Cuộc họp không chính thức kéo dài hai ngày (3 và 4/9) của Bộ trưởng Thương mại hơn 30 quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã kết thúc với bước đột phá quan trọng nhằm thiết lập nền tảng cho một thỏa thuận mới về tự do thương mại toàn cầu vào năm 2010.
Theo Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Anand Sharma, trưởng đoàn đàm phán và các quan chức cấp cao đã nhất trí sẽ nhóm họp vào ngày 14/9 tới tại Geneva, Thụy Sĩ để tái khởi động toàn bộ tiến trình của Vòng đàm phán thương mại Doha vốn đang bị bế tắc.
Vòng đàm phán Doha được phát động từ năm 2001, với mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu. Tuy nhiên, bất đồng giữa các đối tác thương mại chính đã làm chậm lại tiến trình ký kết thỏa thuận cuối cùng.
Cuộc họp quan trọng gần đây nhất hồi tháng 7/2008 tại Geneva đã thất bại, song theo Bộ trưởng Sharma, tất cả các đại biểu tham gia cuộc họp tại New Delhi đã nhất trí sẽ "nỗ lực hết sức để hoàn tất vòng đàm phán Doha vào năm 2010".
Trong khi đó, phát biểu với các phương tiện truyền thông Trung Quốc tại New Delhi, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chen Deming cũng nói rằng cuộc họp đã đạt được những kết quả tích cực, đại diện 153 thành viên WTO đã có những cuộc thảo luận rất xây dựng, đặc biệt về cách thức thực hiện và bảo vệ những thành quả đã được cho đến nay của vòng đàm phán Doha.
Ông Chen nói Trung Quốc vẫn giữ lập trường rằng vòng đàm phán Doha phải tính đến lợi ích của các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển.
Tại một cuộc họp báo riêng rẽ, Đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk khẳng định cam kết của Washington hoàn tất vòng đàm phán này, mặc dù cho rằng mục tiêu kết thúc vòng đàm phán đa phương này vào năm 2010 đòi hỏi nỗ lực lớn.
Để đạt được thỏa thuận cuối cùng, các thành viên WTO sẽ phải nhất trí được với nhau về nhiều vấn đề, trong đó có việc các nước giàu phải cắt giảm đáng kể chính sách trợ giá trong khi các nước nghèo phải mở cửa thị trường hơn nữa.
Các quốc gia như Ấn Độ lo ngại các hậu quả xấu nếu xóa bỏ hết hàng rào thuế quan, trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không muốn từ bỏ việc trợ cấp nông nghiệp, vốn khiến các đảng phái chính trị cầm quyền nhận được sự ủng hộ đông đảo của cử tri./.