Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/07/2008-10:07:00 AM
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vào năm 2010: Khó hoàn thành mục tiêu
Theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, dự kiến tuần này Thủ tướng Chính phủ sẽ có buổi làm việc với các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước về tiến trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhằm chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc về cổ phần hóa (CPH) DNNN.

Tình hình kinh tế khó khăn hiện nay đã khiến tốc độ CPH các DNNN chậm lại, nhiều khả năng mục tiêu hoàn thành CPH DNNN vào năm 2010 là không thực hiện được.

Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tốc độ CPH DNNN hiện khá chậm so với kế hoạch, vì vậy nếu chúng ta cứ theo đuổi mục tiêu hoàn thành CPH DNNN vào năm 2010 như đã đề ra là không thực tế. 6 tháng đầu năm, cả nước đã sắp xếp lại 62 doanh nghiệp theo các hình thức: chuyển thành công ty TNHH một thành viên (17), thành lập mới (1), cổ phần hóa (30), giao 3, bán (3), thuê, khoán (1), giải thể (1), chuyển cơ quan quản lý (1). Như vậy, tổng số DNNN CPH tính đến nay là 3.786 doanh nghiệp.

Riêng từ đầu năm đến nay chỉ CPH được 30 DNNN. Phần lớn DNNN hiện nay nằm trong diện CPH vào năm 2008 đang xúc tiến các bước để chuẩn bị CPH vào 6 tháng cuối năm và các năm 2009-2010.

Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, phân tích do tình hình thị trường chứng khoán từ cuối năm 2007 đến nay suy giảm, nên việc thực hiện bán cổ phần lần đầu của nhiều DNNN gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp quy mô lớn cũng chưa đạt được như phương án đề ra.

Ông Phạm Viết Muôn cho biết, 6 tháng cuối năm vẫn sẽ tiếp tục sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trọng tâm là chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, với mục tiêu quan trọng là đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp mà không chỉ lệ thuộc vào việc bán được cổ phần của doanh nghiệp với giá cao, trong điều kiện thị trường chứng khoán đang suy giảm hiện nay.

Chính vì vậy, tại cuộc làm việc của Thủ tướng với các tập đoàn, tổng công ty diễn ra vào tuần này, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp sẽ đề xuất một số biện pháp để đẩy nhanh hơn tiến trình CPH. Trong đó có cả đề xuất có thể CPH nhưng không qua IPO (phát hành lần đầu ra công chúng) mà chỉ bán cho người lao động và nhà đầu tư khác; bán được 1%, Nhà nước vẫn giữ 99% vốn thì vẫn chuyển sang mô hình công ty cổ phần được. Kể cả khi thực hiện các đề xuất này, theo ông Muôn, tiến độ CPH cũng chỉ có thể đẩy nhanh hơn so với hiện tại, chứ không thể đẩy nhanh hơn so với kế hoạch đã đề ra.

Liên quan đến vấn đề CPH DNNN, theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì các DNNN đã được CPH nhưng cách thức hoạt động và mọi cơ chế vẫn gần như trước đây.

Điều này cũng được ông Phạm Viết Muôn thừa nhận: Các DNNN sau CPH vẫn chưa thực sự thay đổi, vẫn mang dáng dấp của DNNN. Trong số 3.786 doanh nghiệp đã được CPH, đặc biệt là ở những doanh nghiệp Nhà nước giữ cổ phần chi phối thì vẫn giữ hình ảnh cũ. Bởi bộ máy lãnh đạo vẫn là những người trước đây. Cơ chế quản trị doanh nghiệp vẫn chưa thực sự khác biệt.

Bởi vậy, ông Muôn cho biết, tới đây việc CPH DNNN sẽ phải thay đổi. Một trong sự thay đổi căn bản là phải đưa cổ đông chiến lược là người nước ngoài vào.

Đến nay, cả nước còn 1.720 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được tổ chức dưới hình thức tập đoàn kinh tế (7), tổng công ty nhà nước (86) và công ty nhà nước độc lập (1.099).

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến 31-12-2007, tổng vốn huy động, bao gồm vốn vay trong nước, vay nước ngoài, vay ngắn hạn, dài hạn và các khoản nợ phải trả khác của 76 tập đoàn, TCT nhà nước là 514.465 tỷ đồng, gấp 1,36 lần vốn chủ sở hữu. Xét tổng thể, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu nói trên là không cao, vẫn bảo đảm an toàn tài chính doanh nghiệp.

Quang Phương
Báo Sài Gòn giải phóng

    Tổng số lượt xem: 1040
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)