Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/08/2014-15:20:00 PM
Tăng cường tài chính cho cơ sở hạ tầng đô thị Việt Nam
(MPI Portal) – Sáng ngày 20/8/2014, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có buổi làm việc với Nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt về việc thành lập Quỹ Tài chính cho Cơ sở hạ tầng đô thị (CIFF). Tham dự buổi làm việc có bà Keiko Sato, Giám đốc điều phối Danh mục Đầu tư, WB; Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cùng đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

https://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/22155173.JPG

Bà Alessandra Campanavo, Nhóm Phát triển Đô thị Việt Nam, WB.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Tại buổi làm việc, Bà Alessandra Campanavo, Nhóm Phát triển Đô thị Việt Nam, WB đã đưa ra những cơ hội và hạn chế, bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất từ kinh nghiệm quốc tế và các phương án cho cơ chế tài chính phát triển cơ sở hạ tầng địa phương ở Việt Nam. Từ đó, nhằm giải quyết vấn đề làm thế nào để tăng cường khung tài chính cho cơ sở hạ tầng địa phương ở Việt Nam.

Theo nhận định của WB, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng tương lai của Việt Nam đã vượt mức khả năng cho phép. Nếu như trong năm 1999, nguồn vốn ước tính thiếu hụt hàng năm cho đầu tư cơ sở hạ tầng là 2,1 tỷ USD đến năm 2009, nguồn vốn thiếu hụt ước tính là 9 tỷ USD. Trong khi đó, phát triển cơ sở hạ tầng là một trong ba trụ cột chính sách phát triển cốt lõi của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần phải cải thiện hiệu quả đầu tư; tiếp tục lộ trình phân cấp, khuyến khích chính quyền địa phương chịu trách nhiệm lớn hơn trong quản lý và huy động nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng.

WB cũng đưa ra các kênh có thể huy động vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng như thị trường trái phiếu chính quyền địa phương, từ các nhà đầu tư tư nhân, Quỹ phát triển địa phương, vay nợ của chính quyền địa phương từ hệ thống ngân hàng, và từ cấp phát truyền thống.Thách thức cơ bản đối với Việt Nam hiện nay là làm thế nào để tăng cường được khả năng cấp vốn và nâng cao hiệu quả đầu tư hạ tầng.

Về các phương án cho cơ chế tài chính phát triển cơ sở hạ tầng địa phương ở Việt Nam, theo WB, để cải thiện tài chính cho chính quyền địa phương phải tùy thuộc chung vào quá trình cải cách chính sách; phân tích và phân loại các địa phương theo nhóm các thành phố đặc biệt, các địa phương có quy mô trung bình và các địa nghèo hơn. Các chủ thể liên quan đến CIFF gồm Chính phủ, chính quyền địa phương và ngân hàng thương mại. Các chủ thể này sẽ được kết nối theo nguyên tắc, quy định rõ ràng. Cụ thể, các bên liên quan sẽ đưa ra các tiêu chí tài khóa để một thành phố, địa phương đủ tiêu chuẩn, bền vững về tài chính; tiêu chí đầu tư hiệu quả cho danh mục dự án đề xuất và cơ cấu khoản vay phải phù hợp với đặc điểm của dự án được đề xuất.

CIFF sẽ đóng vai trò là bên cho vay cấp 2 thông qua các ngân hàng thương mại, cấp vốn cho địa phương theo mô hình doanh nghiệp. Các thành phố, địa phương có nhu cầu vay vốn phải có ngân sách rõ ràng để vay và phải nộp hồ sơ vay cho ngân hàng thương mại để đề nghị vay. Ngân hàng thương mại phải tiến hành thẩm định dựa trên hướng dẫn của CIFF và chịu trách nhiệm hoàn trả khoản vay từ CIFF, đồng thời, chịu mọi rủi ro tín dụng của khoản vay cấp cho chính quyền địa phương.

https://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/22155174.JPG

Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Thảo luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, giải pháp WB đưa ra đóng vai trò quan trọng để phát triển cơ sở hạ tầng Việt Nam. Tuy nhiên, để có tính khả thi và bền vững, CIFF cần tạo ra được nguồn vốn vay giá rẻ với thời gian vay dài hạn (khoảng 12-15 năm) nhằm phù hợp với Luật Đầu tư công vừa được Quốc hội thông qua. Và CIFF phải có quy định rõ ràng trách nhiệm của đối tượng được vay, đồng thời, phải xây dựng khung khổ pháp lý để CIFF và các đối tượng được vay hoạt động theo cơ chế thị trường, đảm bảo khả năng trả nợ.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sáng kiến của WB trong việc thành lập CIFF, điều này phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đây là cách thức huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Điều quan trọng, sự hoạt động của CIFF theo cơ chế thị trường, các địa phương sử dụng nguồn vốn vay này phải có trách nhiệm quản lý và khả năng thu hồi vốn để trả nợ nhằm hạn chế tình trạng sử dụng nguồn ngân sách tràn lan, kém hiệu quả.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu WB tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để bước đầu hoàn thiện các cơ chế thành lập và hoạt động của Quỹ, đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững./.

Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3002
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)