Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/03/2008-13:39:00 PM
Sông Mêkông - cơ hội để cùng phát triển
Trong những năm qua, Chương trình hợp tác tiểu vùng Mêkông mở rộng (GMS) tiến triển tương đối thuận lợi do các nước GMS có quyết tâm cao, tích cực thúc đẩy hợp tác; tính hiệu quả cao, cơ chế hợp tác tương đối hoàn thiện; Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đóng vai trò tích cực trong điều phối, hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ, các nhà tài trợ khác cũng quan tâm và tích cực tham gia.

Liên kết, phát triển kinh tế.

Liên kết, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, nguồn nước sông Mêkông là những “động lực” thôi thúc các nước trong lưu vực sông Mêkông tìm kiếm các cơ chế hợp tác song phương và đa phương nhằm giải quyết những yêu cầu chung của tiểu vùng Mêkông. Trong bối cảnh đó, Chương trình hợp tác tiểu vùng Mêkông mở rộng (Greater Mekong Subregion - GMS) được hình thành vào năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Ban đầu, GMS bao gồm các nước nằm trong lưu vực sông Mêkông: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Mi-an-ma và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc; năm 2004, tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc đã được đưa vào hợp tác GMS. Mục tiêu của GMS là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân lưu vực sông Mêkông.

Trong những năm qua, hạ tầng giao thông là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu và cũng là lĩnh vực hợp tác có kết quả nổi bật nhất, tập trung vào 3 hành lang kinh tế chính sau đây: Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC): dài 1450 km, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlanlyine (Mi-an-ma) chạy qua Thái Lan và qua tỉnh Savanakhet của Lào đến cặp cửa khẩu Densavanh (Lào) Lao Bảo (Việt Nam) và qua các tỉnh thành Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và Đà Nẵng.

Đầu 2007, với sự hoàn thành của cây cầu quốc tế thứ 2 qua sông Mêkông, giao thông đường bộ của hành lang EWEC đã thông suốt và EWEC trở thành hành lang đi vào hoạt động đầu tiên trong tiểu vùng Mêkông; Hành lang kinh tế Bắc- Nam (NSEC): gồm 3 tuyến dọc theo trục Bắc- Nam là Côn Minh- Chiềng Mai- Băng Cốc, Côn Minh- Hà Nội- Hải Phòng và Nam Ninh- Hà Nội. Dự kiến hành lang NSEC sẽ hoàn thành vào năm 2010; Hành lang kinh tế phía Nam (SEC): gồm 3 tuyến đường nối phía Nam Thái Lan qua Campuchia với Việt Nam. Theo quy hoạch, hành lang phía Nam dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2010-2012.

Năm 2007, GMS thông qua Chiến lược giao thông tiểu vùng Mêkông 2006-2015, điều chỉnh lại quy hoạch các hành lang kinh tế tiểu vùng gồm 9 hành lang. So với quy hoạch trước đây, trong Chiến lược giao thông GMS 2006-2015 có một số điểm mới: Mở các tuyến liên kết 3 hành lang chính trước đây; Mở thêm các tuyến mới phía Tây liên kết tiểu vùng Mêkông với Ấn Độ; Ngoài 3 cửa ngõ ra biển phía Đông hiện có là TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng quy hoạch mở thêm 2 cửa ngõ mới Việt Nam là Thanh Hóa và Quy Nhơn.

Những lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng

GMS đã tạo thuận lợi thương mại, du lịch: Hiệp Định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới (Hiệp Định GMS) được ký năm 1999, đến nay, các nước GMS đã ký tất cả các Nghị định thư và các Phụ lục Hiệp định GMS.

Mặc dù các quy định của Hiệp định GMS chưa có hiệu lực, song trên thực tế để đáp ứng yêu cầu liên kết và hội nhập kinh tế, các nước GMS đã bước đầu thực hiện thí điểm những quy định của Hiệp định GMS về kiểm tra hải quan tại một số cặp cửa khẩu dọc hành lang EWEC là Mukdahan - Savanakhet và Dansavanh - Lao Bảo.

Năng lượng là lĩnh vực hợp tác triển vọng, do tiềm năng thủy điện trong tiểu vùng khá lớn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán và truyền tải điện, các nước GMS đã ký Hiệp định Thương mại và Năng lượng khu vực tại Hội nghị thượng đỉnh GMS (tháng 11/2002), ký Bản ghi nhớ về nguyên tắc cơ bản đối với việc triển khai Hiệp định Thương mại và Năng lượng khu vực tháng 7/2005 tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS. Ngoài ra, các nước đang triển khai các nghiên cứu về mạng lưới điện trong ASEAN, nghiên cứu khả thi về phát triển thuỷ điện và kết nối đường dây truyền tải.

Hợp tác viễn thông: Dự án nâng cao khả năng hoạch định chính sách trong lĩnh vực viễn thông dành cho các nước GMS đã được tiến hành từ năm 2002-2004. Hiện nay, dự án xây dựng mạng lưới trục viễn thông GMS và Mạng lưới xa lộ thông tin GMS được ưu tiên và ADB hỗ trợ cho vay vốn để thực hiện.

Hợp tác phát triển nguồn nhân lực: tập trung vào chia sẻ kinh nghiệm giáo dục, chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm để nâng cao trình độ lao động trong khu vực, tăng cường kiểm soát bệnh truyền nhiễm, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cho vùng sâu vùng xa và khu vực dễ bị tổn thương. Các nước GMS đã hoàn thành 2 dự án hỗ trợ kỹ thuật về phát triển nhân lực và giáo dục nhằm ngăn ngừa bệnh AIDS trong khu vực Dự án nghiên cứu về cộng đồng thiểu số trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục, dự án giáo dục các cộng đồng thiểu số về tính dễ lây nhiễm và nguy hiểm của HIV/AIDS, dự án khống chế bệnh truyền nhiễm trong GMS, nghiên cứu về tác động đói nghèo của hội nhập kinh tế trong GMS đang được triển khai. Tại HNCC GMS 1 tại Phnom Penh, các nước đã nhất trí thực hiện Chương trình hành động Phnom Penh về phát triển quản lý (Phnom Penh Plan) với mục đích nâng cao hiệu quả quản lý phát triển tại các nước GMS.

Hợp tác du lịch, gồm 6 nội dung đã được triển khai với sự hỗ trợ của ADB: thúc đẩy khu vực GMS trở thành một điểm đến của du khách; Đào tạo nhân vực trong du lịch; Đào tạo cán bộ quản lý về bảo tồn và phát triển du lịch; Nghiên cứu phát triển du lịch Mêkông/Lan Thương; Phát triển du lịch tại các vùng quê và phát triển hành lang du lịch Bắc - Nam.

Hợp tác nông nghiệp, Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp GMS lần thứ nhất từ 9- 11/4/2007, Bắc Kinh đã thông qua Khung chiến lược hợp tác nông nghiệp và Chương trình chính hỗ trợ nông nghiệp giai đoạn 2006-2010, cũng như thành lập Website của mạng lưới thông tin nông nghiệp GMS. Tinh thần chính của hai văn kiện trên là: “Tiểu vùng Mêkông thịnh vượng hơn về nông nghiệp, hội nhập hơn về thương mại nông nghiệp, và công bằng hơn trong việc chia sẻ lợi ích của phát triển nông nghiệp”.

Minh Anh
ĐCSVN

    Tổng số lượt xem: 1322
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)