Việt Nam tiếp tục được đánh giá cao về triển vọng thu hút đầu tư và được xếp thứ ba trong danh sách hấp dẫn đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đó là kết quả khảo sát mới đây về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài do JBIC tiến hành.
|
Hấp dẫn về nhân lực giá rẻ nhưng nhà đầu tư gặp khó khăn khi tìm kiếm lao động có tay nghề cao
|
Trong các doanh nghiệp được khảo sát, số các công ty Nhật Bản xem Việt Nam là nơi nhiều triển vọng giảm đi, từ 35% trong năm 2007 xuống còn 32% trong năm 2008. Thế nhưng Việt Nam vẫn được xếp ở vị trí thứ ba trong các địa điểm đầu tư yêu thích của họ.
Lý do lựa chọn Việt Nam vẫn không có nhiều thay đổi và nguồn nhân lực giá rẻ vẫn là yếu tố hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đặc biệt, Việt Nam là nước duy nhất trong danh sách các nước triển vọng có lý do “nguồn nhân công rẻ” được xếp hạng cao nhất.
Tuy nhiên, cũng theo các nhà đầu tư, việc thiếu nguồn cán bộ quản lý, khó kiếm đội ngũ kỹ thuật viên và kỹ sư, giá nhân công đang tăng lên... là lo ngại chính của nhiều doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đánh giá Việt Nam là một quốc gia “đáng tin cậy để đa dạng hoá và phân tán rủi ro” trong vai trò một địa điểm được ưa thích trong việc chuyển đầu tư tránh rủi ro dự kiến có thể xảy ra ở Trung Quốc. Ngoài ra, khả năng phát triển thị trường nội địa... cũng là các yếu tố thuyết phục nhà đầu tư.
Trong chiều ngược lại, những yếu kém của Việt Nam về cơ sở hạ tầng kém phát triển tiếp tục dẫn đầu trong các tồn tại lớn nhất cần phải được giải quyết. Đặc biệt, dù đã có nhiều nỗ lực cải cách nhưng yếu tố thực thi pháp luật chưa minh bạch cũng được các DN nêu lên như là một trong những khó khăn lớn khi đầu tư Vào Việt Nam.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, các ngành công nghiệp có triển vọng tại Việt Nam theo đánh giá của các công ty Nhật Bản là thiết bị điện/điện tử, xe hơi, máy móc, hóa chất, sản phẩm kim loại, dệt may, máy móc chính xác, lương thực-thực phẩm, dầu mỏ-cao su, kim loại màu.
Đánh giá triển vọng ngành công nghiệp của Việt Nam so với các nước, các công ty Nhật Bản đã đánh giá cao Việt Nam về triển vọng trong ngành dệt may, chỉ xếp sau Trung Quốc và vượt qua Ấn Độ, nước đã chiếm vị trí thứ nhì trong năm 2007.
Đối với ngành lương thực-thực phẩm, trong năm 2008 Việt Nam mất vị trí thứ nhì về tay Thái Lan và Trung Quốc vẫn vững ở vị trí đầu. Về triển vọng trong lãnh vực thiết bị điện-điện tử, Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ ba, sau Trung Quốc và Ấn Độ trong khi lại tụt một bậc trong lãnh vực hóa chất và xe hơi xuống vị trí thứ 6. Trong ngành chế tạo máy móc, Việt Nam vẫn giữ được vị trí thứ tư, xếp sau Ấn Độ, Trung Quốc và Nga nhưng trên Thái Lan một bậc.