Ngày 13/10/2008-14:18:00 PM
hận lời mời của Thủ tướng Australia Kevin Rudd và Phu nhân, chiều ngày 12/10/2008, Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân dẫn đầu đã rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Australia trong hai ngày 13 -14/10/2008.
Chiều 12/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Chính phủ VN đã rời Hà Nội lên đường thăm chính thức Australia
Tham gia Đoàn chính thức có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Công an, Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Trợ lý Thủ tướng Nguyễn Văn Tùng và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Australia Nguyễn Thanh Tân.
Tháp tùng Thủ tướng và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam có chuyên viên các bộ, ngành liên quan, một số cơ quan thông tin truyền thông đại chúng và hơn 60 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam đến Australia xúc tiến cơ hội hợp tác đầu tư.
Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền - biểu tượng của sự hợp tác giữa các chuyên gia, kỹ sư và công nhân hai nước Việt Nam - Australia
Thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước
Chuyến thăm Australia đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra đúng vào thời điểm hai nước kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao nhằm tiếp tục phát triển và đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Australia lên tầm cao mới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Việt Nam sẽ hội đàm với Thủ tướng Kevin Rudd và Đoàn cấp cao Australia. Hai bên sẽ cùng nhau trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều mặt, như thương mại, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế… và trao đổi các vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 2/1973. Hai bên có nhiều cuộc trao đổi và tiếp xúc cấp cao, gần đây nhất vào tháng 6/2008, Thủ tướng Kevin Rudd đã chủ động điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Tháng 8/2008, Thủ tướng Kevin Rudd và Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã có cuộc gặp bên lề Olympic Bắc Kinh.
Hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước phát triển tốt với việc Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều và khá cao, từ mức 32,3 triệu USD năm 1990 lên 4,56 tỷ USD năm 2007. Riêng 7 tháng đầu năm 2008, kim ngạch hai nước đạt gần 3,6 tỷ USD, bằng 80% tổng kim ngạch cả năm 2007. Đặc biệt, ngày 28/8/2008 vừa qua, Australia thông báo về nguyên tắc công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Australia hiện là một trong những nước đầu tư hiệu quả tại Việt Nam với 174 dự án có tổng vốn đăng ký 1,01 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 500 triệu USD, đứng thứ 17 trong tổng số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hợp tác ODA cũng đạt hiệu quả cao và Australia đang tiếp tục tăng ODA cho Việt Nam lên khoảng 100 triệu USD trong giai đoạn 2008-2009, tăng 10% so với năm 2007-2008. Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo được xem là một trong những điểm mạnh trong quan hệ hai nước. Tính đến nay, có gần 10.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại Australia, đưa nước này trở thành nơi có số lượng sinh viên Việt Nam theo học đông nhất.
Nhìn chung, hai nước còn rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều mặt. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước không chỉ trong khuôn khổ song phương mà còn là sự hợp tác tại các tổ chức khu vực và quốc tế như APEC và Liên Hợp Quốc.
Các Hiệp định, Thỏa thuận đã ký giữa hai nước
Việt Nam và Australia đã có nhiều Hiệp định và Thỏa thuận hợp tác đã được ký kết. Cụ thể là: Hiệp định (HĐ) Thương mại và Hợp tác kinh tế (14/6/1990); HĐ Thúc đẩy và Bảo hộ Đầu tư lẫn nhau (5/3/1991); HĐ Tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập (13/4/1992), sau đó đã được bổ sung, sửa đổi (22/11/1996); HĐ bổ sung giữa 2 Chính phủ về cung cấp hàng hóa (20/7/1993); HĐ về Dịch vụ Hàng không -(31/7/1995); HĐ Lãnh sự (29/7/2003).
Nhiều Thoả thuận và Bản ghi nhớ quan trọng như: Hợp tác Khoa học và Công nghệ (9/1992), Hợp tác Phát triển (5/1993), Hợp tác trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ (9/1995), Trợ giúp lĩnh vực Pháp luật (02/1997), Hợp tác về Môi trường (1997), Hợp tác Thể thao (1999), Hợp tác về vấn đề nhập cư (2001), Hợp tác về các Dịch vụ Xã hội (2002), Hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia (3/2006), Hợp tác về Giao thông vận tải (3/2007), Hợp tác về giáo dục đào tạo (2/2008), Thỏa thuận đối tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Australia (3/2008).
Australia nằm ở bán cầu Nam, được bao bọc bởi Nam Thái Bình Dương ở phía Đông, Ấn Độ Dương ở phía Tây, biển A-ra-phu-ra ở phía Bắc và Nam Đại Dương ở phía Nam. Đây là nước lớn thứ 6 trên thế giới, là nước duy nhất chiếm toàn bộ một lục địa và cũng là nước lớn nhất trong khu vực Úc - Á. Diện tích khoảng 7,7 triệu km 2. Dân số hơn 20,6 triệu người. Thủ đô Canberra. Các thành phố lớn Sydney, Melbourne, Brisbane, Perth. Đơn vị tiền tệ Australia Dollar (AUD). Khí hậu: khô, nhiệt đới (ở phía Bắc) và ôn đới (ở phía Nam). Nhiệt độ Trung bình khoảng 270C (phía Bắc) và 130C (phía Nam). Australia giàu tài nguyên khoáng sản như vàng, bôxít, sắt, kẽm, đồng, kim cương, than, uranium, dầu khí và thiếc; đất đai, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Australia có nền kinh tế công, nông nghiệp phát triển. Năm 2007 GDP của Australia đạt 889,7 tỷ USD. GDP theo đầu người khoảng 30.000 USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: than đá, vàng, len, thép, dầu thô, bột mỳ, thịt, nhôm, máy móc và thiết bị vận tải. Thị trường xuất khẩu chính: Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Niu Di-lân, Ấn Độ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: máy móc, thiết bị, máy tính và thiết bị văn phòng, dầu thô, thiết bị viễn thông.
|
Việt Đông Cổng TTĐT Chính phủ
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
|
|