Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/10/2008-13:43:00 PM
2008: Cả nước tăng trưởng thấp, địa phương vẫn tăng trưởng cao!
"Tốc độ tăng GDP năm 2008 tăng khoảng 6,5 - 7%, chỉ số giá tiêu dùng khoảng 24%, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (10/10).

Lạm phát 2008: 24%

Trả lời chất vấn tại kỳ họp QH thứ 3 tháng 5/2008, ông Võ Hồng Phúc nói, "phải thật quyết tâm mới giữ được lạm phát 22%"

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được những kết quả quan trọng, tốc độ tăng giá tiêu dùng từ tháng 6 đã giảm dần. Các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, tín dụng tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế đều ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng và các chỉ số về nợ nước ngoài đều trong giới hạn an toàn.

Cùng với việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ nhiều khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất tiếp tục phát triển. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng cao, theo đó, tổng vốn đầu tư cả nước khoảng 10 -11 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước đạt 399 tỷ đồng, tăng 26, 3% so với năm trước. Tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước bằng 26,8%. An sinh xã hội đã được đảm bảo.

Đặc biệt, việc thực hiện cơ chế giá thị trường với xăng dầu là kinh nghiệm tốt về xóa bao cấp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng lưu ý tăng trưởng kinh tế quý III dù có được cải thiện so với quý II nhưng 9 tháng đầu năm mới đạt 6,62%, thấp hơn so với chỉ tiêu mà QH đã điều chỉnh. Tốc độ tăng giá và lạm phát cao hơn nhiều so với các năm trước.

Trong đó, tỷ lệ nhập siêu tuy đã được kiềm chế và giảm dần nhưng vẫn đang ở mức cao. Tỷ lệ nhập siêu cả năm khoảng 19 tỷ USD, bằng 29,2% kim ngạch xuất khẩu, tương đương tỷ lệ nhập siêu 2007.

Báo cáo của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng chỉ ra, đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn. Tuy tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 14,8% năm trước xuống 13,1% năm nay nhưng tình trạng tái nghèo gia tăng.

Ngoài ra, tình trạng nông dân khiếu kiện đông người và đình công vẫn không giảm. Tình trạng hội họp, chi tiêu lãng phí chưa chuyển biến. Trong khi đó, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng lại chưa đạt kết quả như kỳ vọng.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng lưu ý: “Việc kiểm soát giá cả thị trường chưa chặt chẽ nên đã để xảy ra những đợt tăng giá đột biến, đặc biệt lương thực, gây hoang mang cho người dân”.

Ông Phúc cho hay, các hạn chế, yếu kém của nền kinh tế năm 2008, nhất là tình hình lạm phát cao một mặt do những tác động của sự suy giảm kinh tế và lạm phát toàn cầu, mặt khác do trong quản lý và điều hành nền kinh tế thì việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng trong nhiều năm, chi tiêu ngân sách lãng phí, đầu tư kém hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu kém, buông lỏng quản lý thị trường, các hạn chế trong dự báo kinh tế và thị trường thế giới.

Cả nước tăng trưởng thấp nhưng địa phương vẫn tăng trưởng cao

Sản lượng lương thực năm 2008 tăng 2,6 triệu tấn so với 2007, tăng cao nhất từ 2005 đến nay

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết QH về kết hoạch phát triển Kinh tế - xã hội 2008, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền lưu ý: "Bên cạnh những khó khăn tích tụ từ trước là những khó khăn mới phát sinh do tác động không mong muốn của việc thực thi các giải pháp về kiềm chế lạm phát, những hạn chế trong chỉ đạo điều hành cần tập trung khắc phục trong năm tới".

Ông Hiền thống kê, có 9/25 chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch, trong đó nhiều chỉ tiêu về môi trường và xã hội đã cho thấy sự thiếu bền vững trong phát triển kinh tế.

"Tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể không đạt, lạm phát ở mức cao, chi ngân sách vượt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm"..

Đáng lưu ý, theo ông Hiền đó là, trong khi Chính phủ đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thì phần lớn các địa phương đều không điều chỉnh.

Báo cáo của nhiều nơi cho thấy tốc độ tăngởcác địa phương vẫn cao . "Phải chăng có vấn đề về thiếu đồng bộ trong chỉ đạo từ TƯ xuống địa phương?", ông Hiền nói.

Ngoài ra, một số chỉ tiêu tuy đạt nhưng thiếu tính vững chắc, thu ngân sách tuy đạt cao, vượt 76 nghìn tỷ đồng nhưng trong đó vượt thu từ tăng giá dầu thô là 35,4 nghìn tỷ, từ các khoản thu về nhà, đất hơn 7,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 56% số vượt thu. Thu từ khu vực sản xuất kinh doanh không là bao.

Chưa cương quyết kiểm soát chi tiêu và đầu tư công

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra, quy mô và cơ cấu mặt hàng xuất khẩu không thay đổi nhiều, vẫn là khoáng sản, hàng có giá trị gia tăng thấp. Trong điều kiện tốc độ tăng xuất khẩu thấp hơn so với nhập khẩu thì nhập siêu vẫn tăng cao và kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Giá trị sản xuất khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 9 tháng vẫn tăng 20,9%; DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,9% trong khi khu vực DN nhà nước chỉ tăng 5,9%.

Trong khi đó, chất lượng và hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa có chuyển biến, đặc biệt xu hướng đầu tư ra ngoài lĩnh vực. Mặc dù Chính phủ đã khuyến cáo về nguy cơ này song lại chưa nêu rõ được trách nhiệm. Theo Ủy ban Kinh tế, với cơ chế phân cấp như hiện nay, sẽ khó để kiểm soát và đánh giá hoạt động đầu tư của các Tập đoàn và Tổng công ty, khó đánh giá hiệu quả đầu tư cụ thể.

Việc cắt giảm đình hoãn các dự án đầu tư công cần được rà soát và đánh giá thực chất. Bởi, dù chịu khó khăn chung nhưng hiệu quả dầu tư của khu vực DNNN vẫn thấp hơn nhiều các khu vực khác.

Trong khi đó, tình hình kinh doanh của DN vừa và nhỏ vẫn khó khăn do thiếu vốn dẫn đến phải thu hẹp sản xuất, điều chỉnh kế hoạch đầu tư..

Theo ông Hà Văn Hiền, sự phối hợp trong điều hành một số lĩnh vực còn chưa tốt thể hiện trong triển khai thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa chưa đồng bộ. "Trong khi chính sách tiền tệ thắt chặt được làm quyết liệt thì chính sách kiểm soát chi tiêu công chưa cương quyết. Thị trường tiền tệ nhiều lực không ổn định gây khó khăn cho ngân hàng và doanh nghiệp".

Đặc biệt, tuy Chính phủ cam kết, năm 2008 đã "đảm bảo an sinh xã hội" song việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân nghèo còn phức tạp nên dân không nhận được trợ giúp đúng lúc.

2009: Đưa chỉ số giá tiêu dùng xuống dưới 15%

Mục tiêu Chính phủ đề ra cho năm 2009 vẫn là "Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát theo hướng giảm dần, đến 2010 đưa tốc độ lạm phát xuống còn một con số, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý"... Cụ thể, tăng trưởng năm 2009 ước đạt 7%, chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 15%...

Tuy nhiên theo Ủy ban Kinh tế, nên lựa chọn phương án 6,5 - 7% do tác động trái chiều của chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ thắt chặt năm 2008 sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh 2009.

Để đưa chỉ số giá xuống dưới 15%, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói, sẽ tập trung thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa "kiểm soát việc tăng tổng phương tiện thanh toán, tổng dư nợ tín dụng nhưng linh hoạt để đảm bảo tính thanh khoản và tăng trưởng kinh tế hợp lý. Kiếm soát việc cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán, quản lý chặt việc thành lập mới, mở chi nhánh ngân hàng và bảo đảm an toàn hệ thống các ngân hàng thương mại".

Đặc biệt, về chính sách tài khóa, ông Phúc nói năm tới sẽ tiếp tục rà soát các chính sách về thuế, cơ cấu lại chi tiêu ngân sách theo hướng đầu tư cho con người. "Giảm mạnh định mức sử dụng xăng dầu, điện nước, các cuộc hội họp phô trương, xóa bao cấp giá điện, than theo lộ trình", ông Phúc cho hay.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng nhắc lại một mục tiêu không mới "rà soát chấn chỉnh đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty lớn, hạn chế đầu tư sang lĩnh vực khác".

Sau khi đã điều chỉnh lương và phụ cấp cho những đối tượng khó khăn, ông Phúc nói, từ 1/4/2009 sẽ điều chỉnh lương cho đối tượng còn lại.

Tán đồng với nhóm giải pháp của Chính phủ, UB Kinh tế lưu ý "cần có đánh giá toàn diện về hệ thống DNNN, đặc biệt các tập đoàn, tổng công ty trong việc quản lý tài chính, đầu tư để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa và hoàn thiện cơ chế quản lý phân vốn và tài sản nhà nước trong DN".

Đặc biệt, năm 2009, cần tháo gỡ khó khăn giúp DN đẩy mạnh xuất khẩu và tăng khả năng tiếp cận vốn cho khu vực DN vừa và nhỏ.

"Năm 2009, mục tiêu kiềm chế lạm phát và bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý cần phải được thể hiện bằng chính sách và biện pháp cụ thể, thống nhất", ông Hà Văn Hiền nhấn mạnh.

Lê Nhung
Vietnamnet

    Tổng số lượt xem: 1286
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)