Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/07/2009-11:03:00 AM
Ðẩy mạnh xuất khẩu gạo
Theo thông tin từ Hiệp hội lương thực Việt Nam, sáu tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu của nước ta đã vượt mức 3,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 1,5 triệu USD. Giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 425,67 USD/tấn - bảo đảm cho bà con nông dân lãi 30% như chỉ đạo của Chính phủ.
Gạo trở thành mặt hàng xuất khẩu duy nhất của Việt Nam, tăng cả về lượng và kim ngạch trong sáu tháng đầu năm. Ðến nay, các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng giao hơn năm triệu tấn gạo, vượt dự kiến cả năm.
Theo tính toán, năm nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch khoảng 20,7 triệu tấn lúa. Trừ phần dự trữ, hao hụt, tiêu dùng trong nước, cộng thêm sản lượng lúa của các vùng khác, lượng lúa hàng hóa lên đến 10,2 triệu tấn, tương đương 5,1 triệu tấn gạo. Với lượng gạo tồn kho từ năm 2008, con số xuất khẩu đến sáu triệu tấn gạo là hoàn toàn có thể.
Hiện nay, giá lúa gạo trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng. Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, thị trường xuất khẩu gạo những tháng cuối năm sẽ diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Nguyên nhân là Ấn Ðộ đang có động thái quay lại thị trường xuất khẩu gạo sau một thời gian ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Thái-lan cũng đang rục rịch bán lượng gạo dự trữ. Nếu việc đó xảy ra thì xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ khó khăn vì phải cạnh tranh gay gắt với gạo Thái-lan và Ấn Ðộ. Chất lượng gạo và giá bán của hai quốc gia này luôn hơn hẳn Việt Nam. Nói cách khác, cơ hội cho gạo Việt Nam xuất khẩu giá cao chỉ có được khi Ấn Ðộ duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo và Thái-lan chưa bán lượng gạo dự trữ. Mặt khác, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước phần lớn chỉ tính đến đủ ăn, chứ không dự trữ như năm 2008. Ðây cũng là một yếu tố tác động đến diễn biến của thị trường lúa gạo những tháng cuối năm.
Dù tình huống nào xảy ra, giải pháp mấu chốt hiện nay là các cơ quan chức năng cần có chính sách điều hành thị trường xuất khẩu gạo hợp lý và linh hoạt, vừa có lợi cho nông dân, cho doanh nghiệp, cho Nhà nước, đồng thời bảo đảm được an ninh lương thực quốc gia.
Xuất khẩu gạo phải luôn tính đến ba yếu tố, đó là sản lượng lúa gạo trong nước, thị trường xuất khẩu và lượng gạo cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực. Dựa vào ba yếu tố này để tính toán lượng gạo xuất khẩu một cách hợp lý nhất. Ðã có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần tính đến phương án tạm trữ gạo ngay thời điểm này, vì hiện tại giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu có dấu hiệu chững lại sau một thời gian tăng nhẹ.
Tại hội thảo về nhận định thị trường xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2009 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức, nhiều chuyên gia tham dự đã ủng hộ ý kiến cần tranh thủ thời cơ giá gạo đang ở mức cao, thúc đẩy việc ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo. Tránh lặp lại tình trạng như cuối năm 2008, do các cơ quan chức năng chần chừ, do dự trong thúc đẩy xuất khẩu và chờ tăng giá, thời điểm cuối năm, lúa gạo dư thừa và giảm giá khiến nông dân thất thu.
Gạo là mặt hàng xuất khẩu lớn, có ý nghĩa chiến lược quốc gia, đòi hỏi có một cơ chế điều hành hợp lý, thống nhất, nhất là trong bối cảnh thị trường có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay./.
Ánh Tuyết
Báo Nhân dân điện tử

    Tổng số lượt xem: 1465
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)