Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/07/2008-14:58:00 PM
Điều chỉnh chuẩn nghèo theo CPI năm 2008
Sau khi thống nhất với Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với hai phương án điều chỉnh chuẩn nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010 theo phương án 2 với 300.000 đồng/người/tháng đối với nông thôn và 390.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét điều chỉnh chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư nghiên cứu đề xuất phương án chuẩn nghèo trình Thủ tướng phê chuẩn theo chỉ số thực tế giá cả của năm 2008.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn nghèo hiện nay của nước ta được ban hành từ năm 2005( theo QĐ số 170/2005/QĐ-TTg ngày 8/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Chuẩn nghèo này được tính toán dựa vào nhu cầu chi tiêu cơ bản của lương thực thực phẩm (nhu cầu ăn hàng ngày) và nhu cầu chi tiêu phi lương thực thực phẩm (mặc, nhà ở, y tế, giáo dục, văn hoá, đi lại, giao tiếp xã hội).

Theo phân tích của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội): Chi cho nhu cầu ăn khoảng 60% tổng chi tiêu và 40% dành cho phi lương thực, thực phẩm. Cách tính này để thuận lợi cho việc điều chỉnh, rà soát và tiết kiệm chi phí, nhận diện hộ nghèo ở các địa phương cơ sở, chuẩn nghèo được chuyển đổi tính theo thu nhập bình quân đầu người của các hộ gia đình.

Nhưng do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhanh, năm 2007 là 12,63%, 6 tháng đầu năm 2008 là 18,44%, ước tính cả năm 2008 từ 24,5-28,5%, làm cho giá trị thực của chuẩn nghèo giảm xuống. Để bảo đảm đúng giá trị thực của chuẩn nghèo như khi đã ban hành thì phải tính them vào chuẩn nghèo chỉ số CPI từ năm 2007 và năm 2008.

Sau khi thống nhất với Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất phương án điều chỉnh chuẩn nghèo theo phương án: Chuẩn nghèo điều chỉnh giá năm 2008 sẽ bằng chuẩn nghèo hiện nay cộng với chỉ số giá CPI trong 2 năm 2007-2008 (khi xây dựng đã ước tính chỉ số năm 2006 là 6,5%); nếu cập nhật giá, giá trị chuẩn nghèo sẽ tăng khoảng 40-45% so với chuẩn nghèo hiện tại.

Theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phương án 1: Chuẩn nghèo được cập nhật chỉ số CPI năm 2007 (12,63%) và năm 2008 (dự kiến là 24,5%). Do vậy chuẩn nghèo được cập nhật chỉ số CPI năm 2007 (12,63%) và năm 2008 (dự kiến là 24,5%). Chuẩn nghèo được tính ở 2 khu vực: Nông thôn-những hộ có mức thu nhập bình quân từ 270.000 đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo.

Khu vực thành thị: Những hộ có mức thu nhập bình quân từ 360.000 đồng/ người/tháng trở xuống là hộ nghèo. Theo phương án này, dự báo tỷ lệ hộ nghèo của cả nước đến cuối năm 2008 khoảng 15-16%, tương ứng với 2,9-3,1 triệu hộ. Với Phương án 2, chuẩn nghèo được cập nhật theo chỉ số CPI năm 2007 (12,63%) và năm 2008 (dự kiến là 27,5%).

Theo đó chuẩn nghèo cụ thể như sau: Khu vực nông thôn: Những hộ có mức thu nhập bình quân từ 300.000 đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo. Đối với khu vực thành thị, những hộ có mức thu nhập bình quân từ 390.000 đồng/người/tháng trở xuống là hộ nghèo. Theo phương án này, dự báo tỷ lệ hộ nghèo cả nước đến cuối năm 2008 khoảng 16,5-17,5%, tương ứng với 3,2-3,4 triệu hộ.

Tuy nhiên, một quan chức của Cục Bảo trợ xã hội cho biết: “Tổng cục Thống kê còn đề xuất phương án cao hơn là 310.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn; 390.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị.

Kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo như sau: đối với chính sách giảm nghèo tác động trực tiếp tới hộ nghèo (y tế, giáo dục) các bộ ngành chức năng sẽ tính toán cụ thể kinh phí tăng thêm và bổ sung từ năm 2009; đối với các chính sách liên quan đến đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, đề nghị Uỷ ban Dân tộc căn cứ vào chuẩn nghèo mới tính toán đề nghị bổ sung kinh phí thực hiện.

Dũng Hiếu
VNeconomy

    Tổng số lượt xem: 1014
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)