Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới khiến triển vọng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2009 hết sức khó khăn, đó là nhận định của các tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội tại hội nghị do Bộ NN&PTNT tổ chức. Vấn đề đặt ra là lựa chọn những giải pháp nào để ứng phó kịp thời với những diễn biến khó lường nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
|
Bốc xếp gạo ở cảng Phà Đen (Hà Nội)
|
Xuất khẩu gạo tạm "lên ngôi"
Ngay tháng đầu năm 2009, hoạt động xuất khẩu gạo có những tín hiệu đáng mừng. Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Trương Thanh Phong cho biết: Trong tháng 1-2009, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đã xuất khẩu được 301 nghìn tấn gạo với giá 396 USD/tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng cả về số lượng và kim ngạch. Theo kế hoạch, trong tháng 2, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục giao từ 550 - 600 nghìn tấn gạo xuất khẩu với giá khá cao. Theo ông Phong, thị trường xuất khẩu gạo không đáng lo ngại. Hiện nay, các đơn vị kinh doanh đã ký hợp đồng xuất khẩu 3,1 triệu tấn gạo dự kiến thực hiện ngay trong 6 tháng đầu năm, vì vậy, điều quan trọng là phải làm tốt các khâu tổ chức giao hàng. Tuy nhiên, ông Phong cho rằng cũng không nên xuất khẩu gạo ồ ạt, bởi hiện nay, Trung Quốc đang bị hạn hán, nhiều khả năng thiếu lương thực, Ấn Độ lại đóng cửa chưa thu mua. Nếu hai nước này mở cửa thu mua gạo, lúc đó các đơn vị kinh doanh lương thực sẽ thiếu nguồn cung cấp. Trước mắt chưa nên ký nhiều hợp đồng xuất khẩu, đặc biệt là gạo thơm để tránh tình trạng mất giá. Đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Bắc cho biết, Tổng Công ty đã ký được 600 nghìn tấn gạo, với phương thức vừa giao, vừa chốt giá để tránh rủi ro. Để bán gạo được giá, Tổng Công ty đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị với Chính phủ có chính sách hỗ trợ để triển khai các kho ngoại quan ở một số nước như Anggola, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất... Phương thức hỗ trợ thẳng chi phí cho doanh nghiệp tự tìm thị trường tiêu thụ hiệu quả hơn xúc tiến xuất khẩu truyền thống. Không chỉ vậy, 2 tổng công ty lương thực miền Bắc và miền Nam còn kiến nghị Bộ NN&PTNT có cơ chế điều hành riêng để có thể triển khai linh hoạt việc mua gạo cho nông dân. Giá mua được phép linh hoạt hơn, có thể không tuân thủ giá chung của Hiệp hội Lương thực.
Thị trường gỗ, cà phê, cao su ảm đạm
Trong khi xuất khẩu gạo có những tín hiệu tốt thì nhóm các mặt hàng thủy sản, gỗ, cà phê, cao su sụt giảm đáng kể. Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Nếu muốn tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản phải giảm giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, kiểm soát được chất lượng. Trong thời gian qua, mặc dù bị lỗ nhưng xét về tổng thể thì các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi là người lãi nhất. Điều đó buộc Hiệp hội phải chỉ đạo đặt mua nguyên liệu với giá thấp rồi gia công để tạo áp lực giảm giá. Nếu giá thức ăn chăn nuôi giảm xuống ngang bằng giá thức ăn chăn nuôi của thế giới hiện nay thì giá sản xuất con cá tra chỉ còn khoảng 11.000-11.500 đồng/kg, trong khi nước ta đang thu mua ở mức 16.000 đồng/kg. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng ủng hộ chủ trương tạo áp lực giảm giá thức ăn chăn nuôi của Hiệp hội đề xuất. Mặt khác, Bộ sẽ quyết liệt chỉ đạo việc kiểm soát chất lượng thức ăn trong chăn nuôi. Ngoài những áp lực về giá thức ăn chăn nuôi và chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Hữu Dũng còn cho rằng, hiện nay con cá tra Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh của một số nước lân cận đang có sự hỗ trợ rất mạnh mẽ của Chính phủ, do đó phải nâng cao chất lượng mới giữ được vị thế số 1.
Hoạt động xuất khẩu gỗ, cà phê, cao su cũng không mấy sáng sủa. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam cho biết: Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang ứ đọng trên 30% sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp cố gắng cầm cự đến hết tháng 3, tháng 4, một số nhà máy đã tạm đóng cửa, công nhân nghỉ việc. Thị trường cà phê thế giới giá cả thất thường, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước vẫn tập trung vào thị trường truyền thống. Dự báo giá cà phê sẽ không vượt trên 1.800 USD/tấn, thấp hơn giá xuất khẩu năm 2008. Còn với cao su, các công ty xuất khẩu hiện nay đang phụ thuộc rất nhiều vào giá dầu thô (giá dầu thô cao thì giá cao su tổng hợp cũng cao). Theo đánh giá chung, lượng cầu cao su thế giới năm nay giảm rất mạnh, Hiệp hội Cao su châu Á dự báo sẽ giảm 40% (khoảng gần 4 triệu tấn). Khả năng đến cuối tháng 10 nhu cầu về cao su thế giới mới tăng nhẹ trở lại.
Tăng cường hỗ trợ sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu
Trước những diễn biến khó lường của xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành triển khai các giải pháp tăng cường hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản: Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản một số ngành như lúa gạo, thủy sản; có cơ chế hỗ trợ đầu tư hệ thống phơi sấy, kho bảo quản... các sản phẩm nông, lâm, thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long; tạm ứng từ nguồn trái phiếu Chính phủ khoảng 1.500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi, đê điều và một số công trình trọng điểm; tăng thêm dự trữ quốc gia về lương thực với khoảng hơn 150.000 tấn quy gạo... Đối với hoạt động xuất khẩu, việc điều hành xuất khẩu gạo sẽ được thực hiện theo hướng rộng mở, kiểm soát chặt chẽ thị trường thủy sản và tận dụng mọi cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Theo dự báo của các chuyên gia, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản những tháng cuối năm 2009 sẽ có những diễn biến khó lường. Hy vọng rằng với những nỗ lực trong hỗ trợ sản xuất, chỉ đạo hoạt động xuất khẩu, tăng cường công tác dự báo và xúc tiến thương mại tốt, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam sẽ vượt qua sóng gió.
Thúy Nga - Quỳnh Dung
Hà Nội mới