Sau gần 20 năm gián đoạn, gần đây, rất nhiều nhà đầu tư đến từ khu vực Đông Âu đang quay trở lại Việt Nam để tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới.
Đầu tháng 8/2008, Tập đoàn xây dựng Mirax Group (Nga) đã khai trương Văn phòng đại diện tại Hà Nội và công bố các dự án đầu tư bất động sản lớn tại Việt Nam.
Theo đó, tập đoàn xây dựng và bất động sản có doanh thu khoảng 1,3 tỷ USD năm 2007 này sẽ triển khai nhiều dự án nhà cáo cấp, khách sạn tại nhiều TP của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM. Trong khi đó, dự án đầu tiên mà MIRAX GROUP thực hiện sẽ là khách sạn cao cấp tại bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đã chính thức được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 8/8 vừa qua. Số vốn xây dựng cho công trình này không được tiết lộ nhưng quy mô có thể lên đến hàng chục triệu USD.
Hai đường cao tốc của Việt Nam đều nhận vốn đầu tư từ Séc
Ông Dmitri Lutsenko đại diện MIRAX GROUP cho biết, “Việc khai trương văn phòng đại diện tại Việt Nam là bước đi đầu tiên dẫn đến việc mở rộng hoạt động của Tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á, nơi mà mối quan tâm từ phía các công dân Nga cũng như cộng đồng thế giới ngày càng tăng. Văn phòng đại diện tại Hà Nội của Mirax Group sẽ có nhiệm vụ tiến hành việc chọn lựa và soạn thảo các dự án, phân tích thông tin về khu vực Đông Nam Á cũng như tìm kiếm các bạn hàng và nghiên cứu những cơ hội đầu tư mới".
Trong khi đó, mới đây, các DN hàng đầu của Hungary đã cùng nhau thành lập một tổ chức đại diện tại Việt Nam để tiến hành tìm kiếm các cơ hội kinh doanh và triển khai các dự án tại Việt Nam và khu vực Đông Dương. Tổ chức này thành lập dưới mô hình Công ty TNHH mang tên AHEAD - Indochina do các DN về phát triển thương mại và công nghệ thông tin của Hungary góp vốn.
Tham gia AHEAD - Indochina, đại diện Ngân hàng xuất nhập khẩu Hungary cho biết, ngân hàng này sẵn sàn tổ chức nguồn hỗ trợ tài chính, bảo lãnh tài chính cho các dự án tại Việt Nam.
Ông István Lénátrt, Giám đốc AHEAD - Indochina, cho biết, bước đầu, AHEAD - Indochina sẽ hướng hoạt động vào các lĩnh vực như chuyển giao công nghệ và sản xuất từ Hungary vào Việt Nam; khảo sát và đánh giá thị trường, hỗ trợ DN hai nước tìm kiếm đối tác; cung cấp giải pháp tài chính cho các giao dịch giữa DN hai nước; hỗ trợ phát triển các dự án tại Việt Nam.
Đặc biệt, một đại diện khác trong Đông Âu là Séc đã gây nhiều bất ngờ cho các DN Việt Nam khi đã cam kết đầu tư một số vốn lên tới 2,5 tỷ USD trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Cộng hòa Séc thăm Việt Nam thời gian gày đây.
Trong đó, đáng chú ý, cả hai tuyến đường cao tốc lớn nhất Việt Nam đang triển khai đều được các đại diện chủ đầu tư là nhưng ngân hàng lớn nhất Việt Nam đạt được thỏa thuận vay vốn triển khai dự án với đối tác Séc. Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Czech (CEB) đạt được thỏa thuận tài trợ 720 triệu USD trong tổng số 1,2 tỷ USD đầu tư cho đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 80km. Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng được tài trợ 200 triệu USD từ nguồn vốn của Séc.
Một loạt các dự án khác như: Đầu tư dự án xây dựng nhà máy đốt và xử lý rác thải công suất 1.200-1.300 tấn/ngày, tổng giá trị đầu tư dự án là 180 triệu USD. BIDV và CEB sẽ cùng thu xếp tài trợ 75% tổng đầu tư dự án với số tiền là 135 triệu USD. Tài trợ xây dựng Nhà máy Bia Bình Dương công suất 200 triệu lít/năm, tổng vốn đầu tư 90 triệu USD. Hai bên sẽ cùng thu xếp tài trợ 75% tổng vốn đầu tư dự án với số tiền là 67,5 triệu USD
Đối với nhiều người, sự quay lại mạnh mẽ của nhiều nhà đầu tư Đông Âu khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, theo ông Lê Đào Nguyên - Phó Tổng giám đốc BIDV, sau nhiều năm chuyển đổi, Séc và nhiều nước Đông Âu đã có nhiều thành công. Như Séc là một thành viên mới trong Liên minh châu Âu (EU) nhưng có trình độ phát triển khá cao so với các nước tham gia sau này. Séc có 10 triệu dân nhưng GDP đã lên đến 200 tỷ USD và được coi là nước thặng dư tài chính.
Mới đây, một Trung tâm thương mại Việt Nam tại Thủ đô Praha của Séc do tổ hợp các nhà đầu tư Việt Nam góp vốn đã bắt đầu được triển khai với số vốn đầu tư 170 triệu USD trên diên tích 6,7 ha. Sau khi hoàn thành, tại đây sẽ có những siêu thị, trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam, trung tâm triển lãm và giới thiệu văn hóa Việt Nam... Đặc biệt, đây sẽ là nới hiện diện của các đơn vị xúc tiến đầu tư, điểm đến của các DN trong nước cần kêu gọi nguồn vốn đầu tư.
Để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư, tận dụng cơ hội hút vốn từ EU thông qua cửa ngõ mới Đông Âu, Ngân hàng BIDV đã chọn Séc để thành lập hiện diện thương mại trên thị trường EU và quốc tế. Đây sẽ là một công ty cổ phần có tên Công ty CP đầu tư tài chính BIDV Châu Âu (BIDV Europe Finance & Investment) tổng số vốn 10 triệu USD. Định chế này đi vào hoạt động sẽ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tài chính, là trung gian để các nhà đầu tư Việt Nam muốn tìm cơ hội đầu tư sang thị trường Séc, hỗ trợ cung cấp các thông tin về môi trường đầu tư tại Việt Nam... cho các nhà đầu tư Châu Âu.