Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/03/2008-14:37:00 PM
Báo cáo tình hình đầu tư nước ngoài tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2008

I. Tình hình chung:

1. Tình hình thực hiện sản xuất-kinh doanh

Trong 2 tháng đầu năm 2008, các doanh nghiệp ĐTNN đã góp vốn đầu tư thực hiện trên 1 tỷ USD, tăng 57% so với vốn thực hiện của cùng kỳ năm trước.

Doanh thu của các doanh nghiệp ĐTNN trong 2 tháng đầu năm 2008 ước tính đạt 4.900 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; trong đó giá trị xuất khẩu ước đạt 3.000 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 3.230 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, nộp ngân sách 230 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ.

Trong tháng 02/2008, khối doanh nghiệp ĐTNN đã thu hút thêm được 12.000 lao động, đưa tổng số lao động trong khu vực có vốn ĐTNN tính đến thời điểm này lên 1.160 nghìn lao động, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

2. Cấp mới

Trong tháng 2/2008, cả nước có 37 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 879 triệu USD, đưa tổng số dự án cấp mới trong 2 tháng đầu năm 2008 lên 72 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.529 triệu USD, bằng 58% số dự án và tăng 56% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký cấp mới trong 2 tháng đầu năm 2008 tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2007 do có 3 dự án lớn được cấp GCNĐT. Đó là: dự án Công ty TNHH Good Choice USA - Việt Nam của tập đoàn Good Choice - Hoa Kỳ đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí, ẩm thực .... tại Bà Rịa Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư là 1,299 tỷ USD; dự án Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực Việt - Nhật do 3 Công ty của Nhật Bản làm chủ đầu tư, mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê, sản xuất phần mềm, cung ứng nguồn nhân lực với tổng vốn đầu tư là 610,3 triệu USD; dự án Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Lập An của đối tác Singapore, đầu tư xây dựng khu khách sạn, du lịch 5 sao, bán và cho thuê biệt thự, nhà ở tại Thừa Thiên Huế với tổng vốn đầu tư là 298,4 triệu USD. Riêng 3 dự án này đã chiếm tới 84% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 2 tháng đầu năm 2008.

Về đối tác đầu tư, Hoa Kỳ là nhà đầu tư có số vốn đầu tư đăng ký lớn nhất trong 02 tháng đầu năm 2008 với 5 dự án, tổng vốn đầu tư là 1,3 tỷ USD (chiếm 51,6% tổng vốn đầu tư đăng ký), do có dự án Công ty TNHH Good Choice USA - Việt Nam nói trên.

Về lĩnh vực đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2007, vốn đầu tư đăng ký tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực dịch vụ với hơn 2,3 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 92,7%. Lĩnh vực công nghiệp 7,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Số còn lại thuộc lĩnh vực nông-lâm-ngư.

Về cơ cấu vùng, Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn đầu cả nước với 1 dự án, vốn đầu tư là 1,29 tỷ USD, chiếm 51,4% tổng vốn đầu tư đăng ký; TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2, chiếm 24,1% và Thừa Thiên Huế đứng thứ 3, chiếm 11,8%, trong 23 địa phương của cả nước có dự án ĐTNN.

3. Tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất

Trong tháng 2/2008 có 7 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 58 triệu USD, đưa số lượng dự án tăng vốn trong 2 tháng đầu năm 2008 lên 17 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 122,6 triệu USD, bằng 27% về số lượt dự án tăng vốn và 42% tổng vốn tăng thêm so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm trong 2 tháng đầu năm 2008, cả nước đã thu hút thêm 2650 triệu USD vốn đầu tư đăng ký, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2007.

II. Nhận xét - Kiến nghị:

Tiếp theo đà tăng trưởng của năm 2007, trong 2 tháng đầu năm 2008 thu hút đầu tư nước ngoài vẫn đạt mức cao, một số doanh nghiệp ĐTNN đã triển khai tích cực ngay trong tháng đầu tiên của năm 2008. Số lượng các nhà đầu tư vào khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các địa phương vẫn tiếp tục tăng.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra trong thu hút ĐTNN năm 2008 cần tập trung vào một số nhóm giải pháp sau:

1. Về môi trường pháp lý

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và triển khai có hiệu quả các đạo luật mới như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, sửa đổi Luật Thuế, Luật Ngân hàng, Bảo hiểm, Sở hữu trí tuệ, Hải quan… Ban hành các văn bản hướng dẫn còn thiếu, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và minh bạch của hệ thống pháp lý về đầu tư- kinh doanh, nhất là các văn bản liên quan trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp (về quyền sử dụng đất, về huy động vốn, về lao động, về thuế, đặc biệt là cách tính thuế và thu thuế).

- Rà soát, điều chỉnh các cam kết về mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ theo đúng các cam kết của WTO. Công khai các văn bản pháp quy của các Bộ, ngành có liên quan về điều kiện đầu tư hoặc hành nghề của các doanh nghiệp nói chung để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các cam kết của Nhà nước ta. Đồng thời, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các văn bản về quản lý đầu tư nước ngoài trên địa bàn theo hướng minh bạch, rõ ràng về đầu mối, thời gian, đầu mục hồ sơ…

- Tập trung thực hiện các công việc theo nội dung công văn số 2513/BKH-ĐTNN của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký ngày 13/4/2007 về tăng cường quản lý hoạt động ĐTNN trong tình hình mới.

- Ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung chưa rõ ràng, cụ thể tại NĐ số 108/2006/ NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.

- Tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó có việc ban hành quy chế khuyến khích tư nhân, đầu tư nâng cấp các công trình giao thông, cảng biển, dịch vụ viễn thông, cung cấp điện nước, phấn đấu không để xảy ra tình trạng thiếu điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Điều chỉnh quy hoạch các ngành cho phù hợp với các thỏa thuận và cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập. Đặc biệt chú trọng công tác dự báo nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch (quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm, địa bàn...). Xoá bỏ quy định về việc yêu cầu các dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch sản phẩm.

2. Về thủ tục hành chính

- Tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế ‘liên thông-một cửa’ ở các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư và quản lý đầu tư. Tăng cường năng lực quản lý ĐTNN của các cơ quan chức năng và cơ chế phối hợp, giám sát và kiểm tra hoạt động đầu tư; giải quyết kịp thời các thủ tục về đất đai, thuế, xuất nhập khẩu, hải quan,... nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động ĐTNN, qua đó tăng thêm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.

- Thực hiện từng bước minh bạch hoá chính sách, thủ tục đầu tư; công khai hoá các bước của quá trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư lên mạng.

3. Về quản lý nhà nước trong hoạt động ĐTNN

Tập trung vào việc giảm khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện:

- Phối hợp hỗ trợ, thúc đẩy nhanh việc giải ngân vốn đăng ký của các dự án đã được cấp GCNĐT, đặc biệt chú trọng đến công tác thúc đẩy triển khai các dự án quy mô vốn đầu tư lớn được cấp GCNĐT trong năm 2006 và năm 2007 bằng cách tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, về giải phóng mặt bằng .v.v. giúp cho các dự án này triển khai nhanh chóng.

- Ban hành chế độ báo cáo thống kê áp dụng cho các doanh nghiệp có vốn ĐTNN và bên hợp doanh nước ngoài thay thế Thông tư số 01/LB ngày 31/3/1997 để làm căn cứ cho các cơ quan quản lý ĐTNN địa phương và doanh nghiệp thực hiện. Đặc biệt, chú trọng việc thống kê vốn thực hiện của cac doanh nghiệp ĐTNN.

- Xây dựng, củng cố hệ thống quản lý thông tin đầu tư nước ngoài, kết nối các đầu mối quản lý đầu tư tại địa phương để đảm bảo tốt chính sách hậu kiểm.

4. Về đào tạo nguồn nhân lực

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua:

+ Tăng cường mạnh mẽ công tác đào tạo, nhất là đào tạo nghề với sự tham gia của các tổ chức trong nước và nước ngoài nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu lao động kỹ thuật cao của nhà đầu tư.

+ Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác XTĐT nói riêng và quản lý đầu tư nói chung. Vận động và phối hợp với các tổ chức quốc tế hỗ trợ mở các lớp đào tạo về xúc tiến và quản lý ĐTNN.

5. Về xúc tiến đầu tư

- Đổi mới công tác vận động xúc tiến đầu tư trên cơ sở đa dạng hoá các phương thức xúc tiến đầu tư theo các hướng sau:

+ Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư nói riêng và quản lý đầu tư nói chung. Vận động và phối hợp với các tổ chức quốc tế hỗ trợ mở các lớp đào tạo về xúc tiến và quản lý đầu tư nước ngoài.

+ Thành lập các bộ phận xúc tiến đầu tư tại các địa bàn trọng điểm. Ngoài ra, đề nghị UNIDO xem xét nối lại chương trình cử đại diện Việt Nam tại Văn phòng xúc tiến đầu tư của UNDO (IPS) tại một số nước và khu vực trọng điểm (Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, áo, Italia, Hoa Kỳ);

+ Nâng cấp trang thông tin website giới thiệu về đầu tư nước ngoài. Trang web cần được thiết kế khoa học bằng tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Nhật. Biên soạn lại các tài liệu giới thiệu về đầu tư nước ngoài như guidebook, in tờ gấp giới thiệu về cơ quan quản lý đầu tư, cập nhật các thông tin về chinh sách, pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài. Làm đĩa VCD hoặc CD ROM để giới thiệu về môi trường đầu tư.

- Tăng cường phối hợp trong XTĐT giữa trung ương và địa phương. Nhanh chóng ban hành Quy chế phối hợp và triển khai các bộ phận XTĐT ở một số địa bàn trọng điểm. Đổi mới phương thức XTĐT, chuyển mạnh sang hình thức vận động đầu tư theo dự án và đối tác trọng điểm, tiếp cận và vận động các công ty, tập đoàn lớn có thực lực về tài chính- công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam.

- Triển khai đúng tiến độ việc thực hiện Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình XTĐT quốc gia giai đoạn 2007-2010 để có thể bắt đầu thi hành từ ngày 01/01/2008 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Nâng cấp và duy trì trang thông tin website giới thiệu về ĐTNN đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

6. Một số vấn đề khác

- Tiếp tục xây dựng chương trình thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn III một cách hiệu quả; cũng như Cơ chế hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Việt Nam) và Cơ quan Phát triển kinh tế- EDB (Singapore) phù hợp với tình hình mới.

- Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự quản lý hoạt động ĐTNN các cấp đáp ứng nhu cầu tình hình mới.

- Duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành với các nhà đầu tư nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ và nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tu kinh doanh tại Việt Nam, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội doanh nghiệp thông qua các hoạt động của Nhóm M & D, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam...

- Kiến nghị việc bổ sung vốn đối ứng của bên Việt Nam trong dự án JICA về ‘Tăng cường năng lực điều hành hoạt động ĐTNN của Cục ĐTNN để đẩy nhanh việc triển khai phục vụ công tác thu thập thông tin FDI và quản lý hoạt động XTĐT trong bối cảnh mới”.

Số liệu về cấp mới và tăng vốn.


File đính kèm:
so lieu FDI.xls

Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1091
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)