Tài liệu phục vụ họp báo ngày 03/3/2009 (công văn số 1266/BC-BKH ngày 02/3/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Ngày 2-3/3/2009 Chính phủ đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 2/2009, dưới đây là một số tình hình kinh tế xã hội chủ yếu trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2009:
1. Tình hình kinh tế:
(1) Sản xuất công nghiệp trong tháng 2 tuy đã có chuyển biến so với tháng 1, nhưng tính chung trong 2 tháng đầu năm tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 2 ước đạt 58,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21,6% so với tháng 1 và tăng 14,9% so với cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 10,7% (Trung ương quản lý tăng 9,9%; địa phương tăng 13,1%); khu vực ngoài nhà nước tăng 17,3% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,4%.
Giá trị sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm đạt 106,1 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2008 (cùng kỳ tăng 16,3%), trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 4,4% (Trung ương quản lý giảm 4,2%, địa phương giảm 5%); khu vực ngoài nhà nước tăng 6,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,3%.
Về các sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong 2 tháng đầu năm, trừ dầu thô khai thác tăng 14,2%; xi măng tăng 10%; một số mặt hàng như: đường kính, vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo, sữa bột, giày thể thao tăng khoảng 4,5-6,5%; các mặt hàng khác đều giảm so với cùng kỳ. Các mặt hàng có tốc độ giảm khá lớn gồm: điều hòa nhiệt độ giảm 64,1%; lốp ôtô, máy kéo các loại giảm 53,4%; kính thủy tinh giảm 50,5%; săm các loại giảm 35%; gạch lát ceramic giảm 30,2%; vải dệt từ sợi bông giảm 29,6%; sơn hóa học các loại giảm 26,2%; giày, dép, ủng bằng da giả cho người lớn giảm 20,7%; khí hóa lỏng giảm 12,9%; dầu thực vật tinh luyện giảm 12,3%,...
(2) Sản xuất nông nghiệp tuy có khó khăn nhưng vẫn phát triển ổn định.
Về gieo cấy lúa đông xuân cả nước: tính đến ngày 15/2/2009 cả nước đã gieo cấy được 2,6 triệu ha, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các tỉnh miền Bắc đã gieo cấy được 723,7 nghìn ha, tăng 70,6% so với cùng kỳ; các tỉnh miền Nam đã gieo cấy được 1,88 triệu ha, tăng 4% so với cùng kỳ.
Tiến độ gieo trồng các loại cây màu vụ Đông: Tính đến ngày 15/2/2009, diện tích gieo trồng ngô cả nước đạt 223,5 nghìn ha, giảm 20,6% so với cùng kỳ; lạc 117,9 nghìn ha, tăng 25%; sắn 52,7 nghìn ha, tăng 21,4%; đỗ tương 63,6 nghìn ha, giảm 10,9%.
Khai thác thuỷ sản tháng 2 đạt 195 nghìn tấn; tính chung cả 2 tháng đạt 383 nghìn tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ. Hai tháng đầu năm thời tiết tương đối thuận lợi, giá dầu giảm, biển được mùa cá, nhờ đó sản lượng đánh bắt tăng khá; giá bán sản phẩm cũng tăng hơn, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán đã giúp người dân có thu nhập ổn định, yên tâm ra khơi đánh bắt.
Nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục phát triển, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tháng 2/2009 ước đạt 140 nghìn tấn, tăng 5,6% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 2 tháng đầu năm đạt 285 nghìn tấn, đạt 11,9% kế hoạch, tăng 5,6% so với cùng kỳ.
Trong ngành nông nghiệp hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Hiện nay, cả nước có 10 tỉnh có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày là: Cà Mau, Sóc Trăng, Nghệ An, Hậu Giang, Quảng Ninh, Quảng Trị, Bắc Ninh, Bạc Liêu, Khánh Hòa và Ninh Bình; 09 tỉnh có dịch bệnh lở mồm, long móng chưa qua 21 ngày là: Kon Tum, Hòa Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Quảng Nam, Phú Thọ, Nghệ An và Quảng Ngãi và 02 tỉnh Quảng Ninh và Quảng Nam có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày.
(3) Khu vực dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: Tính chung 2 tháng đầu năm 2009, tổng mức lưu chuyển hàng hóa cả nước ước đạt 179,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2008.
Du lịch: Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 ước đạt khoảng 343,6 nghìn lượt khách, giảm 0,7% so với tháng 1/2009. Tính chung 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 689,4 nghìn lượt khách, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2008. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có mức chi tiêu lớn đều giảm so với cùng kỳ năm 2008 như: Trung Quốc giảm 27,5%, Thái Lan giảm 24,7%, Hàn Quốc giảm 22,3%, Nhật Bản giảm 8,7%, Malaixia giảm 8,2%, Đài Loan giảm 5,9%.
Hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách: Tính chung 2 tháng đầu năm vận tải hàng hoá ư¬ớc đạt 105,6 triệu tấn và 26,7 tỷ T.Km, giảm 0,4% về tấn vận chuyển và giảm 7,5% về T.km so với cùng kỳ năm 2008; vận tải hành khách ¬ước đạt 320,2 triệu lư¬ợt và 13,8 tỷ HK.Km, tăng 7,4% về l¬ượt hành khách vận chuyển và 6,7% về lư¬ợt hành khách luân chuyển.
Mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển. Tổng số thuê bao điện thoại đạt 84,52 triệu máy, trong đó di động chiếm 85,9%, đạt mật độ 98,16 máy/100 dân.
Tháng 2 phát triển mới 60 nghìn thuê bao Internet băng rộng, nâng tổng số thuê bao Internet băng rộng trên toàn mạng là 2,1 triệu thuê bao; số người sử dụng dịch vụ Internet đạt 20,9 triệu người, đạt mật độ 24,47%.
(4) Hoạt động xuất, nhập khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 15,6% so với tháng 1. Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2008 (cùng kỳ tăng 29,2%); trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 2,8 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2008.
Đa số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm 2008, trong đó một số mặt hàng kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh như: cao su giảm 50,5%; dây điện và cáp điện giảm 44,6%; dầu thô giảm 42,4% về giá trị nhưng tăng 26,7% về lượng; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 26,3%; sản phẩm gốm sứ giảm 22,3%; sản phẩm mây tre, cói, thảm giảm 18,9%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 13,7%; cà phê giảm 9,6% về giá trị nhưng tăng 10,8% về lượng; chè giảm 9,6%; giầy dép giảm 7,3%; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù giảm 6,7%; thủy sản giảm 5,8%,...
Bên cạnh các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, có một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao như: gạo tăng hơn 2 lần cả về lượng và về giá trị; hạt tiêu tăng 63% về lượng và tăng 6,5% về giá trị; hạt điều tăng 20% về lượng và tăng 2,1% về giá trị,...
Kim ngạch nhập khẩu tháng 2 ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 32,2% so với tháng 1. Tính chung 2 tháng đầu năm 2009, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 7,73 tỷ USD, giảm 43,1% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,8 tỷ USD, giảm 29,8%.
Trong 2 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu tất cả các mặt hàng đều giảm so với cùng kỳ năm 2008 như: thép các loại giảm 74,2%; xăng dầu giảm 26,2%; ô tô giảm 60,6%; giấy các loại giảm 32%; phân bón giảm 22,3%; sữa và sản phẩm sữa giảm 11%,... Nhập khẩu từ các đối tác lớn như Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan,... đều giảm mạnh, khoảng trên dưới 40%.
Xuất siêu 2 tháng đầu năm 2009 khoảng 290 triệu USD, bằng 3,6% kim ngạch xuất khẩu.
(5) Tài chính, thị trường, giá cả.
Thu Ngân sách Nhà nước: tháng 2 đạt 24 nghìn tỷ đồng; lũy kế 2 tháng đạt 52,9 nghìn tỷ đồng, đạt 13,6% dự toán năm, giảm 28,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu nội địa đạt 35 nghìn tỷ đồng, bằng 15% dự toán năm, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước; thu từ dầu thô đạt 5,2 nghìn tỷ đồng, bằng 8,2% dự toán, giảm 67,1% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 12 nghìn tỷ đồng, bằng 13,7% dự toán, giảm 25,1% so với cùng kỳ năm trước; thu viện trợ không hoàn lại 650 tỷ đồng, bằng 13% dự toán, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong thu nội địa, thu từ khu vực kinh tế quốc doanh đạt 14 nghìn tỷ đồng, bằng 19,2% dự toán năm, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,1 nghìn tỷ đồng, bằng 11,9% dự toán năm; thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 7 nghìn tỷ đồng, bằng 15% dự toán năm; thu từ thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đạt 1,77 nghìn tỷ đồng, bằng 12,2% dự toán năm; lệ phí trước bạ đạt 1,1 nghìn tỷ đồng, bằng 14,8% dự toán năm; các khoản thu về nhà đất đạt 2,85 nghìn tỷ đồng, bằng 11,6% dự toán năm.
Chi ngân sách nhà nước tháng 2 ước đạt 29,58 nghìn tỷ đồng; lũy kế 2 tháng đạt 63,33 nghìn tỷ đồng, bằng 12,9% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 13,7 nghìn tỷ đồng, bằng 12,2% dự toán năm; chi sự nghiệp kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh đạt 41,6 nghìn tỷ đồng, bằng 15,5% dự toán năm; chi trả nợ và viện trợ đạt gần 8 nghìn tỷ đồng, bằng 13,6% dự toán năm.
Giá tiêu dùng: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,17% so với tháng 1/2009, so với tháng 12/2008 tăng 1,49%; so với cùng kỳ năm trước tăng 16,13%.
So với tháng trước nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao là đồ dùng và dịch vụ khác tăng 2,01% so với tháng trước; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,67%, trong đó mặt hàng lương thực giảm 0,82%, thực phẩm tăng 1,72%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,59%.
Nhóm hàng có mức tăng dưới 1% là: đồ uống và thuốc lá tăng 0,8%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,7%; may mặc, giày dép và mũ nón tăng 0,44%; dược phẩm, y tế tăng 0,36%; giáo dục tăng 0,04%;
Một số nhóm hàng giảm là văn hóa, thể thao, giải trí giảm 0,07%, phương tiện đi lại, bưu điện giảm 0,05%. Riêng CPI của nhóm hàng bưu chính, viễn thông vẫn tiếp tục giảm 1,08%.
Chỉ số giá vàng tháng 2 tăng 5,74% so với tháng 1 và tăng 9,59% so với tháng 12/2008; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,91% so với tháng 1 và tăng 2,4% so với tháng 12/2008.
(6) Đầu tư phát triển
Về vốn đầu tư nguồn ngân sách tập trung: Các hoạt động đầu tư XDCB đạt thấp do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán và những đơn vị mới thực hiện xong việc phân giao kế hoạch, chỉ có một số dự án trọng điểm vẫn tổ chức thi công để đảm bảo tiến độ; số thanh toán trong kỳ chủ yếu là ứng vốn cho dự án thuộc kế hoạch năm 2009 và thanh toán khối lượng XDCB hoàn thành trong kế hoạch 2008 chuyển sang. Uớc thực hiện 2 tháng đạt 13.080 tỷ đồng.
Thu hút vốn ODA: Trong 2 tháng đầu năm 2009, có 2 chương trình, dự án ODA được ký kết thông qua các hiệp định với các nhà tài trợ đạt tổng giá trị 25 triệu USD, trong đó vốn vay đạt 21 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 4,15 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm giải ngân ODA đạt 125 triệu USD, trong đó vốn vay khoảng 95 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 30 triệu USD. Mức giải ngân 2 tháng đầu năm đạt khoảng 5,7% so với kế hoạch giải ngân năm 2009.
Ngày 23/2/2009 Chính phủ Nhật Bản đã thông báo nối lại viện trợ cho Việt Nam với trị giá 900 triệu USD cho 4 dự án cơ sở hạ tầng là: Hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội, Hệ thống thoát nước Hà Nội giai đoạn 2, Dự án thoát nước và cải tạo môi trường Thành phố Hải Phòng, Dự án nâng cấp hệ thống các cầu và tuyến tỉnh lộ, nâng tổng mức ODA cam kết năm 2009 lên 6 tỷ USD, là mức cam kết cao nhất từ trước tới nay (năm 2008 là 5,4 tỷ USD).
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: trong 2 tháng đầu năm 2009, cả nước có 67 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.513 triệu USD, bằng 35% về số dự án và tăng 31% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2008. Hai tháng đầu năm 2009, có 10 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn tăng thêm là 3.815 triệu USD, bằng 18% về số dự án, nhưng tăng 142% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn đạt 5,3 tỷ USD, bằng 70% so với cùng kỳ. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến tiềm năng phát triển dài hạn của Việt Nam.
2. Lĩnh vực xã hội:
Giáo dục và đào tạo, trong tháng 2, ngành giáo dục đào tạo tập trung sửa đổi, bổ sung quy chế thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy; biên tập cuốn những điều cần biết tuyển sinh năm 2009; hoàn thành báo cáo tổng kết công tác thi và tuyển sinh năm 2008 và phương hướng nhiệm vụ tuyển sinh năm 2009; chuẩn bị kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh hệ dự bị và cử tuyển năm 2009.
Văn hóa thông tin, trong tháng 2 nhiều hoạt động văn hóa đã diễn ra trên khắp cả nước. Các hoạt động triển lãm, lễ hội xuân và các trò chơi truyền thống được tổ chức tại nhiều địa phương. Nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong chỉ đạo các hoạt động sản xuất; trợ giúp đồng bào nghèo và triển khai các chính sách đối với người nghèo đã được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sự kiện văn hóa nổi bật trong tháng 2 là Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tâm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cuộc vận động thực hiện trong hai năm qua đã tạo ra chuyển biến rõ nét về nhận thức trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng nền tảng đạo đức xã hội.
Xóa đói giảm nghèo và bảo trợ xã hội, việc hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo đón Tết Nguyên đán đã giúp nhiều hộ nghèo đón Tết trong không khí vui vẻ, ấm cúng. Tuy nhiên, hiện tượng chi sai đối tượng, cắt giảm mức hỗ trợ hộ nghèo ở nhiều địa phương đã khiến dư luận bất bình. Đến nay, vẫn còn 36 địa phương chưa có báo cáo về tình hình hỗ trợ Tết cho các hộ nghèo. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính đã tổ chức các đoàn kiểm tra về việc thực hiện các khoản chi này, đảm bảo chi đúng, chi đủ cho các đối tượng.
Đối với chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại 61 huyện nghèo, trong tháng 2 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trì tổ chức Hội nghị triển khai, tổ chức tập huấn về xây dựng đề án giảm nghèo tại 61 huyện; nhằm giúp các huyện nghèo giảm nghèo nhanh và bền vững trong giai đoạn 2009-2015 dự thảo Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động” đã được xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong tháng 2 tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sức khỏe của nhân dân. Dịch cúm A (H5N1) vẫn diễn biến phức tạp; đến ngày 13/02 ghi nhận có 02 trường hợp mắc mới tại Quảng Ninh và Ninh Bình. Theo Bộ Y tế, Sốt phát ban dạng sởi ở người lớn đang phát sinh ở một số địa phương, từ đầu năm đến 12/02/2009, trên toàn quốc đã có 1.277 trường hợp, trong đó có 505 trường hợp dương tính với sởi. Số mắc tập trung ở nhóm tuổi trên 10 tuổi (92,4%), trong đó mắc nhiều nhất là nhóm 20-24 tuổi (47,6%). Hầu hết các trường hợp mắc sởi chưa được tiêm phòng vaccine sởi hoặc không nhớ tình trạng tiêm chủng. Bộ Y tế đang chỉ đạo và tăng cường công tác tiêm phòng để giảm thiểu các bệnh truyền nhiễm, dễ lan thành dịch./.
Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân