Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/07/2008-14:36:00 PM
Đồng bằng sông Cửu Long thu hút đầu tư nước ngoài còn quá thấp
Trong 6 tháng đầu năm 2008, thu hút đầu tư nước ngoài tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mới chỉ đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng số vốn đầu tư nước ngoài của cả nước. Trong khi đó, nhu cầu vốn toàn vùng ĐBSCL 2006-2010, cần tới 26 tỷ USD.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài: thu hút đầu tư nước ngoài tại ĐBSCL còn thấp so với tiềm năng sẵn có.

Ngày 4/7, tại TP Cần Thơ, Cục Xúc tiến thương mại và Câu lạc bộ Xúc tiến thương mại ĐBSCL đã tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại ở ĐBSCL.

Theo TS Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2008, Việt Nam đã thu hút được 487 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 31 tỉ USD, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 6 dự án lớn với qui mô trên 1 tỉ USD.

Riêng thu hút đầu tư nước ngoài tại ĐBSCL đạt trên 2,5 tỉ USD, đóng góp 8% vào tổng số vốn đầu tư nước ngoài cả nước. Trong đó có 2 địa phương nằm trong danh sách top 10 địa phương đứng đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài là Kiên Giang với dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng và sân golf; Cần Thơ với dự án nhà máy lọc dầu trên 500 triệu USD.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, kết quả trên là thấp so với tiềm năng sẵn có của toàn vùng và vốn đầu tư nước ngoài không đồng đều giữa các địa phương, chỉ tập trung ở một số địa phương có lợi thế như Cần Thơ, Kiên Giang, Long An.

TS Nguyễn Thị Bích Vân cho rằng, với điều kiện hiện nay, xúc tiến đầu tư của các tỉnh ĐBSCL cần hướng vào các đối tác tiềm năng có nhu cầu đầu tư vào vùng này như: Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Singapore… nguồn lực Việt Kiều. Thời gian qua thu hút đầu tư vùng ĐBSCL thường từ Hàn quốc, Đài Loan, Thái Lan, Nhật…

Do các tỉnh ĐBSCL có lợi thế tiềm năng cũng như những khó khăn tương tự nhau, trình độ phát triển kinh tế xã hội ĐBSCL không chênh lệch nhiều nên muốn thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài các tỉnh cần hỗ trợ nhau trong việc xây dựng một hình ảnh chung cho khu vực. Kết hợp xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại, du lịch, thiết lập quan hệ chặt chẽ với các tổ chức quốc tế liên quan với xúc tiến đầu tư đặc biệt là các hiệp hội doanh nhân nước ngoài, các tổ chức xúc tiến đầu tư như JICA, JETRO của Nhật Bản, tổ chức hợp tác kỹ thuật GTZ của Đức, KOTRA của Hàn Quốc, CETTRA của Đài Loan.

Loay hoay tìm giải pháp thu hút vốn đầu tư

Vẫn theo bà Bích Vân, nguồn vốn ODA của toàn vùng đạt 1,75 tỉ USD vốn cam kết, vốn giải ngân đạt 675 triệu USD, trong đó vốn không hoàn lại chiếm 16%. Tập trung nguồn vốn này là phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ giáo dục đào tạo, phát triển y tế. Tuy vậy, so với cả nước, số vốn ODA vào vùng ĐBSCL chưa nhiều, vốn ký kết ODA đạt 4% và thuộc vùng thấp nhất cả nước.

Cá tra ở ĐBSCL

Chủ trương sắp tới cần gia tăng nguồn vốn ODA cho vùng ĐBSCL hướng vào phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần phát triển toàn diện nông thôn gắn với xóa đói giảm nghèo, phát triển giao thông, nâng cao hệ thống cấp thoát nước, hỗ trợ giáo dục, cấp thoát nước vệ sinh môi trường.

Theo dự kiến, nhu cầu vốn toàn vùng ĐBSCL từ năm 2006-2010 lên tới 450.000 tỉ đồng, tương đương với 26 tỉ USD và phải huy động bằng mọi nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế ĐBSCL giai đoạn hậu WTO.

Làm gì để huy động mọi nguồn lực này khi mà hạ tầng giao thông toàn vùng còn ngổn ngang công việc phải làm? Theo bà Phan Thị Thúy Truyển, Giám đốc Trung tâm XT-TM-DL & Đầu tư tỉnh An Giang, việc phối hợp tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư các tỉnh ĐBSCL là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, để có hiệu quả cao, cần tổ chức nhóm xúc tiến thương mại.

Phân công cho ai, ai chịu trách nhiệm? Ai thực hiện và thống nhất cách làm một cách khoa học. Với kinh nghiệm của mình, Trung tâm xúc tiến An Giang đã phối hợp với các sở ngành và địa phương thực hiện hội chợ biên mậu với các cửa khẩu giáp biên giới Campuchia. Qua thị trường Campuchia, hàng Việt Nam đã bước đầu đi ra các nước Đông Nam Á.

Bưởi Năm Roi nay đã thành thương hiệu.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại du lịch Trà Vinh, nhu cầu xúc tiến thương mại du lịch và thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào ĐBSCL là rất lớn. Tuy nhiên, muốn xúc tiến thương mại đầu tư hiệu quả, các tỉnh cần có biện pháp cụ thể, chứ mỗi năm chúng ta ngồi lại, họp theo định kỳ thì hiệu quả không cao.

Còn ông Nguyễn Trường Đảnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch TP Cần Thơ, Nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI được định hướng thu hút vào một số ngành quan trọng nhu công nghiệp khai thác, công nghiệp xây dựng cơ bản như cơ khí luyện kim, điện tử, hoá chất, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản hướng vào xuất khẩu, công nghiệp cơ khí phục vụ sau thu hoạch và bảo quản nông sản, dệt may, da giày…

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, hội nghị này chỉ mang tính chất gợi mở, Một hội nghị sắp tới sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 7/2008 nhằm đi đến thống nhất ý kiến trong xúc tiến thương mại du lịch đầu tư toàn vùng sao cho hiệu quả cao hơn.

Vĩnh Kim
Vietnamnet

    Tổng số lượt xem: 937
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)