Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 13/08/2014-17:05:00 PM
Tái cơ cấu kinh tế Việt Nam và bài học kinh nghiệm của Ốt-xtrây-li-a
(MPI Portal) – Đó là nội dung của Hội thảo khởi động Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam nhằm hỗ trợ thực hiện một số nội dung trong Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cho Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020.

Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (Dự án RCV) do Chính phủ Ốt-xtrây-li-a hỗ trợ 3.100.000 đô la Úc bao gồm thỏa thuận tài trợ trực tiếp và hỗ trợ kỹ thuật và Chính phủ Việt Nam cung cấp hiện vật ước tính trị giá 135.000 đô la Úc. Dự án hướng tới thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy năng suất lao động, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập; nâng cao tính minh bạch trong các quy định kinh doanh và giảm tham nhũng. Dự án dự kiến sẽ đạt được một số kết quả sau giai đoạn đầu triển khai như giảm chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp (sau khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi được thông qua); nâng cao chất lượng và số lượng các vụ việc do Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương xử lý; các giải pháp cụ thể nhằm tái cơ cấu chuỗi giá trị lúa gạo; đề xuất về chính sách liên quan đến tái cơ cấu kinh tế, bao gồm tái cơ cấu kinh tế nông thôn được ghi nhận trong các văn bản chính sách chiến lược của Đảng và Chính phủ.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Theo đó, Dự án sẽ được triển khai theo 3 hợp phần do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, điều phối thực hiện Dự án. Hợp phần thứ nhất nâng cao tính minh bạch và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp do CIEM chủ trì, điều phối thực hiện với những kết quả dự kiến đạt được: Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành được sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp được thông qua; Báo cáo phân tích những trở ngại, khó khăn trong phát triển kinh tế tư nhân và thực hiện các cam kết kinh tế quốc tế được trình lên Chính phủ; Báo cáo định kỳ hàng quý và hàng năm về kết quả và những vấn đề còn tồn tại của Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế; Xây dựng ít nhất hai báo cáo, tập trung phân tích các vấn đề kinh tế vĩ mô cần giải quyết và các vấn đề phát triển kinh tế ở phạm vi rộng hơn.

Hợp phần thứ hai hoàn thiện việc thực thi chính sách cạnh tranh và phòng vệ thương mại do Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương chủ trì thực hiện với các kết quả dự kiến: nâng cao cơ sở bằng chứng, thông tin và kỹ năng để thực thi các chính sách về cạnh tranh; nâng cao các chính sách, hệ thống và hỗ trợ để giảm thiểu các tác động tiêu cực của các hành vi bán phá giá và các biện pháp khắc phục và thương mại khác; hệ thống cảnh báo sớm rộng hơn đối với các vụ việc có thể xảy ra liên quan đến phòng vệ thương mại.

Hợp phần thứ ba tái cơ cấu kinh tế nông thôn nhằm nâng cao giá trị gia tăng do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện nhằm đánh giá tác động của việc chuyển đổi đất lúa và gia nhập một số Hiệp định thương mại tự do tới an ninh lương thực, ngành nông nghiệp, sản xuất lúa gạo và thu nhập người dân; cải cách chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; đóng góp cho chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2016 – 2020 trên cơ sở tái cơ cấu đất lúa và phát triển ngành hàng lúa gạo. Qua đó, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo theo hướng giá trị gia tăng và bền vững.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Chia sẻ về những kinh nghiệm cải cách tại Ốt-xtrây-li-a, Phó Chủ tịch Ủy ban năng suất Ốt-xtrây-li-a Mike Woods cho biết việc mở cửa thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ sẽ dẫn đến những làn sóng cải cách khi mở cửa thị trường vốn, tài chính và thị trường lao động. Qua đó, lộ ra các lĩnh vực không hiệu quả trước đây chưa xem xét đến cần được tiếp tục cải cách như những cản trở rào cản và chi phí gắn với cơ chế quy định trong nước làm giảm khả năng cạnh tranh và hoạt động của doanh nghiệp; gánh nặng về các doanh nghiệp nhà nước với hoạt động kém hiệu quả, chi phí cao; áp lực của các cải cách vi mô… Trong đó, vai trò của các nghiên cứu kinh tế trong các trường đại học và các cơ quan Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chương trình cải cách. Các nghiên cứu nhằm định lượng chi phí đối với doanh nghiệp, các ngành và toàn bộ nền kinh tế đã có tác động lớn trong việc kích cầu đối với cải cách.

Các thành công của Ốt-xtrây-li-a về mặt chính sách được tạo dựng dựa trên các ý tưởng và bằng chứng, cũng như việc phát triển các thể chế mạnh mẽ, có nguồn lực tốt và độc lập với nhiệm vụ đưa ra các kiến nghị cho cải cách hoặc giám sát tiến độ cải cách. Năm 1998, Ủy ban Năng suất ra đời, là một tổ chức độc lập có chức năng nghiên cứu và tư vấn về các vấn đề kinh tế - xã hội và môi trường với mục tiêu hỗ trợ Chính phủ đưa ra các chính sách tốt hơn nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho người dân Ốt-xtrây-li-a. Thông qua các cuộc điều tra chính thức và nghiên cứu của mình, Ủy ban Năng suất đã huy động được sự ủng hộ của cộng đồng đối với quá trình cải cách. Những nghiên cứu gần đây của OECD về kinh tế chính trị của cải cách đã nhấn mạnh việc xây dựng niềm tin và sự ủng hộ đối với cải cách thường đóng vai trò quan trọng, quyết định đến sự thành công của cải cách.

Hội thảo cũng được nghe những kinh nghiệm chia sẻ của Ủy ban năng suất Ốt-xtrây-li-a về các giải pháp thể chế quản lý quá trình xây dựng, soạn thảo và ban hành quy định; vị trí độc lập của các cơ quan xây dựng và ban hành quy định pháp luật; việc thực thi chính sách pháp luật; các vấn đề về cải cách doanh nghiệp nhà nước, thông lệ thể chế kinh tế, chính sách cạnh tranh bình đẳng… Qua đó, đưa ra những trao đổi, đúc rút bài học kinh nghiệm áp dụng phù hợp với mô hình cải cách tại Việt Nam nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho Dự án./.

Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2597
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)