Tính đến ngày 15/7/2008, theo báo cáo của 36 bộ, cơ quan trung ương, 64 địa phương, thì tổng số công trình, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoãn khởi công mới, ngừng triển khai và giãn tiến độ thực hiện trong kế hoạch năm 2008 là 1.968 dự án, với tổng số vốn 5.991 tỷ đồng, bằng 8,0% kế hoạch năm 2008.
Cùng với đó, theo báo cáo và kết quả kiểm tra ở 15 tập đoàn và tổng công ty, thì các đơn vị này đã rà soát cắt giảm, hoãn khởi công và giãn tiến độ kế hoạch đầu tư năm 2008 là 1.003 dự án, với tổng số vốn 29.366 tỷ đồng, giảm 12,05% về giá trị so với kế hoạch ban đầu.
Các kết quả cắt giảm này, dù ít hay nhiều, dù vẫn còn những băn khoăn liên quan đến hiệu quả đối việc kiềm chế lạm phát, thì cũng phải thừa nhận một thực tế là, các bộ, ngành, các địa phương, tập đoàn và tổng công ty đã rất nỗ lực để thực hiện Quyết định 390 của Thủ tướng Chính phủ.
Nỗ lực này càng được ghi nhận rõ ràng hơn khi 11 đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đi kiểm tra tình hình thực hiện Quyết định 390, và báo cáo đánh giá của các đoàn công tác này đều cho thấy, các địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của việc điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách năm 2008, nhằm kiềm chế lạm phát. Còn các tập đoàn, tổng công ty cũng đã có những nỗ lực, chủ động ở mức độ khác nhau trong việc rà soát, bố trí lại kế hoạch đầu tư phát triển năm 2008.
Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Lê Văn Học, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sau khi rà soát, sắp xếp lại, tổng số dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách nhà nước trong kế hoạch năm 2008 của các địa phương đã giảm từ 13.901 dự án xuống còn 12.750 dự án; còn số vốn bình quân một dự án tăng từ 4,45 tỷ đồng/dự án lên 4,85 tỷ đồng/dự án. Số dự án khởi công mới trong năm 2008 giảm từ 3.965 dự án xuống còn 3.140 dự án và số vốn bố trí cho các dự án khởi công mới giảm từ 11.982 tỷ đồng xuống còn 10.628 tỷ đồng.
Từ việc giãn tiến độ, đình hoãn các dự án này, sẽ có khoảng 5.662 tỷ đồng dôi ra và được các địa phương chuyển cho những dự án có hiệu quả, cấp bách, hoàn thành trong năm 2008-2009 sau khi thực hiện điều chỉnh dự toán theo quy định của Nhà nước. Trong khi đó, với các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, số vốn cắt giảm hơn 29.366 tỷ đồng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá là có tác động lớn tới việc kiềm chế lạm phát trong tình hình hiện tại.
Tuy vậy, vấn đề đặt ra là, tiếp theo Quyết định 390/QĐ-TTg, các bộ, ngành, địa phương, cũng như các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải làm gì để nâng cao hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư tư nguồn vốn nhà nước?
Lâu nay, những câu hỏi về sự kém hiệu quả, hay thậm chí là lãng phí của các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách luôn được đặt ra.
Tương tự, việc ra các quyết định đầu tư quá dễ dàng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, mà Báo Đầu tư đã từng đề cập, cũng khiến dư luận băn khoăn. Bởi vậy, không chỉ là kiên quyết thực hiện Quyết định 390/QĐ-TTg, mà nhân cơ hội này, các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty phải cơ cấu lại kế hoạch đầu tư sao cho hợp lý và hiệu quả hơn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Học cho rằng, việc rà soát, sắp xếp lại các dự án đầu tư theo Quyết định 390/QĐ-TTg là một chủ trương đúng đắn, cần phải kiên trì thực hiện và coi là công việc thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương từ nay đến cuối năm và trong các năm tiếp theo.
Các địa phương phải kiên quyết đình hoãn, ngừng khởi công và giãn tiến độ các dự án chưa thật sự cấp bách, để bổ sung nguồn vốn bù đắp cho phần trượt giá của các dự án cấp bách, các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2008. Công việc này cần được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo các nguồn vốn có được từ việc đình hoãn, giãn tiến độ các công trình được sử dụng hiệu quả.
Còn với các tập đoàn, tổng công ty, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ các dự án đầu tư chưa thật cấp thiết, các dự án kém hiệu quả, theo ông Học, phải triển khai ngay việc xây dựng kế hoạch điều chỉnh, bố trí lại vốn đầu tư phát triển 6 tháng cuối năm 2008, trong đó cần chú ý tập trung vốn cho các dự án trọng điểm, quan trọng, những dự án sắp hoàn thành, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, cũng cần đặt ra việc xem xét sửa đổi, bổ sung điều lệ các công ty mẹ trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty theo hướng quy định chặt chẽ hơn về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của hội đồng quản trị; giảm thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư của hội đồng quản trị theo hướng quy định cụ thể tỷ lệ, cùng với mức cụ thể về giá trị của dự án và tổng giá trị đầu tư phát triển trong năm.
Đồng thời, rà soát lại định hướng đầu tư, góp vốn tại Đề án hình thành tập đoàn kinh tế theo hướng cắt giảm, đình hoãn kế hoạch đầu tư tăng tài sản cố định không cấp thiết, hoặc tính khả thi thấp, kế hoạch đầu tư thành lập mới các công ty thành viên, kế hoạch góp vốn vào các công ty khác, đặc biệt là góp vốn vào các công ty tài chính, ngân hàng…