Ngày 7-10, mức thuế chống bán phá giá 10% mà Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng với sản phẩm giày mũ da của Việt Nam từ năm 2006 lẽ ra đã hết hiệu lực.
Hoàn thiện sản phẩm tại công ty Giày Thụy Khuê
|
Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của 15/27 quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU), cuối tuần trước, EC vẫn quyết định tiếp tục rà soát cuối kỳ đối với các sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam nhằm xác định xem Việt Nam có bán phá giá các mặt hàng này vào thị trường châu Âu hay không? Điều này đồng nghĩa với việc mặt hàng giày mũ da của Việt Nam tiếp tục phải chịu mức thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu vào thị trường này trong thời gian chờ đợi kết luận cuối cùng từ phía EC, dự kiến kéo dài từ 12 đến15 tháng.
Cho đến nay, EU vẫn là thị trường lớn nhất của ngành sản xuất giày của Việt Nam, xếp trên cả Mỹ và Nhật Bản. 2 năm qua, mức thuế chống bán phá giá 10% đã tác động rất xấu tới hoạt động của các doanh nghiệp giày mũ da của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng khó khăn do các đơn hàng giảm sút, khiến lương công nhân vốn đã thấp nay càng thấp hơn đã khiến hơn 40.000 công nhân da giày Việt Nam bị mất việc làm. Trong khi đó, việc áp dụng mức thuế này cũng không cải thiện được tình hình của đa phần các nhà sản xuất da giày châu Âu do năng lực cạnh tranh không cao. Vì vậy, chính người tiêu dùng trong EU sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt thòi nhất do không tiếp cận được những sản phẩm có chất lượng, giá cả phù hợp mà họ đáng được hưởng. Như vậy, việc EC tiếp tục duy trì thuế chống bán phá giá sẽ chỉ mang lại lợi nhuận cho một số ít các nhà sản xuất giày da chủ yếu từ I-ta-li-a - nước phản đối dữ dội nhất mà không bảo vệ túi tiền của người dân EU.
Ngay sau quyết định của EC, Liên minh giày châu Âu đã ra tuyên bố thể hiện sự thất vọng trước việc EC quyết định tiến hành rà soát cuối kỳ với các sản phẩm giày mũ da của Việt Nam; đồng thời kêu gọi EC thực hiện quy trình rà soát một cách khách quan. Liên minh này cho rằng, việc làm của EC đi ngược lại mong muốn của đa số nước thành viên EU và gây tổn hại cho người tiêu dùng và ngành giày của chính châu Âu. Tổng giám đốc Tổ chức người tiêu dùng châu Âu cũng tuyên bố, EC đang cố gắng duy trì chính sách bảo hộ lỗi thời. Trong một bài viết trên tờ Thời báo Tài chính, Chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất sản phẩm thể thao châu Âu Hốt Oai-mên nhấn mạnh, với việc tiến hành rà soát thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày nhập khẩu từ Việt Nam, châu Âu sẽ làm chậm lại nỗ lực thoát khỏi những quan điểm đã lỗi thời về thương mại toàn cầu. Việc kéo dài thời hạn hiệu lực của những chính sách được xây dựng yếu kém dưới danh nghĩa bảo hộ nền công nghiệp châu Âu đã cho thấy sự xem nhẹ hoàn toàn những thực tiễn kinh tế.
Về phía Việt Nam, ngay từ bây giờ, tất cả các doanh nghiệp trong ngành da giày, đặc biệt là những doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào danh sách chọn mẫu cần có sự chuẩn bị, thu thập các thông tin liên quan mà EC có thể yêu cầu và có những phương án giải trình để thuyết phục EC. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên thảo luận với các đối tác xuất khẩu của mình để phản đối việc áp thuế bất hợp lý của EC.
Thông thường cơ sở đánh giá một doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường dựa trên 5 tiêu chí trong đó chủ yếu là xem xét quyền sản xuất kinh doanh có bị tác động bởi nhà nước về chi phí, giá cả, nguồn lực... hay không?
Bài học từ năm 2006 cho thấy, nếu không chứng minh được doanh nghiệp của mình hoạt động theo cơ chế thị trường, chi phí của doanh nghiệp sẽ được tính theo chi phí của một nước thứ ba được coi là có nền kinh tế thị trường. 8 doanh nghiệp của Việt Nam được EC lựa chọn trong lần điều tra trước đây đều không chứng minh được điều này nên EC đã chọn ngành sản xuất giày mũ da của Bra-xin làm cơ sở so sánh. Điều này đã gây không ít thiệt thòi cho ngành sản xuất giày mũ da của Việt Nam.