dự án là thiết lập hệ thống lõi của đấu thầu qua mạng (e-bidding) và vận hành thử nghiệm. Thông qua đó, Bộ KH&ĐT và các cơ quan tham gia thực hiện dự án có thể rút kinh nghiệm, đưa ra định hướng cho việc phát triển hệ thống đấu thầu qua mạng toàn diện. Dự án hỗ trợ kỹ thuật này là tiền đề quan trọng cho dự án “Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ”. Khi thực hiện đấu thầu trực tuyến qua mạng Internet, bên mời thầu và nhà thầu trao đổi, giao dịch và xử lý thông tin trên môi trường mạng máy tính, giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp giữa các bên – đồng nghĩa với giảm nguy cơ tham nhũng, giúp tăng tính minh bạch, cạnh tranh cho mỗi gói thầu, đặc biệt là tiết kiệm chi phí hơn nhiều lần so với phương pháp đấu thầu truyền thống thực hiện trên giấy tờ như hiện nay. Dự án dự kiến triển khai thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2009-2010): xây dựng hệ thống e-bidding và thử nghiệm tại một số đơn vị được lựa chọn (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT và UBND TP. Hà Nội). Các đơn vị này được lựa chọn dựa trên cơ sở họ đều có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động đấu thầu ở Việt Nam, đối tượng mua sắm ở các đơn vị này đa dạng, phong phú và số lượng lớn. Ngoài ra, khuyến khích những đơn vị khác có nhu cầu (đặc biệt là những đơn vị có nhu cầu mua sắm tập trung theo quyết định 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung) thực hiện ngay đấu thầu qua mạng. Giai đoạn 2 (2010-2015): mở rộng hệ thống sang các chức năng quan trọng khác là e-shopping (mua sắm điện tử), e-contracting (quản lý hợp đồng điện tử), e-payment (thanh toán điện tử) và áp dụng từng bước với các đơn vị có chức năng mua sắm (chủ đầu tư, bên mời thầu) trong cả nước. Các đơn vị hưởng thụ dự án trước hết là các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị hành chính sự nghiệp và sau này mở rộng cho mọi thành phần kinh tế. Và sau một thời gian làm việc hết sức nghiêm túc, công nghệ về đấu thầu qua mạng của Hàn Quốc được lựa chọn là mô hình mẫu. Dự án Hỗ trợ kỹ thuật do KOICA tài trợ chính là giai đoạn 1 của dự án tổng thể nói trên./.

Nguyễn Hồng Nam
Cục Quản lý đấu thầu

    Tổng số lượt xem: 4744
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)