Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/06/2008-16:02:00 PM
Các nhà tài trợ nói về khó khăn của kinh tế Việt Nam
Lạm phát, tăng trưởng và thâm hụt thương mại là những vấn đề được các nhà tài trợ quan tâm tại cuộc họp không chính thức của nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra tại Sapa ngày 6/6, bên cạnh cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới.

Tại cuộc họp lần này, Chính phủ và các nhà tài trợ cùng tập trung đánh giá lại tình hình quản lý kinh tế vĩ mô của Việt Nam, cũng như việc điều chỉnh ưu tiên phát triển và tác động liên quan.

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu lưu ý rằng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức khác nhau như thâm hụt thương mại và lạm phát cao, tuy nhiên vẫn có lý do để lạc quan về triển vọng phát triển lâu dài của đất nước.

Thách thức trước mắt, cũng như sự quan tâm của các nhà tài trợ, là việc thực hiện kiên quyết và chắc chắn những biện pháp mà Chính phủ công bố gần đây nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô.

Ông Ben Bingham, Trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lưu ý rằng Chính phủ Việt Nam cần đối phó với dấu hiệu cho thấy các chỉ số kinh tế đang yếu đi, bắt đầu ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư.

Trước khó khăn của nền kinh tế hiện nay, theo ông Bingham, ưu tiên đặt ra là phải có một gói chính sách cụ thể có tính thuyết phục cao để củng cố lòng tin của các nhà đầu tư và phục hồi ổn định kinh tế vĩ mô.

Còn theo Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Ayumi Konishi, “các nhà tài trợ tin tưởng mạnh mẽ rằng đây là thời điểm Chính phủ cần hành động nhanh, rõ ràng và quyết đoán trong việc thực hiện các chương trình hành động đã đề ra, cũng như đưa ra định hướng phát triển rõ ràng cho các nhà đầu tư nói riêng và công chúng Việt Nam nói chung”.

Liên quan đến vấn đề lạm phát, điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc, ông John Hendra nhấn mạnh đến những ảnh hưởng đối với người dân, đặc biệt là những người nghèo, thu nhập thấp.

“Các nhà tài trợ hoàn toàn ủng hộ quyết định của Chính phủ ưu tiên đấu tranh chống lạm phát, nhằm giúp cho những người vừa thoát khỏi tình trạng nghèo đói không bị tái nghèo”, ông Hendra nói. “Giá lương thực tăng cao là một gánh nặng lớn cho các hộ nghèo. Vì vậy, điều đặc biệt quan trọng là hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người nghèo trong thời điểm lạm phát tăng cao hiện nay”.

Ông Daisuke Matsunaga, Công sứ của Sứ quán Nhật Bản, lại hướng đến một yêu cầu khác, có trong gói giải pháp mà Chính phủ đang triển khai, khi cho biết: “Chúng tôi đồng ý với quan điểm của Chính phủ trong việc kiềm chế chi tiêu công. Tuy nhiên, cần phải cẩn trọng và đảm bảo tiếp tục đầu tư xã hội nhằm duy trì mạng lưới an sinh xã hội cho người dân nghèo”.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Làn, đại diện cho Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), đưa ra những ý kiến từ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội đầu tháng này, đề nghị Chính phủ và các doanh nghiệp củng cố quan hệ hợp tác đẩy mạnh các chương trình cải cách và duy trì phát triển kinh tế.

“Đại diện của giới doanh nghiệp chia sẻ những quan ngại của Chính phủ về các xu hướng kinh tế hiện nay và đồng ý với việc ưu tiên hàng đầu cho thực hiện các biện pháp bình ổn kinh tế vĩ mô”, ông Làn nói. Đi cùng với đó là yêu cầu Chính phủ nên có đánh giá và điều chỉnh các chính sách để tạo một môi trường giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và sáng tạo hơn.

Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, cho biết Chính phủ đã và đang thực hiện để giải quyết những thách thức trên, đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ Việt Nam hơn nữa để vượt qua những khó khăn hiện nay.

Trong khuôn khổ cuộc họp lần này, các nhà tài trợ cho Việt Nam còn tập trung thảo luận các vấn đề khác liên quan đến công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng tại Việt Nam; về những tác động của biến đổi khí hậu; hiệu quả của các nguồn lực viện trợ trong thời gian qua…


Thời báo Kinh tế Việt Nam

    Tổng số lượt xem: 998
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)