|
Các ngân hàng thương mại đã sẵn sàng cho việc thực hiện hỗ trợ lãi suất - Ảnh minh họa |
Trao đổi với báo chí sáng nay (5/2), Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà cho biết, BIDV đã có văn bản hướng dẫn các chi nhánh thuộc hệ thống của mình thực hiện hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Theo đó, BIDV yêu cầu các chi nhánh xem xét, phê duyệt cho vay theo quy trình tín dụng hiện hành; đồng thời thực hiện việc ký hợp đồng sau khi xác định đúng khách hàng thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất.
Để việc hỗ trợ được thực hiện nhanh chóng, chuẩn xác, BIDV sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên nghiệp vụ thực hiện hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi đăng ký thủ tục hỗ trợ.
Chủ tịch Trần Bắc Hà cho biết thêm, trong tháng 2 này, BIDV sẽ hoàn tất ký hợp đồng tín dụng với tất cả khách hàng thuộc diện bù lãi suất có nhu cầu vay vốn. Dự kiến, lượng vốn cho vay với các đối tượng thuộc diện hỗ trợ trong năm 2009 vào khoảng 65.000-68.000 tỷ đồng. Trong đó, phần bù lãi suất thông qua ngân hàng là 2.500-2.800 tỷ đồng, chiếm 15% tổng gói kích cầu của Chính phủ.
Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết sẽ dành 35.000 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân vay vốn lưu động để sản xuất kinh doanh trong năm 2009, trong đó sẽ ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Cụ thể, mức lãi suất (sau khi được hỗ trợ lãi suất) cho sản phẩm cho vay tài trợ xuất khẩu bằng VNĐ chỉ còn khoảng 2%/năm , cho sản phẩm vay sản xuất kinh doanh trong nước dao động từ 5,0% - 5,5%/năm.
Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam cũng cho biết, hôm nay, ngân hàng đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các chi nhánh hạn trong ngày mai (6/2) lên danh sách khách hàng trong diện được hỗ trợ lãi suất. Trên cơ sở này, ngân hàng sẽ tổng hợp, lên dự kiến và báo cáo với Ngân hàng Nhà nước trước ngày 10/2.
Theo Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm, việc Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giảm lãi suất lần này sẽ tạo điều kiện cho cả phía ngân hàng và doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp mà ngân hàng được cũng hưởng lợi từ chương trình bù lãi suất này .
Ngân hàng sẽ có cơ hội đưa vốn ra thị trường nhanh, tăng tính thanh khoản; đồng thời đưa đúng địa chỉ các doanh nghiệp mà có khả năng thu hồi được nợ, giúp giảm nợ quá hạn, nợ xấu. Về phía doanh nghiệp, lãi suất giảm sẽ giúp họ giảm được các chi phí đầu vào, giảm giá hàng hóa, tăng sức tiêu thụ.
Tuy nhiên, ông Cao Sỹ Kiêm cũng bày tỏ, bên cạnh tác dụng tích cực của việc giảm lãi suất, các cơ quan chức năng cũng cần phải quan tâm tháo gỡ đầu ra sản phẩm cho doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm thì mới tích cực vay vốn sản xuất. Hơn nữa, khi thực hiện hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng cũng cần phải kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng lợi dụng ưu đãi để cho vay không đúng đối tượng và đồng vốn bị sử dụng sai mục đích, không phát huy hiệu quả thực tế. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát quay trở lại.
|