Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/04/2009-10:01:00 AM
Đẩy mạnh tiêu thụ để kích thích sản xuất
Trước tình hình sản xuất công nghiệp cả nước trong quý I/2009 chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức tăng của quý I năm trước là 16,3%, Bộ Công thương đang chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành rà soát lại chi phí sản xuất chi tiết từng sản phẩm nhằm tiết giảm nguyên, nhiên vật liệu để hạ giá thành sản phẩm.

Đồng thời Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp bố trí thời gian sản xuất hợp lý, hạn chế sử dụng điện trong thời gian cao điểm để giảm chi phí điện cho sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, của đơn vị; tham gia tích cực cùng Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng.

Bên cạnh tổ chức sản xuất và phân phối hợp lý để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng các chương trình bán hàng phong phú, đa dạng để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nội địa, đặc biệt là các đơn vị trong ngành dệt may, da giầy.

Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường ít chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu như Ấn Độ, Nam Mỹ, Nam Phi, đảm bảo việc làm cho người lao động trong ngành.

Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công thương chỉ đạo theo dõi sát tình hình thủy văn và cân đối các nguồn điện để huy động tối đa công suất các nhà máy điện, đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân nhất là trong thời gian cao điểm của mùa khô (tháng 5-6/2009).

Bộ Công thương cho biết 3 tháng đầu năm nay, nhiều sản phẩm công nghiệp trọng yếu phải giảm sản xuất do tiêu thụ rất khó khăn. Đơn cử như than tiêu thụ trong nước chỉ đạt 3,9 triệu tấn, giảm 18% so với cùng kỳ khiến sản lượng khai thác than sạch quý I mới ở mức 9,69 triệu tấn, giảm 6,7%.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm ngành cơ khí cũng khá trầm lắng. Lượng tồn kho lớn dẫn tới sản xuất mặt hàng này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, nhất là các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô và điện tử, điện lạnh.

Mặc dù các doanh nghiệp đã áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, các ngân hàng đã mở rộng chính sách cho vay mua xe và áp dụng nhiều chương trình khuyến mại giảm giá bán song sản lượng tiêu thụ tuy có nhích lên nhưng vẫn rất thấp. Thậm chí để đảm bảo thu nhập cho cán bộ công nhân viên, một số công ty đã phải cắt giảm lao động hoặc giảm đến 50% thu nhập.

Bên cạnh đó, sản xuất mặt hàng dầu thực vật càng trở nên khó khăn hơn do việc xuất khẩu và tiêu thụ trong nước giảm mạnh. Sản lượng sản xuất dầu thực vật tinh luyện ước đạt 127,2 nghìn tấn, giảm 14,5% so với cùng kỳ. Hiện tại, các doanh nghiệp đang áp dụng các hình thức khuyến mãi hấp dẫn để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Đối với các mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề nhất của suy giảm kinh tế thế giới như hàng da giầy, sản xuất cũng không khá hơn do đơn hàng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ. Ở thị trường nội địa, chủ yếu do các doanh nghiệp nhỏ, tiểu thương tự tổ chức sản xuất và phân phối, lại đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi hàng Trung Quốc, Thái Lan. Lượng tiêu thụ giầy dép trong nước giảm khoảng 30 - 40% so với cùng kỳ./.


TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1052
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)