Dù đã có nhiều chính sách đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là gói kích cầu thông qua hỗ trợ 4% lãi suất cho vay nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn “kêu” khó tiếp cận vốn.
Theo điều tra “Tác động của chính sách tiền tệ và suy thoái kinh tế toàn cầu đến khả năng tiếp cận vốn và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam” do Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) vừa công bố, dù đã có sự nới lỏng của chính sách tiền tệ và nhiều chính sách kích cầu đang được triển khai, nhưng vẫn có tới 20,8% doanh nghiệp tham gia điều tra cho biết gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Cũng theo kết quả điều tra, có đến 42,9% doanh nghiệp cho rằng tiếp cận vốn vẫn sẽ là một khó khăn lớn trong thời gian tới.
Càng lớn, càng dễ
Để tiến hành điều tra này, VDF và NEU đã gửi mẫu khảo sát đến hơn 300 doanh nghiệp trong bốn lĩnh vực sản xuất kinh doanh gồm: sản xuất, thương mại, xây dựng và dịch vụ tại Hà Nội và Tp.HCM.
Trong đó, thương mại là lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp tham gia điều tra nhất chiếm 33,2%, dịch vụ chiếm 20,4%, xây dựng chiếm 17,3%, sản xuất chiếm 12,2%.
Ngoài ra nhóm nghiên cứu cũng tiến hành phỏng vấn sâu 12 doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau như: dệt may, thủy sản, nhựa, xây dựng, thương mại... ở Hà Nội, Hải Phòng và Tp.HCM.
Theo kết quả điều tra, có đến 63,1% doanh nghiệp cho rằng khó và rất khó trong việc tiếp cận vốn trong giai đoạn 1 với mức lãi suất dao động 15,65%/năm đến 20,35%/năm; 40,1% gặp khó khăn trong giai đoạn 2 với mức lãi suất tiếp cận thấp nhất là 8,4%/năm và cao nhất là 21%/năm, trung bình là 15,6%/năm; 20,8% vẫn đang thực sự gặp khó khăn trong giai đoạn 3 (khi lãi suất đã giảm mạnh do chính sách nới lỏng tiền tệ và gói kích cầu thông qua hỗ trợ 4% lãi suất cho vay của Chính phủ đang được triển khai).
TS. Lê Ngọc Sơn, thành viên tham gia điều tra cho rằng, những thay đổi trong chính sách của Chính phủ đã tác động khác nhau đến khả năng vay vốn của các doanh nghiệp. Nếu như trước đây lãi suất quá cao là thách thức lớn đối với doanh nghiệp, thì hiện nay những khó khăn về điều kiện thế chấp và xét duyệt cho vay được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu.
Quy mô của doanh nghiệp càng lớn thì khả năng tiếp cận vốn ngân hàng càng dễ. Các doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn khả năng tiếp cận vốn là 2,56, doanh nghiệp vừa và nhỏ là 3,01, và 2,93 với tất cả các doanh nghiệp khác.
Theo điều tra, những doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường quốc tế dễ tiếp cận vốn hơn so với các doanh nghiệp trong nước ở các giai đoạn. Mức độ tiếp cận vốn của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong giai đoạn 1 là 3,05, giai đoạn 2 là 3,17 và giai đoạn 3 là 2,7. Còn các doanh nghiệp trong nước có mức tương ứng là 3,75; 3,39 và 2,98 cho từng giai đoạn.
Những phát sinh từ gói kích cầu
Trong năm 2009, Chính phủ đã dành 17.000 tỷ đồng từ nguồn dự trữ và ngân sách chưa chi hết trong năm 2008 và có thể từ phát hành trái phiếu để kích thích sản xuất thông qua việc hỗ trợ 4% lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp. Gói kích cầu này được triển khai từ tháng 2/2009 nhằm tạo ra 420.000 tỷ đồng vốn vay với lãi suất thấp.
Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn về lãi suất, tỷ giá, cán cân thanh toán, an toàn hệ thống... để hỗ trợ doanh nghiệp. Gói chính sách này là một nỗ lực để thực hiện 3 mục tiêu: tăng tín dụng cho các ngân hàng, trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo công ăn việc làm.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của VDF và NEU cho rằng, nhiều vấn đề sẽ phát sinh từ chính sách này, và cần phải có sự đánh giá và nhìn nhận bước đầu về mức độ và hiệu quả của gói kích cầu này.
Thứ nhất, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam về dệt may, giày da, gỗ... đang bị thu hẹp mạnh do suy giảm kinh tế toàn cầu, nên các doanh nghiệp trong các ngành này hầu như không mặn mà đối với các khoản vay này từ hỗ trợ lãi suất.
Thứ hai, hiện tượng đảo nợ rất dễ xảy ra khi nhiều doanh nghiệp muốn được vay hỗ trợ lãi suất để trả cho những khoản vay với lãi suất cao trước đây..., gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kích cầu.
Thứ ba, gói kích cầu đang được triển khai dường như chỉ chú trọng đến kích cầu sản xuất chứ chưa phải kích cầu tiêu dùng, như cho vay tiêu dùng, vay đời sống, kinh doanh bất động sản, chứng khoán...
Thứ tư, suy giảm kinh tế sẽ khiến nhiều lao động mất việc có xu hướng quay trở về nông thôn, nên kích cầu việc làm cho khu vực nông thôn là hết sức cần thiết.
Chính vì vậy, bên cạnh các nhóm giải pháp về tiền tệ và thuế, Chính phủ cũng đã triển khai hàng loạt các biện pháp khác như: xúc tiến thương mại, duy trì sản xuất trong nước, hỗ trợ lao động mất việc làm, trợ cấp cho người nghèo, người có thu nhập thấp và thất nghiệp...
Thanh Hải
Tin tức/ViệtNam+