Trong 3 năm qua (2005- 2007), kinh tế của TP. Cần Thơ đã phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, đạt bình quân 16,08%/năm, riêng năm 2007 đạt 16,27%, cao nhất trong nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Tấn Quyên - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ
|
Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.122 USD/năm (tăng 142 USD so với năm 2006, tăng 475 USD so với năm 2004, năm đầu tiên Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương).
Cơ cấu kinh tế của Thành phố chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Trong năm 2007, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản chiếm 16,52%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 38,33% và khu vực dịch vụ chiếm 45,15% trong cơ cấu GDP của Thành phố. Nét nổi bật trong 3 năm qua là Thành phố khá thành công trong chủ trương khơi dòng nội lực cho đầu tư phát triển.
Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn trong 3 năm (2005- 2007) đạt trên 29.000 tỷ đồng, riêng năm 2007 đạt 11.927,9 tỷ đồng (tăng 22,6% so với năm 2006 và tăng gấp 2,9 lần so với năm 2004). Nhiều công trình trọng điểm mang tầm khu vực và quốc gia như Cầu Cần Thơ, Sân bay quốc tế Cần Thơ, Cảng biển Cái Cui, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn... được khởi công xây dựng. Đồng thời, nhiều công trình quan trọng khác đã được đưa vào sử dụng, tăng thêm tiềm lực của TP. Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)
Cần Thơ đang phấn đấu để trở thành đô thị loại I trước năm 2010 và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng ĐBSCL. Để thực hiện thành công mục tiêu trên, TP. Cần Thơ sẽ tiến hành quy hoạch xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại; tận dụng mọi cơ hội, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ- nông nghiệp công nghệ cao.
Về công nghiệp, Thành phố tập trung đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế so sánh như công nghiệp chế biến lương thực, cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghiệp điện- điện tử và tin học, vật liệu xây dựng..., ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, có hàm lượng tri thức cao. Về thương mại - dịch vụ, Thành phố phát triển mạnh các ngành dịch vụ để từng bước trở thành trung tâm dịch vụ của vùng ĐBSCL và cả nước; mở rộng giao lưu trong nước và quốc tế; tăng nhanh khối lượng và đa dạng hóa sản phẩm thương mại, dịch vụ...
Về du lịch, Thành phố phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo; xây dựng các tuyến du lịch văn hóa, phát triển các tour du lịch liên vùng và du lịch quốc tế...
Về nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, gắn sản xuất nông nghiệp với chế biến xuất khẩu và cung cấp dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao; coi trọng phát triển công nghệ sinh học và tạo giống...
Trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, Thành phố kêu gọi đầu tư xây dựng các khu đô thị mới; cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng, kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng “đô thị xanh”... Theo quy hoạch, hệ thống đô thị của Thành phố gồm: khu đô thị trung tâm (quận Ninh Kiều, Bình Thủy), khu đô thị cảng - công nghiệp Cái Răng, khu đô thị công nghiệp: Bình Thủy - Ô Môn, khu đô thị công nghệ: Ô Môn, khu đô thị dịch vụ- công nghiệp Thốt Nốt và khu đô thị sinh thái vòng cung Bình Thủy- Phong Điền. Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chính sách và cơ chế kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển đô thị, thành lập quỹ đầu tư phát triển đô thị.
Trong thời gian tới, TP. Cần Thơ sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tập trung đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn như: Cầu Cần Thơ, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Quốc lộ Nam sông Hậu. Dự kiến, các công trình này sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2009. Ngoài ra, Thành phố sẽ được Chính phủ cho phép có những cơ chế chính sách để mời gọi đầu tư tập trung vào những công trình lớn như: đường cao tốc 6 - 8 làn xe từ Cần Thơ đi An Giang và đến thành phố Phnom Pênh (Cam puchia), xây dựng Cầu Cần Thơ II (Thốt Nốt- Cần Thơ) đi Kiên Giang - Cà Mau...
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh, huy động hiệu quả vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, TP. Cần Thơ đã chỉ đạo tăng cường vận động xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm của Thành phố bằng nhiều hình thức như: BOT, BT, BTO... Thời gian qua, TP. Cần Thơ đã đẩy mạnh cải cách công tác quản lý hành chính nhà nước; ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư như miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nghề, quy định rõ thời hạn xem xét, giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các đề nghị của doanh nghiệp...