(MPI Portal) – Trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư, chiều ngày 08/8/2014, Hội nghị đã được nghe Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm trình bày phương pháp biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước và đề án chuyển đổi quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô phản ánh giá trị mới tăng của sản phẩm vật chất và dịch vụ được tạo ra của toàn bộ nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định (quý, năm). Tổng sản phẩm trong nước được tính theo giá hiện hành và giá so sánh. Trong đó, giá hiện hành là giá được dùng trong giao dịch của năm báo cáo, giá hiện hành phản ánh giá trị trên thị trường của hàng hóa, dịch vụ và tài sản chu chuyển từ quá trình sản xuất, lưu thông phân phối tới sử dụng cuối cùng, đồng thời với sự vận động của tiền tệ, tài chính và thanh toán. Giá so sánh là giá hiện hành của năm được chọn làm gốc để so sánh, để nghiên cứu sự thay đổi đơn thuần về mặt khối lượng, tức là loại trừ sự biến động của yếu tố giá, năm được chọn làm gốc để tính theo giá so sánh thường là năm đầu của một thời kỳ kế hoạch và là năm có nền kinh tế ổn định.GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, vì vậy Thống kê Liên hợp quốc không đưa ra phương pháp và không khuyến nghị tính chỉ tiêu GDP cho các tỉnh thành phố.
|
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết dựa vào phân tích luồng chu chuyển thu nhập và chi tiêu trong nền kinh tế, các nhà kinh tế đã chỉ ra mối quan hệ đẳng thức giữa tổng sản phẩm trong nước với tổng thu nhập từ sản xuất và tổng chi tiêu trong nền kinh tế, các đẳng thức này là cơ sở lý luận của ba phương pháp tính chỉ tiêu GDP. Nội hàm của chỉ tiêu GDP xét trên ba góc độ và thể hiện qua ba phương pháp tính như sau:
Trên góc độ sản xuất:GDP là tổng cung của nền kinh tế; tính theo phương pháp sản xuất GDP bằng giá trị sản xuất (GO) trừ (-) chi phí trung gian (IC) cộng (+) thuế sản phẩm trừ (-) trợ cấp sản phẩm;
Trên góc độ sử dụng:GDP là tổng cầu của nền kinh tế; tính theo phương pháp sử dụng GDP bằng tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư và tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ cộng (+) tích lũy tài sản cộng (+) chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ;
Trên góc độ thu nhập:GDP là tổng thu nhập của nền kinh tế từ sản xuất; tính theo phương pháp thu nhập GDP bằng thu nhập của người lao động từ sản xuất cộng (+) thuế sản xuất cộng (+) khấu hao tài sản cố định dùng trong sản xuất cộng (+) giá trị thặng dư.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, hiện nay Tổng cục Thống kê áp dụng phương pháp sản xuất để tính chỉ tiêu GDP cho toàn bộ nền kinh tế và tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP); phương pháp sử dụng và phương pháp thu nhập chỉ áp dụng tính cho chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế.
Hội nghị cũng được nghe Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ về đề án “Chuyển đổi quy trình biên soạn số liệu Tổng sản phẩm trong nước”, trong đó Tổng cục Thống kê là đơn vị chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó Tổng cục Thống kê sẽ trực tiếp tính toán và công bố chỉ tiêu GRDP cho các địa phương thống nhất sử dụng. Chuyển đổi quy trình biên soạn số liệu GDP là một nội dung triển khai thực hiện Quyết định số 312/QĐ-TTg, ngày 02 tháng 03 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới đồng bộ các Hệ thống chỉ tiêu thống kê, với mục tiêu “nâng cao tính trung thực, khách quan, kịp thời và không còn tình trạng chênh lệch số liệu GDP giữa toàn bộ nền kinh tế với kết quả tính toán theo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu so sánh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, so sánh quốc gia và so sánh quốc tế”./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư