Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/08/2008-14:26:00 PM
Tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2008 của tỉnh Quảng Bình
Báo cáo số 844/KHĐT-TH ngày 04/8/2008 của Sở KHĐT Quảng Bình về tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2008.
1. Nông nghiệp:
a. Trồng trọt:
Bước vào sản xuất vụ Hè Thu, các địa phương đã tích cực, khẩn trương làm đất, chuẩn bị giống để triển khai gieo trồng. Nhưng do thu hoạch vụ Đông Xuân năm nay muộn hơn các năm trước nên việc triển khai gieo trồng vụ Hè Thu chậm.
Ước tính đến hết tháng 7, tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm (kể cả lúa mùa) toàn tỉnh thực hiện 27.480 ha, bằng 98,8% so cùng kỳ. Diện tích gieo trồng chia theo các loại cây như sau: cây lương thực 22.874 ha, bằng 100,0%; cây chất bột có củ 675 ha, bằng 108,5%; rau đậu các loại 2.673 ha, bằng 92,6%; cây công nghiệp 583 ha, bằng 77,6%; cây hàng năm khác 675 ha, bằng 101,7% so cùng kỳ.
- Cây lúa: diện tích thực hiện 22.739 ha, tăng 0,1% so cùng kỳ. Trong đó: lúa Hè Thu chính vụ 16.122 ha, giảm 3,6%; lúa Hè Thu tái sinh 5.892 ha, tăng 16,1%; lúa mùa 725 ha, giảm 21,26% so cùng kỳ. Tính đến 10/7, Công ty giống đã cung ứng cho người sản xuất 900 tấn giống mới nguyên chủng và giống cấp 1, bằng 80% so cùng kỳ. Hiện nay các địa phương đang thu hoạch lúa tái sinh, dự kiến đến 10/8 sẽ cơ bản thu hoạch xong; năng suất ước đạt 24 tạ/ha, sản lượng 14.500 tấn, tăng 2.700 tấn so năm trước.
- Các loại rau màu khác: diện tích ngô 135 ha, bằng 80,8% cùng kỳ; khoai lang 513 ha, tăng 15,8%; khoai khác 162 ha; rau các loại 1.249 ha, bằng 84,7%; đậu các loại 1.424 ha, tăng 0,8%; lạc 512 ha, bằng 76,9%...
- Cây cao su: dự kiến sản lượng mủ cao su khai thác trong tháng 7 là 450 tấn, 7 tháng 1.892 tấn, bằng 89,8% so cùng kỳ và đạt 52,6% so kế hoạch. Nguyên nhân sản lượng đạt thấp là do những tháng đầu năm rét đậm, rét hại kéo dài làm giảm tiến độ cạo mủ.
Sâu bệnh và chuột phá hoại cây trồng xuất hiện ở một số địa phương. Đến ngày 10/7, diện tích lúa Hè Thu bị sâu bệnh là 778 ha, tăng 486 ha so cùng kỳ; chuột phá lúa 314 ha, tăng 164 ha so cùng kỳ. Các địa phương đã tập trung triển khai kịp thời công tác phòng chống nên mức độ thiệt hại do sâu bệnh và chuột phá đang ở mức nhẹ.
Công tác tưới tiêu cơ bản đáp ứng đủ theo yêu cầu sinh trưởng và phát triển của cây trồng; đến nay chưa có hạn xẩy ra trên diện rộng, chỉ có hạn cục bộ xẩy ra ở một số xã cuối nguồn nước ở huyện Quảng Trạch.
b. Chăn nuôi:
Sau ảnh hưởng của đợt rét đầu năm, đến nay sản xuất chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đàn gia súc phát triển khá, đàn gia cầm từng bước khôi phục trở lại, nhất là đàn vịt. Các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện như: ưu đãi đầu tư, khuyến khích các hộ chăn nuôi nâng cao tầm vóc đàn gia súc theo hướng sind hóa đàn bò, nạc hoá đàn lợn. Các chủ trang trại đã ứng dụng các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, mạnh dạn chuyển nhiều diện tích đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả chuyển sang trồng cỏ nuôi bò và rau để chăn nuôi lợn, bổ sung thêm thức ăn công nghiệp. Các sản phẩm chăn nuôi được giá, tiêu thụ thuận lợi, tình hình dịch bệnh ít xẩy ra là những yếu tố quan trọng để các hộ chăn nuôi tiếp tục mở rộng sản xuất.
Công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đã thường xuyên hoạt động tích cực, hiệu quả. Công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm được triển khai sớm và khẩn trương. Kết quả tiêm phòng vacxin 6 tháng đầu năm như sau: vacxin tụ huyết trùng trâu bò đạt 50,7% kế hoạch, vacxin lở mồm long móng trâu bò đạt 48,6% kế hoạch, vacxin dịch tả lợn đạt 54,7% kế hoạch, vacxin cúm gia cầm đạt 66,3% kế hoạch…
2. Lâm nghiệp:
Thời tiết thuận lợi, các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh khai thác gỗ và lâm sản theo kế hoạch. Công tác trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng được quan tâm chú trọng nên vốn rừng ngày càng được duy trì và phát triển.
- Khai thác lâm sản: Dự ước tháng 7 sản lượng gỗ tròn khai thác 1.960 m3, 7 tháng 6.502 m3, tăng 27,9% so cùng kỳ và đạt 65,0% kế hoạch; sản lượng nhựa thông khai thác tháng 7 là 475 tấn, 7 tháng 1.073 tấn, bằng 65,1% so cùng kỳ và đạt 34,6% kế hoạch; sản lượng song mây khai thác tháng 7 là 95 tấn, 7 tháng 406 tấn, bằng 95,8% so cùng kỳ và đạt 45,1% kế hoạch. Sản lượng nhựa thông khai thác giảm là do ảnh hưởng của cơn bão số 5 năm 2007 làm gãy đổ nhiều diện tích rừng thông, bên cạnh đó thời tiết rét đậm kéo dài nên tiến độ khai thác nhựa thông chậm lại.
- Công tác lâm sinh: công tác lâm sinh những tháng đầu năm chủ yếu tập trung trồng cây phân tán, chăm sóc rừng trồng và chuẩn bị mặt bằng, cây giống cho trồng rừng tập trung của kế hoạch năm 2008. Dự ước số lượng cây trồng phân tán 7 tháng 1.925 nghìn cây, tăng 9,7% so cùng kỳ và đạt 48,1% kế hoạch; diện tích rừng trồng được chăm sóc tháng 7 là 350 ha, 7 tháng 11.391 ha, tăng 0,9% so cùng kỳ và đạt 89,8% kế hoạch.
Bước vào mùa khô, công tác quản lý, bảo vệ vốn rừng đã được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh; nhờ đó, đã hạn chế tối đa các vụ cháy rừng xẩy ra. Từ đầu năm đến ngày 10/7, trên địa bàn toàn tỉnh xẩy ra 3 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy là 5,5 ha.
Tháng 7 toàn tỉnh xảy ra 97 vụ vi phạm lâm luật, 7 tháng 546 vụ. Trong đó: phá rừng trái phép 1 vụ; khai thác rừng trái phép 28 vụ; phát, đốt rừng trái phép 23 vụ; mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép 481 vụ. Các cơ quan chức năng đã xử lý, tịch thu 779,6 m3 gỗ các loại, 2.383 kg động vật hoang dã, 1.017 kg gốc rễ huê, 11 gốc mưng và thu nộp ngân sách 2.916,9 triệu đồng.
3. Thuỷ sản:
Thời tiết trong tháng 7 thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Dự ước sản lượng đánh bắt và nuôi trồng tháng 7 thực hiện 5.218,8 tấn, 7 tháng 22.688,8 tấn, tăng 4,1% so cùng kỳ, đạt 61,3% kế hoạch.
Về đánh bắt: Dự ước sản lượng thuỷ sản đánh bắt tháng 7 là 4.255,2 tấn, 7 tháng 20.006,4 tấn, tăng 3,6% so cùng kỳ, đạt 66,7% kế hoạch. Trong đó: khai thác nước mặn 19.148,2 tấn, tăng 3,6%; khai thác nước lợ 344,5 tấn, bằng 97,7%; khai thác nước ngọt 513,7 tấn, tăng 5,5%. Sản phẩm khai thác biển tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực: sản lượng cá phục vụ xuất khẩu tăng 3,7%, sản lượng mực tăng 11,9% so cùng kỳ. Một số nghề khai thác như: mành chụp, vây khơi, câu, rê đáy… hoạt động có hiệu quả.
Thanh tra ngành Thuỷ sản tiếp tục kiểm tra các phương tiện tàu cá, nhà hàng, đại lý thu mua, nhằm hạn chế những vi phạm trong vấn đề khai thác và thu mua sản phẩm không đúng quy định. Tuy vậy, tình trạng thu mua và tiêu thụ tôm hùm trái với quy định của nhà nước vẫn xẩy ra; nhiều hợp tác xã (HTX) đánh bắt giải thể do sản xuất kém hiệu quả, toàn tỉnh hiện nay chỉ còn 1 HTX đánh bắt thuỷ sản thực tế có hoạt động với sản lượng khai thác không đáng kể.
Nuôi trồng: Nuôi trồng thủy sản tiếp tục chuyển biến tốt và có những kết quả khả quan. Ngành Thuỷ sản và các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục đầu tư để tăng diện tích nuôi trồng. Các vùng nuôi tôm trên cát và một số vùng nuôi tôm thâm canh phát triển tốt. Các mô hình nuôi phổ biến như: nuôi cá rô phi trong lồng, nuôi cá lóc trong ao hồ nhỏ, nuôi ếch, ba ba… bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế. Diện tích cá lúa được mở rộng, sản lượng tăng nhanh, đây là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Dự ước tháng 7, sản lượng nuôi trồng thu hoạch 964 tấn, 7 tháng 2.682 tấn, tăng 7,9% so cùng kỳ, đạt 38,2% kế hoạch. Trong đó: Sản lượng cá 1.612 tấn, bằng 99,2% so cùng kỳ; sản lượng tôm 909 tấn, tăng 28,5% so cùng kỳ; sản lượng cua 154,4 tấn, tăng 2,3% so cùng kỳ.
Dịch bệnh đốm trắng ở tôm nuôi xuất hiện một số nơi ở huyện Quảng Ninh và Quảng Trạch. Các địa phương đang tập trung chỉ đạo các hộ khoanh vùng để xử lý, dập dịch.
4. Sản xuất công nghiệp:
Ước tính giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 là 236,7 tỷ đồng, tăng 21,4% so cùng kỳ; 7 tháng 1.484,2 tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ, đạt 53% kế hoạch; trong đó: công nghiệp nhà nước TW 797,6 tỷ đồng, tăng 31%; công nghiệp nhà nước địa phương 135 tỷ đồng, tăng 8,7%; công nghiệp dân doanh 521,6 tỷ đồng, tăng 16,4%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 30 tỷ đồng, giảm 15,9% so cùng kỳ. Một số sản phẩm chủ yếu tăng khá so cùng kỳ: Bia 12,5 triệu lít, tăng 20,1% (riêng bia chai đạt 10,7 triệu lít); xi măng và clinke đạt 1.312.000 tấn, tăng 80,2%, (trong đó riêng Nhà máy xi măng Sông Gianh ước đạt 486.000 tấn xi măng và 656.000 tấn Clinke); gạch Ceramic 613.000 m2, tăng 13,7%; thanh nhôm định hình tăng 0,8%; đá hộc 939.000 m3, tăng 12,3%; xe máy lắp ráp 7.520 chiếc, tăng 2,2%; nước máy đạt 1,56 triệu m3, tăng 6,3%...
Trong cơ cấu ngành, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến có tốc độ tăng khá cao so cùng kỳ: sản xuất sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại 781 tỷ đồng, tăng 31,2%; chế biến gỗ tre nứa 104,8 tỷ đồng, tăng 28%; may mặc 15,3 tỷ đồng, tăng 31,5%; giường tủ bàn ghế 46 tỷ, tăng 9%; hoá chất đạt 65,4 tỷ, tăng 9,3%...
Bên cạnh đó vẫn còn một số ngành, sản phẩm giảm sút so với cùng kỳ: thuỷ sản đông lạnh chế biến 585 tấn, giảm 5,6%; phân NPK + vi sinh 44.300 tấn, giảm 24%; tinh bột sắn 3.358 tấn, giảm 35,4%...
5. Đầu tư xây dựng cơ bản:
Tháng 7 điều kiện thời tiết thuận lợi nên các chủ dự án tập trung đôn đốc các đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giải ngân các nguồn vốn đã bố trí; các công trình trọng điểm của tỉnh như Cầu Quảng Hải, Quốc lộ 12A, Hồ thủy lợi Rào Đá, Hồ Sông Thai… tiếp tục được đẩy nhanh xây dựng. Dự tính vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước quản lý trên địa bàn thực hiện tháng 7 đạt 92,8 tỷ đồng, 7 tháng 534,5 tỷ đồng, đạt 51,7% kế hoạch, tăng 18,6% so cùng kỳ. Trong đó: vốn thuộc ngân sách nhà nước 509,7 tỷ đồng, đạt 52,4% kế hoạch (vốn ngân sách TW 283,0 tỷ đồng, đạt 54,9%; vốn ngân sách ĐP 226,7 tỷ đồng, đạt 49,6% kế hoạch); vốn vay 5,2 tỷ đồng, đạt 36,3% kế hoạch; vốn tự có của các doanh nghiệp nhà nước 5,0 tỷ đồng; vốn khác 14,4 tỷ đồng, đạt 42,7% kế hoạch (KH).
Tuy khối lượng thực hiện vốn đầu tư đạt khá so với cùng kỳ, nhưng vẫn còn một số khó khăn chậm được xử lý như: đền bù giải phóng mặt bằng đường Trần Hưng Đạo - Lê Lợi, đường vào Ga Đồng Hới…; việc điều chỉnh đơn giá theo Thông tư 09/TT-BXD của Bộ Xây dựng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.
6. Thương mại, Dịch vụ:
- Nội thương:
Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tháng 7 đạt 524,0 tỷ đồng, tăng 2,75% so với tháng trước và tăng 50,65% so với cùng kỳ năm trước. 7 tháng tổng mức bán lẻ 3.332,9 tỷ đồng, tăng 36,3% so cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ duy trì tốc độ tăng khá, doanh thu dịch vụ 7 tháng tăng 33,7% so cùng kỳ; chiếm khoảng 5,5% thị phần tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ.
- Hoạt động xuất, nhập khẩu:
+ Xuất khẩu: tháng 7 đạt 3,2 triệu USD, 7 tháng 28 triệu USD, tăng 1,4% so cùng kỳ, đạt 51% kế hoạch. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: cao su 9.100 tấn (giảm 2,5% CK), kim ngạch 23,6 triệu USD (tăng 32,5% so CK); gỗ các loại 1.203 m3 (bằng 10,5% CK), kim ngạch 1.862.000 USD (bằng 24% CK); mực đông 133,4 tấn, tăng 37,9% so cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu vẫn chưa được mở rộng do các mặt hàng XK còn đơn điệu, 7 tháng chỉ xuất khẩu sang 4 nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Pakixtan và Lào, trong đó Trung Quốc chiếm 93,2% kim ngạch xuất khẩu.
+ Nhập khẩu: dự ước kim ngạch nhập khẩu tháng 7 đạt 1,6 triệu USD, 7 tháng 14,3 triệu USD, tăng 33,6% so cùng kỳ. Một số mặt hàng NK có tỉ trọng lớn: gỗ 10.690 m3 (bằng 97,3% CK), trị giá 6,1 triệu USD (tăng 21,3% CK); nhôm nguyên liệu 902,6 tấn (tăng 22,9% so CK), trị giá 2,76 triệu USD; đồ nội thất 1,35 triệu USD, nguyên vật liệu sản xuất tân dược 1,1 triệu USD…
- Giá cả hàng hóa dịch vụ:
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 2% so tháng 6, tăng 26,8% so cùng kỳ. 7 tháng tăng 19,95% (cùng kỳ năm 2007 tăng 5,52%). Cụ thể: nhóm hàng giáo dục tăng 6,43%, chủ yếu là tăng giấy viết và dụng cụ học tập; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,49%; nhóm thuốc và dụng cụ y tế tăng 2,9%, chủ yếu là tăng thuốc kháng sinh và Vitamin; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (VLXD) tăng 1,42%, nhóm giao thông bưu chính viễn thông tăng 1,93%... Chỉ số giá thực phẩm tăng nhẹ (1,93%), do sản xuất chăn nuôi có chuyển biến tốt nên lượng gia súc, gia cầm cung cấp cho thị trường tăng làm cho giá thực phẩm có xu hướng chững lại và giảm. Giá vàng tháng 7 tăng 2,04% so tháng trước, tăng 20,08% so tháng 12/2007, tăng 45,1% so cùng kỳ. Giá Đô la Mỹ tháng 7 tăng 3,12% so tháng trước, tăng 9,41% so tháng 12/2007, tăng 9,37% so cùng kỳ.
- Du lịch:
Do có sự quảng bá rộng rãi và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội nhân dịp kỷ niệm 5 năm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (PN - KB) được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới nên tháng 7 lượng khách du lịch tăng mạnh. Dự ước tháng 7 đạt 90.100 lượt khách, tăng 19,9% so tháng trước; 7 tháng 334.446 lượt khách, tăng 4,8% so cùng kỳ, trong đó: khách quốc tế 13.715 lượt, tăng 11,8% so cùng kỳ. Lượng khách tham quan du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng tháng 7 là 64.000 lượt khách, 7 tháng 207.450 lượt khách, tăng 9% so cùng kỳ. Số lượt khách quốc tế đến từ các nước Thái Lan, Pháp, Hà Lan, Canađa, Úc vẫn được duy trì với số lượng khá. Doanh thu du lịch tháng 7 ước đạt 17,8 tỷ đồng, 7 tháng 71,5 tỷ đồng, tăng 18,9% so cùng kỳ.
- Giao thông vận tải:
Khối lượng vận chuyển hàng hoá 7 tháng 4,38 triệu tấn, tăng 6,9% so cùng kỳ; tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển 191,6 triệu tấn/km, tăng 12,77% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách 7 tháng 5,7 triệu HK, tăng 6,5% so cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển 218,0 triệu HK/km, tăng 93,4 triệu HK/km so cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng hóa 7 tháng 220,7 tỷ đồng, tăng 24,29%; doanh thu vận tải hành khách 74,9 tỷ đồng, tăng 34% so cùng kỳ.
7. Sắp xếp doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh:
- Công tác sắp xếp doanh nghiệp: tiếp tục thực hiện việc sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước (NN) theo đề án được Chính phủ phê duyệt. Công ty Sông Gianh đang lựa chọn đơn vị kiểm toán, xác định giá trị doanh nghiệp; đang triển khai thực hiện cổ phần hóa các đơn vị: Công ty TNHH 1 thành viên cấp thoát nước, Công ty TNHH 1 thành viên Đường sông Quảng Bình; tiến hành các thủ tục để cổ phần hóa Xí nghiệp khai thác vận tải và sản xuất VLXD, XN Chế biến lâm sản KDTH Đồng Hới, Xí nghiệp (XN) nguyên liệu Phú Quý và Nhà máy chế biến gỗ Phú Quý, dự kiến hoàn thành trong quý II/2008. Các đơn vị sắp xếp theo hình thức chuyển sang công ty TNHH 1 thành viên đã hoàn tất các thủ tục bàn giao; đã phê duyệt phương án chuyển Công ty Xổ số Kiến thiết Quảng Bình thành Công ty TNHH 1 thành viên.
- Công tác đăng ký kinh doanh: tháng 7 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) cho 28 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 138,1 tỷ đồng; 7 tháng cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho 235 doanh nghiệp (DN), trong đó: có 37 DN tư nhân, 173 Công ty (C.ty) TNHH, 25 C.ty cổ phần, với tổng số vốn đăng ký 1.515,5 tỷ đồng. 7 tháng thực hiện thu hồi giấy phép ĐKKD 15 doanh nghiệp, trong đó có: 10 doanh nghiệp giải thể, 1 DN chuyển loại hình hoạt động và 4 DN vi phạm pháp luật.
8. Tài chính tín dụng:
- Thu ngân sách: Dự ước tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tháng 7 thực hiện 65 tỷ đồng; 7 tháng 498,5 tỷ đồng, tăng 24,5% so cùng kỳ, đạt 65,4% dự toán địa phương. Các khoản thu chủ yếu đều tăng so cùng kỳ: thuế ngoài quốc doanh tăng 27%; thu từ DNNN TW tăng 35,3%; thu từ DNNN địa phương tăng 19,8%; thuế nhà đất tăng 20,3%; thu tiền sử dụng đất tăng 51,1,4%, lệ phí trước bạ tăng 44,8%; thuế thu nhập tăng 116,3%...
- Chi ngân sách: Tổng chi ngân sách địa phương ước tháng 7 là 77,2 tỷ đồng, 7 tháng 996,3 tỷ đồng, tăng 42% so cùng kỳ, bằng 48% dự toán địa phương. Trong đó: chi đầu tư phát triển 310,1 tỷ đồng, đạt 30% dự toán ĐP; chi thường xuyên 686,2, đạt 66% dự toán ĐP.
- Tín dụng: Các ngân hàng thương mại tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn bằng nhiều biện pháp như tăng cường quảng bá thương hiệu, ấn định lãi suất và kỳ hạn huy động linh hoạt, do đó nguồn vốn huy động vẫn giữ được sự tăng trưởng ổn định. Dự ước tổng nguồn vốn huy động cuối tháng 7 đạt 3.673 tỷ đồng, tăng 1,5% so tháng trước, tăng 13,7% so đầu năm. Trong đó: tiền gửi của các tổ chức kinh tế 634 tỷ đồng, giảm 3,4% so tháng trước; tiền gửi dân cư 3.039 tỷ đồng, tăng 2,6%; tiền gửi bằng ngoại tệ 715 tỷ đồng, chiếm 19,5% tổng giá trị tiền gửi, tăng 3,9%. Đến cuối tháng 7 dư nợ cho vay của các TCTD ước đạt 7.656 tỷ đồng, tăng 0,7% so tháng trước, tăng 17,8% so đầu năm; trong đó dư nợ xấu là 204,5 tỷ đồng, chiếm 2,7% tổng dư nợ, tăng 92,8 tỷ so đầu năm, nguyên nhân tăng là do Công ty liên doanh lắp ráp xe máy VINASIAM kinh doanh thua lỗ không trả nợ đúng hạn.
9. Kinh tế đối ngoại và xúc tiến đầu tư:
- Kinh tế đối ngoại:
Đối với các dự án ODA đang hoạt động: tiếp thực hiện các hoạt động và giải ngân theo kế hoạch, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực, đời sống của nhân dân trong vùng dự án. Tuy nhiên, một số dự án ODA chậm tiến độ do đang gặp khó khăn như: vướng mắc về giải phóng mặt bằng; giá cả vật liệu tăng cao; việc phối hợp giữa tư vấn thiết kế với chủ đầu tư, giữa đơn vị thi công với các xã hưởng lợi chưa tốt; các thủ tục giải ngân khá rườm rà dẫn đến tiến độ dự án chậm… Các dự án FDI: dự án thăm dò vàng Xà Khía đã kết thúc thời gian thăm dò giai đoạn 1, đang chờ cấp phép thăm dò giai đoạn 2; dự án vàng Khe Nang đang làm các thủ tục đánh giá tác động môi trường; Công ty liên doanh lắp ráp xe máy VINASIAM vẫn đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm… Các dự án NGO: tiếp tục tích cực vận động viện trợ từ các tổ chức vào các lĩnh vực: xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tăng cường năng lực, cải thiện sinh kế…
- Xúc tiến đầu tư:
Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện, do đó ngày càng có nhiều nhà đầu tư đến tìm cơ hội và đầu tư các dự án tại tỉnh. 7 tháng đầu năm có 38 nhà đầu tư xin đăng ký đầu tư 40 dự án vào tỉnh, với tổng số vốn 3.844 tỷ đồng. Trong đó có: 16 dự án (DA) thuộc lĩnh vực khai khoáng và sản xuất VLXD; 13 DA kinh doanh du lịch, dịch vụ; 5 DA chế biến nông sản; 5 DA công nghiệp; 1 DA xây dựng đô thị mới. Đã hoàn tất thủ tục và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 18 DA; chấp nhận chủ trương đầu tư 10 dự án và đang xin chờ chủ trương đầu tư cho 12 dự án còn lại.
Tổng số dự án đầu tư vào tỉnh ta đến thời điểm hiện nay là 122 dự án, với tổng vốn đăng ký 25.620 tỷ đồng; trong đó: 15 dự án đang hoạt động, 29 dự án đang thực hiện, 20 DA đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, 40 DA đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và 18 dự án đang đăng ký đầu tư.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện của một số dự án còn chậm do hồ sơ dự án không đầy đủ; phần lớn các dự án xúc tiến đầu tư chưa có quy hoạch, một số dự án tuy có quy hoạch nhưng không phù hợp với ý tưởng của nhà đầu tư nên phải điều chỉnh quy hoạch; giá cả tăng cao; đặc biệt là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do thiếu sự phối hợp giữa nhà đầu tư với chính quyền địa phương và người dân trong vùng dự án.
- Công tác ngoại vụ:
Trong tháng 7, có 05 đoàn ra với 33 lượt người đi các nước Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, CHLB Đức với mục đích: tham gia khóa đào tạo giảng viên cấp tỉnh; tham dự hội nghị bất động sản; tham quan học tập về công tác bảo tồn vườn quốc gia; tham dự Hội nghị trù bị 8 tỉnh 3 nước sử dụng đường 8 và đường 12; tham gia chương trình khảo sát, học tập kinh nghiệm về đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất kinh doanh.
Đoàn vào: 05 đoàn với 15 lượt người đến từ các nước Trung Quốc, Đài Loan, Nepal, Canada, Mỹ với mục đích: thăm và làm việc tại Vườn Quốc (QG) gia Phong Nha - Kẻ Bàng; hỗ trợ, giúp đỡ trong việc giảng dạy, học tập tiếng Anh tại Trường Đại học Quảng Bình; lắp đặt máy móc; thăm và làm việc liên quan đến việc thực hiện dự án; tham gia trại hè của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
10. Tài nguyên và môi trường:
- Đã hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh giai đoạn 2006-2010 báo cáo HĐND tỉnh thông qua để trình Chính phủ phê duyệt; chuẩn bị xây dựng Đề án quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020 và lập kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2015 của tỉnh. Hoàn thành và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của 7/7 huyện, thành phố.
Quy hoạch sử dụng đất cấp xã đến nay đã hoàn thành 107/159 xã, đạt 67,3%, đang triển khai 50 xã, dự kiến đến cuối năm 2008 sẽ triển khai 2 xã còn lại. Tiếp nhận, thẩm định quy hoạch sử dụng đất Công ty Lệ Ninh, phường Bắc Nghĩa – Thành phố (TP) Đồng Hới, thị trấn Quán Hàu; chỉ đạo lập quy hoạch sử dụng đất của Công ty Cao su Việt Trung.
- Trong tháng 7 đã thẩm định và làm thủ tục trình UBND tỉnh quyết định giới thiệu địa điểm 11 công trình, giao đất 9 công trình, cho thuê đất 15 công trình. Việc giới thiệu địa điểm, giao đất cho thuê đất cơ bản thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch và đảm bảo thời gian theo quy định.
- Triển khai thực hiện Chỉ thị 31/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kiểm kê quỹ đất đang quản lý, sử dụng của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất; trích đo bản đồ địa chính phục vụ cho 12 công trình, dự án với diện tích 2,8 ha; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 66 tổ chức; đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đô thị cho 20.786 hộ/24.093 hộ, đạt 86,3%; cơ bản hoàn thành việc rà soát đất nông nghiệp theo Nghị định 200/2004/NĐ-CP của Chính phủ với diện tích 270.572 ha.
- Công tác bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên khoáng sản, 7 tháng đã tổ chức thẩm định đánh giá tác động môi trường cho 9 dự án đầu tư; xây dựng và triển khai thực hiện dự án xử lý ô nhiễm môi trường của 6 bệnh viện, dự án đóng cửa bãi rác Lộc Ninh. Tập trung kiểm tra các mỏ khoáng sản để làm thủ tục cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản cho 6 đơn vị; cấp mới 2 giấy phép hoạt động khoáng sản; tiếp tục khảo sát, tìm kiếm nguồn nước ngầm phục vụ cho khu công nghiệp cảng biển Hòn La…
11. Giáo dục - Đào tạo:
Trong tháng 7, ngành Giáo dục tập trung một số nhiệm vụ trong hè: hướng dẫn tổ chức ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT lần 2; tổ chức các lớp học nghề, lớp năng khiếu, lớp học tình thương, lớp học tin học và phối hợp chính quyền các cấp triển khai kế hoạch hoạt động hè và tháng hành động vì trẻ em năm 2008. Công tác sửa chữa, xây dựng, thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, chuẩn bị dụng cụ học sinh, sách giáo khoa… được triển khai khẩn trương đảm bảo phục vụ tốt cho năm học mới 2008-2009.
Trường Đại học Quảng Bình tổ chức khoá thi tuyển sinh năm học 2008-2009 nghiêm túc và an toàn. Thi tuyển sinh hệ đại học: khối A có 1.223 thí sinh dự thi trên tổng số 1.710 hồ sơ đăng ký, đạt 71,5%; khối B, C, D1, M, có 2.104 thí sinh dự thi, trên tổng số 3.070 hồ sơ đăng ký, đạt 68,5% so đăng ký; riêng hệ cao đẳng không tổ chức thi tuyển mà xét điểm của hệ đại học để tuyển sinh.
12. Khoa học, công nghệ:
Trong tháng 7 hoạt động khoa học công nghệ tập trung thực hiện các công việc: tham mưu cho UBND tỉnh và chuẩn bị nội dung để tổ chức hội thảo khoa học “Các giá trị khoa học mang tính toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng”; phát hành Tập san thông tin KH&CN với những nội dung tập trung cho việc kỷ niệm 5 năm Vườn QG Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Tiếp tục công tác xét duyệt đề cương, kinh phí các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ năm 2008, tổ chức nghiệm thu, kiểm tra tiến độ các đề tài đã được thực hiện. Làm việc với UBND các huyện, thành phố về triển khai công tác hoạt động quản lý khoa học và công nghệ ở cấp huyện 6 tháng cuối năm và công tác chuyển giao chức năng quản lý từ phòng kinh tế sang phòng công thương. Đã thực hiện kiểm định được 1.051 phương tiện đo các loại; thử nghiệm chất lượng được 1.097 mẫu các loại thuộc các lĩnh vực hóa lý, vi sinh, môi trường, cơ lý vật liệu xây dựng…
13. Hoạt động văn hóa - thể thao:
Các hoạt động văn hóa - thể thao tiếp tục được duy trì và triển khai, đảm bảo tốt nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt các ngành, các cấp, các địa phương tổ chức các hoạt động văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao chào mừng Lễ kỷ niệm 5 năm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Các hoạt động đã và đang diễn ra gồm: Triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Chung tay bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng”; liên hoan nghệ thuật quần chúng “Nối những câu hò 6 tỉnh Bắc Trung bộ”; Hội chợ “Đầu tư quốc tế - Thương mại và Du lịch Quảng Bình năm 2008”; Hội chợ quê “Ẩm thực và đặc sản làng nghề Quảng Bình năm 2008”; Lễ hội “Đua thuyền trên sông Son”; tổ chức thả đèn hoa đăng trên sông Son, biểu diễn văn nghệ và bắn pháo hoa tầm thấp chào mừng Lễ kỷ niệm.
Tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngành văn hóa phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, tập trung ngăn chặn có hiệu quả các vi phạm, đặc biệt là các dịch vụ quảng cáo, băng đĩa hình, internet và quản lý di tích. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và phòng chống bạo lực trong gia đình.
14. Y tế, dân số:
Trong tháng, ngành Y tế tiếp tục tăng cường công tác giám sát các loại dịch bệnh, đặc biệt chú trọng giám sát: dịch viêm phổi, quai bị, sốt xuất huyết, tả và dịch bệnh đường tiêu hoá khác thường xẩy ra trong mùa hè, do đó tình hình các bệnh dịch trên địa bàn toàn tỉnh không xẩy ra. Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục được quan tâm; ngành Y tế đã tổ chức các đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm ở các cơ sở ăn uống giải khát, cơ sở giết mổ…
Tiếp tục thực hiện chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng thuộc hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; triển khai có kết quả các hoạt động dân số, gia đình, trẻ em theo kế hoạch, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em…
15. Lao động thương binh và xã hội :
Trong tháng, ngành đã hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động về tiền lương, phụ cấp lương, đăng ký thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, sổ lao động, đăng ký thang bảng lương, thực hiện chế độ xã hội; thẩm định chương trình dạy nghề cho người nghèo và người tàn tật ở các đơn vị; thẩm định cho phép 4 doanh nghiệp tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài; hoàn chỉnh hồ sơ cho 34 lao động xuất cảnh có thời hạn sang Hàn Quốc; trình UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển Trường Trung cấp Nghề Quảng Bình đến năm 2015.
Thực hiện giải quyết chế độ chính sách đối với thương binh, liệt sỹ và người có công theo quy định hiện hành của nhà nước. Tổ chức tốt các hoạt động và Lễ kỷ niệm 61 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/772008); tiếp tục triển khai kế hoạch vận động thu nộp quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2008, tháng 7 có 41 đơn vị ủng hộ quỹ với số tiền 148 triệu đồng, 7 tháng 212 triệu đồng. Thực hiện điều dưỡng tập trung cho 46 đối tượng người có công đi điều dưỡng tại bãi biển Nhật Lệ.
Đã xác nhận để thực hiện chính sách ưu tiên cho 30 đối tượng con hộ nghèo đang theo học ở các trường chuyên nghiệp miễn giảm học phí và trợ cấp xã hội theo quy định; tổ chức Hội thảo xây dựng Đề án hỗ trợ người tàn tật tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2008 - 2010; xây dựng kế hoạch kiểm tra chương trình xóa đói giảm nghèo - giải quyết việc làm tại các huyện, thành phố.
Tổ chức Hội trại cho trẻ em nghèo vượt khó do tổ chức CI tài trợ, trao học bổng cho đối tượng là con thương binh, liệt sỹ học giỏi nhân ngày 27/7; xây dựng và hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em 6 tháng cuối năm 2008…
16. Công tác thi đua khen thưởng :
Phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng ở tỉnh ta đang được đẩy mạnh ở các địa phương, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh và đã được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Các hoạt động chào mừng kỷ niệm 5 năm Vườn QG Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và “Tuần văn hóa Đồng Hới” lần thứ II diễn ra sôi nổi trong toàn tỉnh đã tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi và tự hào truyền thống quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”…
Trong tháng UBND tỉnh đã tặng Bằng khen chuyên đề cho 22 tập thể và 16 cá nhân có thành tích trên các lĩnh vực công tác. Đang triển khai thẩm định khen thưởng năm học 2007-2008 cho ngành Giáo dục - Đào tạo và một số đơn vị đề nghị khen thưởng chuyên đề..
17. Công tác nội chính, thanh tra, tư pháp :
a. Công tác tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền:
Trong tháng đã quyết định kiện toàn, bổ sung, thành lập mới 8 Ban chỉ đạo, hội đồng tư vấn liên ngành tham mưu, tư vấn giúp UBND tỉnh thuộc các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội; thẩm định đề án quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế; đang làm các thủ tục để cho phép thành lập Hội VOVINA (Võ Việt Nam), Hội cựu thanh niên xung phong 27 xã, phường, thị trấn của thành phố Đồng Hới và huyện Minh Hóa…
Xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 121/2003/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; đang chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; xây dựng kế hoạch và tổ chức Đoàn kiểm tra tổng kết 10 năm thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở huyện Lệ Thủy; chỉ đạo giải quyết tranh chấp địa giới hành chính giữa hai xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) và Quảng Tiên (Quảng Trạch).
b. Công tác tư pháp:
Trong tháng thẩm định và góp ý 9 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan, ban ngành trong tỉnh soạn thảo; tham gia góp ý Đề án tổng rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam. Báo cáo kết quả thực hiện Đề án phòng chống tội phạm; phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; phòng chống ma túy, mại dâm 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2008. Tổ chức thành công Hội thi “Hòa giải viên giỏi” tỉnh Quảng Bình lần thứ tư. Thụ lý và trình UBND tỉnh ký quyết định cho phép thực hiện việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho 5 trường hợp, nhận con nuôi 2 trường hợp, cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 268 trường hợp. Thực hiện trợ giúp pháp lý 76 vụ việc với tổng số đối tượng được trợ giúp 86 người.
Tiếp tục triển khai công tác thi hành án dân sự với 3.924 vụ việc, trong đó có điều kiện thi hành 1.522 vụ, chưa có điều kiện thi hành 2.402 vụ, số vụ việc đã đưa ra giải quyết 363 vụ, đạt tỷ lệ 24%. Tổng số tiền phải thi hành 26,4 tỷ đồng, số tiền có điều kiện thi hành 8,1 tỷ đồng, đã thi hành 861 triệu đồng, đạt tỷ lệ 11% trên số tiền có điều kiện thi hành.
c. Công tác thanh tra, khiếu nại tố cáo:
Trong tháng 7, Thanh tra tỉnh và thanh tra các sở, ngành, huyện, thành phố đã thực hiện 26 cuộc thanh tra, kiểm tra; đã hoàn thành 13 cuộc thanh tra kinh tế, xã hội và 3 cuộc kiểm tra chuyên ngành của giao thông vận tải, y tế, thuế, đã kiến nghị thu hồi và xử phạt hành chính số tiền 956,3 triệu đồng; đang tiến hành thanh tra 10 cuộc về quản lý, sử dụng đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý, sử dụng ngân sách…
Trong tháng, các ngành, các cấp đã tiếp 30 lượt công dân, tiếp nhận 58 đơn khiếu nại, tố cáo; nội dung chủ yếu về lĩnh vực tranh chấp đất đai, GPMB, chính sách xã hội, tiêu cực, tham nhũng… Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước 22 vụ, đã giải quyết được 13 vụ, đang đôn đốc các ngành, các cấp tiến hành xem xét giải quyết dứt điểm.
18. An ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội:
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, các khu vực biên giới, nhạy cảm nhìn chung cơ bản ổn định. Các khu vực có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng đều bị các lực lượng chức năng điều tra, bắt giữ và xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên tình hình khai thác gỗ trái phép tại các địa bàn tuyến biên giới có dấu hiệu gia tăng, các ngành chức năng và các địa phương đang theo dõi nắm chắc tình hình để có hướng xử lý.
Tình hình trật tự trên địa bàn: trong tháng, phạm pháp hình sự xẩy ra 41 vụ, làm bị thương 14 người, tài sản thiệt hại 427 triệu đồng, 8 chỉ vàng; đã tiến hành bắt 4 đối tượng. Đánh bạc xẩy ra 1 vụ, bắt 4 đối tượng, thu 4 máy điện thoại và 25 triệu đồng. 7 tháng xẩy ra 380 vụ phạm pháp hình sự, với 331 đối tượng bị khởi tố; phát hiện 08 vụ buôn bán, vận chuyển ma túy với 15 đối tượng vi phạm; phát hiện 1 vụ mại dâm với 2 đối tượng vi phạm...
Tình hình an toàn giao thông: trong tháng toàn tỉnh xẩy ra 36 vụ tai nạn giao thông, làm chết 24 người, bị thương 46 người. 7 tháng xẩy ra 147 vụ, làm chết 137 người chết, bị thương 89 người; giảm 15 vụ TNGT, giảm 19 người chết và 39 người bị thương so với cùng kỳ./.

Website Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình

    Tổng số lượt xem: 1246
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)