Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/09/2008-14:47:00 PM
Doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh tế
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về vốn và chi phí đầu vào tăng cao nhưng phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm có vốn đầu tư nước ngoài vẫn rất lạc quan về sự ổn định, tăng trưởng của nền kinh tế các tháng cuối năm.

Đó là kết quả cuộc điều tra nhanh trên 282 doanh nghiệp (DN) cả nước do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tiến hành tháng 7/2008.

Trong số này, khu vực dân doanh chiếm tỷ lệ 58,8%, khu vực nhà nước chiếm 31%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 9,2%. Số DN có quy mô nhỏ và vừa (có dưới 300 lao động) chiếm 62,1% và số DN xuất khẩu hàng hoá chiếm 47,5%.

Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng hơn 70% các doanh nghiệp
được hỏi vẫn tin là kinh tế sẽ ổn định hoặc sớm được cải thiện

Tăng doanh thu không đồng nghĩa với tăng lợi nhuận

6 tháng đầu năm 2008, có tới 79% DN trong mẫu nghiên cứu có vay vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhưng rất ít DN thoả mãn được nhu cầu này.

Do lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại tăng đến 21%/năm nên con số DN thường xuyên phàn nàn về lãi suất quá cao chiếm 73%.

Đặc biệt, các DN quy mô nhỏ và vừa còn gặp khó khăn liên quan đến "Thiếu tài sản thế chấp", "Phương án lập kế hoạch kinh doanh" và vướng mắc về thủ tục hành chính khi đi vay vốn và tuân theo các thủ tục vay vốn.

Đối với hoạt động xuất khẩu, sự tăng giá thành các chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh là yếu tố được các DN nhắc đến nhiều nhất 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, 84,09% DN xuất khẩu thường xuyên phải đối đầu với việc tăng giá đầu vào. Trong đó, con số DN thường xuyên gặp phải vấn đề chi phí nhập khẩu nguyên liệu cao là 61,47% .

Các yếu tố tác động khác đến hiệu quả sản xuất kinh doanh như rủi ro về tỷ giá trong giao dịch; thiếu ngoại tệ thanh toán hay sức mua giảm tại các thị trường nhận khẩu cũng được các DN trên đề cập.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình của các DN trong 6 tháng đầu năm nay là khá tốt, ở mức 10,9% so với mức 5% của năm 2007 nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sự tăng doanh thu kể trên là do thừa hưởng từ đà tăng trưởng của năm trước đó.

Ở một số DN, dù doanh thu đầu năm 2008 có tăng nhưng tốc độ tăng đã không bằng so với cùng kỳ năm 2007. Ngoài ra, hơn một nửa số DN có doanh thu và mức tăng trưởng của doanh thu tốt hơn năm 2007 nhưng chỉ có 1/4 trong số đó có lợi nhuận và mức tăng trưởng về lợi nhuận tốt hơn năm 2007.

Điều này cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, sự gia tăng về doanh thu không đồng nghĩa với sự gia tăng về hiệu quả kinh doanh của DN - báo cáo nhận xét.

Khu vực FDI tự tin

Có thể thấy tỷ lệ DN thuộc khu vực FDI phàn nàn về những khó khăn trong sản xuất kinh doanh thấp hơn hẳn so với các DN thuộc khu vực nhà nước và dân doanh.

Cụ thể trong hoạt động xuất khẩu, đối mặt với khó khăn về "Tăng giá thành các chi phí đầu vào", có 76,4% DN FDI chịu ảnh hưởng thì con số này ở khu vực DN nhà nước là 91,3%, DN ngoài quốc doanh là 81,2%.

Tương tự, về "Chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng cao", tỷ lệ các DN nhà nước cho rằng đang gặp khó khăn là 73%, so với 57% DN ngoài quốc doanh và 50% DN FDI.

Báo cáo nhấn mạnh, đây là một điểm đáng lưu ý, bởi năm 2007, các DN FDI đã chiếm tới 57% tổng kim ngạch xuất khẩu, khả quan năm 2008 vẫn đạt mức đó. Điều này đặt ra câu hỏi, phải chăng, các DN FDI đã rất chủ động đối phó với các diễn biến xấu của môi trường kinh doanh?

Nhu cầu vốn dài hạn của DN là rất lớn nhưng thị trường chứng khoán vẫn chưa được coi là kênh huy động vốn quan trọng. Chỉ có 4,26% DN lựa chọn kênh này. 75% DN xem ngân hàng là kênh huy động vốn chủ yếu của mình. Tiếp đó là các quỹ đầu tư.

Trong tiếp cận vốn kinh doanh, ngoài vấn đề lãi suất cao, nếu như các DN trong nước còn phàn nàn một số khó khăn khác như "Thiếu tài sản thế chấp", "Phương án lập kế hoạch kinh doanh", thì rất ít DN FDI đề cập tới điều này.

Về tỷ lệ DN muốn vay vốn trong 6 tháng cuối năm, con số 90,2% DN ngoài quốc doanh, 81,5% DN nhà nước và 57,7% DN FDI cũng chứng tỏ nhu cầu vay vốn của DN FDI thấp hơn hẳn khu vực DN trong nước.

Các DN lạc quan về triển vọng kinh tế

Đánh giá về triển vọng phát triển của nền kinh tế VN thời gian tới, quan điểm chủ đạo của các DN (chiếm khoảng 42%) cho rằng kinh tế sẽ tiếp tục giữ ổn định.

Nhiều DN (chiếm 31%) còn lạc quan hơn, họ cho rằng tình hình sẽ được cải thiện trong các tháng cuối năm. Thậm chí một số DN (chiếm khoảng 4%) còn kỳ vọng vào sự trỗi dậy ngoạn mục của nền kinh tế.

Các DN FDI được xem là lạc quan hơn các DN ở khu vực khác với trên 82% DN đánh giá khả năng ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế, trong khi có trên 65% DN quốc doanh và trên 71% DN nhà nước đồng tình với ý kiến này.

Căn cứ vào đó, có tới 41% DN dự định mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, chủ yếu là các DN lớn. Đa số DN (chiếm 53%) lựa chọn giải pháp giữ nguyên quy mô.

Tổng hợp kiến nghị của các DN, báo cáo chỉ 6 nhóm giải pháp. Trong đó, ngoài các biện pháp tạo điều kiện, hỗ trợ về mặt tài chính, tiền tệ; giá cả các mặt hàng thiết yếu; cơ sở hạ tầng..., chiếm gần tuyệt đối các ý kiến đề xuất là Chính phủ cần cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về các chính sách cũng như dự báo tình hình kinh tế.

Nguyễn Nga
Vietnamnet

    Tổng số lượt xem: 1312
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)