Trong những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ còn nhận được sự giúp đỡ tích cực của cộng đồng quốc tế với tổng mức cam kết ODA từ năm 1993 đến nay đạt hơn 1,35 tỷ USD.
Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh là Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình.
Mặc dù cơ cấu kinh tế vùng đang chuyển dịch theo hướng tích cực với tốc độ tăng trưởng năm 2007 đạt 12,8%, song khó khăn lớn nhất mà vùng này phải đối mặt là tỉ lệ hộ nghèo lên đến gần 27% - tỷ lệ cao nhất so với các vùng miền trên toàn quốc, trong khi GDP bình quân đầu người chỉ đạt xấp xỉ 50% mức bình quân cả nước.
Trước thực tế này, Chính phủ đã dành phần lớn nguồn hỗ trợ trên để đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp xóa đói giảm nghèo, nhằm phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống khoảng gần 23,4% trong năm nay. Đến hết tháng 5, tổng vốn ODA dành cho lĩnh vực này đạt gần 460 triệu USD, chiếm gần 34% tổng vốn cam kết cho toàn vùng.
Sau nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp cũng là lĩnh vực được ưu tiên đầu tư nhằm khai thác lợi thế của vùng, nhất là về thủy điện và khai thác khoáng sản, chủ yếu ở một số tỉnh như Thái Nguyên, Lào Cai, Hòa Bình. Tổng vốn ODA dành cho lĩnh vực này hiện đạt trên 325 triệu USD, chiếm trên 24% tổng mức cam kết.
Một số lĩnh vực khác như giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, y tế, giáo dục đào tạo, cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực của các nhà tài trợ quốc tế với tỷ trọng chiếm từ 9-22% tổng mức cam kết.
Những nhà tài trợ lớn cho khu vực này là Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Nhật Bản, Pháp, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Cộng đồng châu Âu.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc có nhiều dự án ODA được triển khai ở trung du và miền núi Bắc Bộ là bằng chứng thể hiện sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với chủ trương, chính sách của Việt Nam là ưu tiên phát triển các vùng nghèo, miền núi, để thu hẹp khoảng cách phát triển. Các dự án này đã góp phần xóa đói giảm nghèo và cải thiện đáng kể đời sống của người dân địa phương, trong bối cảnh ngân sách địa phương và trung ương còn hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hỗ trợ các tỉnh trong vùng hoàn thiện thể chế quản lý và sử dụng vốn ODA; nâng cao năng lực chuẩn bị, thẩm định và triển khai dự án; phối hợp với các địa phương, nhà tài trợ xây dựng chiến lược trung hạn về tăng cường quản lý đầu tư công, trong đó có cả vốn ODA.
Tình hình phát triển các tỉnh miền núi phía Bắc và hiệu quả viện trợ cũng là một chủ đề được thảo luận tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm nay, diễn ra ở Sapa huyện miền núi tỉnh Lào Cai, trong hai ngày 5 và 6/6, cùng với những chuyến thăm quan trực tiếp một số dự án sử dụng vốn ODA ở vùng này./.