Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn tin tưởng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay và quyết định xuất vốn đầu tư.
Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) vừa công bố kết quả khảo sát về mức độ tin tưởng của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á đối với nền kinh tế trong nước.
Cuộc khảo sát của HSBC do Công ty TNS trực tiếp thực hiện vào quý 2/2008, với sự tham gia của hơn 3.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm đặc khu hành chính Hồng Kông, Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Bangladesh, Singapore, Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia và Indonesia.
Trước đó, một cuộc khảo sát tương tự đã được tiến hành trong quý 4/2007.
Trong cả hai cuộc khảo sát, các doanh nghiệp được hỏi về kỳ vọng của họ đối với nền kinh tế trong nước sáu tháng sắp tới, kế hoạch tăng giảm vốn đầu tư, nhân sự, cũng như dự đoán của họ về khối lượng mậu dịch với Trung Quốc đại lục, các quốc gia còn lại ở châu Á cũng như trên toàn thế giới.
Kết quả cuộc khảo sát mới đây cho thấy phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Á tin rằng tăng trưởng kinh tế trong nước sẽ được duy trì ở mức độ ngang bằng hoặc cao hơn năm 2007.
Đi cùng với niềm tin trên, các doanh nghiệp cho biết vẫn dự định giữ nguyên hoặc tăng cường thêm nhân viên và tiếp tục đầu tư vốn, bên cạnh dự đoán giao thương quốc tế sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ Ấn Độ lạc quan nhất xét trên nhiều phương diện. Khối doanh nghiệp này tại Đài Loan cũng cho thấy nhiều nhận định lạc quan, theo HSBC, có thể đây là kết quả của điều kiện chính trị được cải thiện tại quốc gia này.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, một bộ phận các doanh nghiệp cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm xuống trong năm 2008. Tại Hàn Quốc, bất ổn về kinh tế và chính trị gia tăng đã làm giảm sút mức độ lạc quan của các doanh nghiệp từ cuối năm 2007.
Bà Margaret Leung, Giám đốc toàn cầu khối dịch vụ tài chính doanh nghiệp của Ngân hàng HSBC khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Á vẫn tăng trưởng tốt nhờ xuất khẩu và nhu cầu tiêu thụ trong nước cao. Trong khi các quốc gia trong khu vực không tránh khỏi ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế toàn cầu, cuộc khảo sát cho thấy hiện tại các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh và kỳ vọng vào giao thương quốc tế phát triển mạnh, đặc biệt trong khu vực châu Á”.
Theo các nội dung cụ thể của cuộc khảo sát, quan điểm về triển vọng kinh tế cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ Ấn Độ lạc quan nhất trong khu vực, tiếp theo là Trung Quốc đại lục và Đài Loan.
Riêng tại Việt Nam, đại đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ (67%) vẫn tin rằng nền kinh tế sẽ phát triển ở mức hiện tại hoặc cao hơn. Một số lượng nhỏ hơn (33%) cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm xuống.
Và dù số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam tin nền kinh tế sẽ cải thiện đã giảm đáng kể so với kết quả cuộc khảo sát trước đó, nhưng phần lớn doanh nghiệp vẫn dự định gia tăng (54%) hoặc giữ nguyên (41%) đầu tư vốn trong những tháng còn lại của năm.
Về kế hoạch tuyển dụng, một lần nữa, trong khi 74% doanh nghiệp toàn châu Á dự định giữ nguyên số lượng nhân viên, thì tại Việt Nam, một lượng đáng kể các doanh nghiệp (44%) có kế hoạch gia tăng nhân sự.
Triển vọng giao thương quốc tế với Trung Quốc, các quốc gia còn lại tại châu Á và trên toàn thế giới, các doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam vẫn duy trì thái độ lạc quan.
Khoảng một nửa các doanh nghiệp được khảo sát (55%) tin rằng mậu dịch với Trung Quốc sẽ tăng trong khi 32% cho rằng con số này sẽ duy trì ở mức như năm ngoái.
Về giao thương quốc tế với các nước còn lại ở châu Á, 57% doanh nghiệp khảo sát tại Việt Nam tin vào sự tăng trưởng và 35% cho rằng sẽ duy trì khối lượng mậu dịch như năm ngoái.
Các doanh nghiệp cũng có cùng kỳ vọng đối với vấn đề giao thương với các quốc gia còn lại trên thế giới: 49% tin vào sự tăng trưởng và 38% cho rằng khối lượng mậu dịch sẽ duy trì như năm 2007.
Nhận định về kết quả khảo sát các doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Huỳnh Bửu Quang, Giám đối khối Dịch vụ Tài chính Doanh nghiệp Ngân hàng HSBC cho rằng: “Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua một thời gian tương đối khó khăn vào nửa đầu năm 2008 với lạm phát cao, thâm hụt thương mại, đồng Việt Nam bị giảm giá so với Ðôla Mỹ và thị trường ngoại hối không ổn định. Ðây là lý do các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trở nên thận trọng hơn khi bộc lộ quan điểm về triển vọng kinh tế so với hồi sáu tháng truớc”.
“Tuy nhiên, chúng tôi rất phấn khích khi nhận thấy rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam dù đang phải đương đầu với thực tế khó khăn nhưng vẫn lạc quan và chủ động hành động, thể hiện ở việc tiếp tục đầu tư, tuyển dụng và tin tuởng vào triển vọng giao thương quốc tế”, ông Quang nói.