Không phải đến giờ vấn đề liên kết, hợp tác giữa thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) và các tỉnh thành phố đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mới được đề cập mà chuyện tất yếu này đã được thực hiện liên tục từ nhiều năm trước. Năm nào cũng có những đoàn cán bộ và doanh nghiệp của TPHCM đến các tỉnh ĐBSCL tìm hiểu cơ hội làm ăn và ngược lại. Tuy nhiên, do diễn ra tự phát, thiếu sự quan tâm sát sao của các cấp chính quyền giữa các địa phương nên kết quả thu được còn hạn chế.
Khắc khoải đồng bằng
|
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân (thứ hai từ phải sang) thăm một nhà máy sản xuất vật liệu ngành in ở tỉnh Trà Vinh. Ảnh: H.LIÊM
|
Giữa trưa nắng mệt mỏi nhưng mọi người trong đoàn cán bộ và doanh nghiệp của TPHCM vẫn thích thú lắng nghe Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thái Bình giới thiệu hơn nửa giờ về quê hương mình với hàng loạt con số kinh tế - xã hội mà không cần một tờ báo cáo!
Ông Bình trầm giọng bộc bạch: “Trà Vinh là tỉnh nghèo nàn và tụt hậu nhất trong các tỉnh ĐBSCL, thu nhập đầu người năm ngoái chưa đến 9 triệu đồng, toàn tỉnh chỉ có 850 doanh nghiệp! Ngoài lo giảm nghèo, chúng tôi còn đau đầu với việc xây dựng nếp sống mới trong cộng đồng các dân tộc”.
Mặc dù vậy, người Bí thư xởi lởi này cũng khoe rằng mỗi năm tỉnh mình đã làm ra được tới 150.000 tấn thủy sản, cung cấp được 30 triệu quả trứng gia cầm cho TPHCM và hiện đã có 97/104 xã - phường có đường nhựa đến trung tâm… Do vậy, khi gặp những người khách phương xa đến để tìm hiểu đầu tư, người cán bộ nào của Trà Vinh cũng hồ hởi và niềm nở.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh Huỳnh Văn Tảo xúc động: “Trước đây nhờ TPHCM hỗ trợ mà cơ sở hạ tầng và đời sống người dân nhiều nơi trong tỉnh đã được cải thiện rất nhiều. Ngày nay, nhiều doanh nghiệp TPHCM đã đưa các nhà máy đến đây để từng bước công nghiệp hóa vùng nông thôn này. Dự kiến khoảng tháng 6-2009 sẽ có thêm hai nhà máy được khởi công xây dựng trong khu công nghiệp Long Đức của tỉnh. Đó đều là các nhà máy lấy nguyên liệu từ địa phương, một nhà máy chế biến thủy sản và một nhà máy sản xuất ván từ mùn dừa”.
Những niềm vui của tỉnh Trà Vinh thật ra cũng chỉ mới là những sự chia sẻ nhỏ nhoi so với khả năng của TPHCM và mong mỏi của ĐBSCL. Đến nay, hình ảnh ĐBSCL đọng lại chủ yếu vẫn là những làng quê yên bình, những người nông dân chất phác, chân lấm tay bùn chiếm khoảng 80% dân số. Thế nhưng, cây lúa, con cá cùng cây ăn trái vẫn chưa là chỗ dựa vững chãi cho người dân nơi đây.
ĐBSCL làm ra phân nửa lượng lúa cả nước, 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước, nhưng phần lớn người dân vẫn còn cách xa mức sống trung bình của cả nước.
Không những là vùng trũng về địa hình mà ĐBSCL còn là “vùng trũng” về giáo dục của nước ta. Chất lượng nguồn nhân lực, các chỉ số về giáo dục đào tạo, dạy nghề trong vùng còn thấp xa so với mức bình quân cả nước, trong đó gần 80% lao động nông nghiệp chưa được đào tạo mà chỉ dựa vào kinh nghiệm. Hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, đa phần còn yếu kém và thô sơ. Đây là những lực cản lớn không chỉ cho ước muốn đổi mới nền sản xuất nông nghiệp mà còn cho cả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Bắt tay chặt hơn nữa
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, giai đoạn 2000 - 2008, có 58 doanh nghiệp TPHCM đã triển khai 62 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 20.087 tỷ đồng ở các tỉnh ĐBSCL. Nhưng phần lớn nguồn vốn của TPHCM lại đổ về hai địa phương phát triển cao ở khu vực là TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang, tập trung vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch và sản xuất công nghiệp. Thực tế đó làm nhiều tỉnh khác không khỏi chạnh lòng. Họ đều có những cái mà TPHCM cần như mặt bằng, vùng nguyên liệu và khách hàng, chỉ phải cái tội là đường sá trắc trở và thiếu nhân lực có tay nghề!
Chính vì thế, ĐBSCL cần nhất là đầu tư vào hạ tầng và đào tạo nhân lực. Cùng với đó, ĐBSCL rất cần củng cố công tác quy hoạch và quản lý, vì điểm yếu này mà liên kết vùng rất lỏng lẻo, tình trạng mạnh ai nấy làm còn phổ biến. Tuy nhiên, để TPHCM chia sẻ những thế mạnh của mình cho ĐBSCL thì rất cần những cái bắt tay thắm thiết hơn nữa và kèm theo đó là những cơ chế hợp tác phù hợp, linh động hơn.
Trong một chuyến đi về hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long để ký kết thỏa thuận hợp tác vào tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tâm sự: “Trong thời kỳ kháng chiến, ĐBSCL là hậu phương vững chắc và nghĩa tình của TPHCM thì thời bình TPHCM phải có trách nhiệm để đền đáp cái tình hậu phương đó. Không những vậy, với thế mạnh của mình, ĐBSCL là nơi cung cấp lương thực và nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp của TPHCM nên tất nhiên TPHCM càng phải tăng cường đầu tư và hỗ trợ ĐBSCL hơn nữa”.
Đã qua rồi thời kỳ làm ăn manh mún và tự phát, mối quan hệ tương hỗ để cùng nhau đi lên giữa TPHCM và các tỉnh ĐBSCL cũng vậy. Sự hợp tác này phải được nâng lên tầm cao mới và đi vào thực chất hơn nữa thì hiệu quả đạt được mới thỏa lòng mong muốn của người dân.