Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/07/2008-10:20:00 AM
Thúc đẩy công nghiệp Ðà Nẵng phát triển
Công nghiệp đang chiếm tỷ trọng cao trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Ðà Nẵng. Năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp của Ðà Nẵng đạt 1.700 tỷ đồng, sáu tháng đầu năm 2008 đạt 5.059 tỷ đồng, tăng 15,01% so với cùng kỳ năm 2007. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, công nghiệp của Ðà Nẵng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần nhanh chóng tháo gỡ.

Phát triển nhưng chưa vững chắc

Hiện nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn của Ðà Nẵng đã cổ phần hóa (CPH) như Công ty cổ phần dệt may 29-3, Công ty cổ phần cao-su Ðà Nẵng, Công ty Hữu nghị, Công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ... phần nào giải quyết những tồn đọng về cơ chế quản lý cũ, thiếu năng động, chất lượng sản phẩm không cao.

Sau CPH, không chỉ bó hẹp trong tiêu thụ nội địa, sản phẩm của các doanh nghiệp ở Ðà Nẵng ngày càng có sức cạnh tranh trên thị trường, kim ngạch xuất khẩu của năm mặt hàng chủ lực (cao-su, dệt may, giày da, thủy sản đông lạnh, xi-măng) ngày càng tăng. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng sản phẩm dệt may của Ðà Nẵng đạt hơn 100 triệu USD, các sản phẩm chế biến hải sản đông lạnh, giày da, đồ gỗ... đạt kim ngạch xuất khẩu từ 20 đến 70 triệu USD. Ngành sản xuất cơ khí điện máy đóng tàu có bước tiến nhanh, vững chắc, ngày càng chiếm tỷ trọng khoảng 20% trong giá trị sản xuất công nghiệp, đang chiếm vị trí quan trọng của ngành công nghiệp, tạo ra trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất. Công ty cổ phần cơ điện miền trung đã đưa trang thiết bị hiện đại vào sản xuất, thay thế dần những thiết bị lạc hậu, hiện có thể sản xuất các sản phẩm cơ khí có chất lượng cao (sản phẩm dây cáp, cơ khí thủy công, thiết bị phục vụ ngành thủy điện...).

Công ty điện máy và kỹ thuật công nghiệp Ðà Nẵng sau một thời gian đổi mới công nghệ, đào tạo đội ngũ kỹ sư lành nghề từ nước ngoài, nhanh chóng trang bị hệ thống, máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, có thể sản xuất các loại xe gắn máy mua bản quyền từ Hàn Quốc, các sản phẩm cơ khí đòi hỏi kỹ thuật cao, từ đó doanh thu hằng năm của doanh nghiệp này lên tới hàng trăm tỷ đồng. Từ doanh nghiệp nhỏ, vốn đầu tư ít, năm doanh nghiệp dệt may của Ðà Nẵng đã trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mạnh sang thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... như Công ty cổ phần dệt may 29-3, Công ty cổ phần dệt may Vinatex Ðà Nẵng, Công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ.

Giám đốc Sở Công thương Ðà Nẵng, Phan Văn Kha cho biết, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian qua có tăng trưởng nhưng tương đối chậm, cả về giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, đầu tư sản xuất công nghiệp còn chậm, kể cả các dự án đang triển khai và các dự án đầu tư mới, nhất là các dự án hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp lớn của Ðà Nẵng hình thành chủ yếu từ các doanh nghiệp nhỏ gộp lại, nguồn vốn đầu tư sản xuất chủ yếu từ nguồn vốn vay của ngân hàng nên tình hình sản xuất kinh doanh rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải chuyển đổi phương án sản xuất kinh doanh, khó đứng vững trên thương trường, nhất là các doanh nghiệp công nghiệp địa phương sau CPH. Các doanh nghiệp FDI của Ðà Nẵng trong thời gian qua tuy đã hình thành, sản xuất kinh doanh nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp này là thiếu đội ngũ công nhân lành nghề với số lượng lớn nhưng Ðà Nẵng không đáp ứng được. Công nghiệp phụ trợ đang là mối lo của ngành công nghiệp Ðà Nẵng, bởi công nghiệp phụ trợ không phát triển sẽ giảm đi tốc độ thu hút đầu tư, kìm hãm quá trình sản xuất của các dự án FDI, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản.

Các khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường

Ðà Nẵng hiện nay có 5 khu công nghiệp (KCN) là Hòa Khánh, Liên Chiểu, Hòa Cầm, Ðà Nẵng và KCN Dịch vụ và Chế biến thủy sản Ðà Nẵng, nhưng chỉ có một KCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung là KCN Hòa Khánh. Có thể thấy các KCN của Ðà Nẵng sau khi hình thành đã giải quyết nhiều khó khăn, bức bách của thành phố về di dời các doanh nghiệp sản xuất trong nội thành vào các KCN. Tuy nhiên, các KCN của Ðà Nẵng hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, đã gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang nằm trong KCN. KCN Hòa Khánh với diện tích hơn 400 ha, đã thu hút gần 200 doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI sản xuất, kinh doanh. Ðiều đáng nói, KCN này tập trung các doanh nghiệp cơ khí, điện máy, hàng tiêu dùng và xuất khẩu, sản xuất hóa chất, thép xây dựng... nên chất thải công nghiệp rất lớn. Với KCN Hòa Khánh, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Ðà Nẵng đã đầu tư gần 18 tỷ đồng xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung có công suất xử lý là 5 nghìn m3/ngày đêm, tuy nhiên do "sự cố" về thiết kế, thi công, nhà máy xử lý nước thải này chỉ xử lý chưa tới 2 nghìn m3/ngày đêm. Nước thải công nghiệp của KCN Hòa Khánh chưa được xử lý triệt để đã chảy ra môi trường chung quanh, chảy ra sông Cu Ðê và hồ Bàu Tràm trong KCN, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. KCN Dịch vụ và Chế biến thủy sản Ðà Nẵng hiện thu hút gần 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản vào sản xuất, nhưng điều đáng lo ngại nhất của các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong KCN này là nguồn nước ngầm bị ô nhiễm trầm trọng do KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm các mặt hàng thủy sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, hệ thống nước thủy cục phục vụ cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong KCN không có, các doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị với Ban quản lý các KCN và Chế xuất Ðà Nẵng về vấn đề xử lý nước thải ô nhiễm và nguồn nước sạch phục vụ sản xuất nhưng vẫn không được giải quyết kịp thời.

Giám đốc Công ty phát triển và khai thác hạ tầng các KCN Ðà Nẵng, Thái Bá Cảnh cho biết, bức xúc trước khó khăn của các doanh nghiệp chế biến thủy sản, Ban quản lý các KCN và chế xuất Ðà Nẵng đã nhiều lần kiến nghị UBND thành phố Ðà Nẵng nhanh chóng xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng cho đến nay vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo, không biết đến khi nào hệ thống xử lý nước thải tập trung trong KCN này mới được xây dựng.

Sau hơn 10 năm phát triển, công nghiệp Ðà Nẵng đang có sức vươn lớn, tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều vướng mắc, cần khắc phục kịp thời. Ðiều thấy rõ nhất là quy mô của nền công nghiệp thành phố chưa tương xứng tiềm năng, vị thế, chưa đủ sức lan tỏa, làm động lực đối với khu vực miền trung và Tây Nguyên.

Sở Công thương Ðà Nẵng đang hoàn chỉnh dự thảo "Quy hoạch phát triển công nghiệp Ðà Nẵng đến năm 2015, có xét đến năm 2020" và "Ðề án phát triển sản phẩm công nghiệp - thương mại nhằm khai thác lợi thế tuyến Hành lang kinh tế Ðông - Tây". Cùng với việc khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hy vọng rằng đây là tiền đề để công nghiệp Ðà Nẵng phát triển ngày càng vững chắc, khai thác lợi thế và tiềm năng kinh tế - xã hội của một thành phố trọng điểm khu vực miền trung.

TRẦN MINH TUẤN
Báo Nhân dân điện tử

    Tổng số lượt xem: 1084
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)