Tháng 2/2009, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại hai thành phố lớn nhất nước, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng tương ứng xấp xỉ 1% và 1,31% so với tháng trước, tình hình giá cả không có nhiều biến động.
CPI tháng 2/2009 được xác định vào thời điểm có Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, giai đoạn được đánh giá là khá “nhạy cảm” về giá khi nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng cao.
Tuy nhiên, theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số CPI trong tháng 2/2009 tại thành phố tăng 1,31% so với tháng trước và tính chung trong 2 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng chỉ có mức tăng 1,35% (thấp hơn so 2 tháng đầu năm 2008 với mức tăng tới 5,18%).
Trong tháng này, nhóm hàng ăn tăng giá 1,85%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,41%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,16%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,37%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1%; nhóm giao thông, bưu chính viễn thông tăng 0,34%; nhóm giáo dục tăng 0,12%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 7,27%.
Nhóm hàng giảm giá là văn hóa, thể thao, giải trí, du lịch giảm 1,2%. Riêng nhóm thuốc và dịch vụ y tế không biến động.
Trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng đáng kể là các mặt hàng thuộc nhóm thực phẩm (+2,08%) và nhóm ăn uống ngoài gia đình (+2,86%), do nhu cầu tiêu dùng Tết. Riêng nhóm hàng lương thực giá giảm nhẹ (- 0,78%), tập trung vào các mặt hàng gạo do khối lượng gạo cung ứng trên thị trường trong những ngày trước và sau Tết Kỷ Sửu khá dồi dào, còn lại các mặt hàng khác thuộc nhóm lương thực như nếp, bột mì, khoai... đều tăng.
So với tháng Tết năm trước, nhìn chung tốc độ tăng giá năm nay của một số nhóm hàng thiết yếu thấp hơn chủ yếu do TP. HCM đã chủ động bình ổn giá từ những tháng trước Tết, bên cạnh đó do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng đã hạn chế.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số CPI tháng 2/2009 tại Thủ đô tăng xấp xỉ 1% so tháng trước. Trong đó, thực phẩm là nhóm hàng hoá có giá tăng cao nhất, tới 1,58% so với tháng trước. Các hàng tiêu dùng khác cũng tăng nhẹ. Tháng 2 năm ngoái, CPI của thành phố tăng 3,92%.
Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, sau thời gian nghỉ Tết các doanh nghiệp bắt đầu đi vào sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; một số doanh nghiệp thuộc kinh tế nhà nước địa phương chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm; một số ngành có tỷ trọng lớn thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt tốc độ tăng cao. Vì vậy, dù là tháng sau Tết, nhưng giá cả sớm trở lại bình thường.
Dự kiến 2 tháng đầu năm nay, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 20,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 18,5%. Nếu loại trừ yếu tố giá, mức bán lẻ hàng hoá không tăng so với tháng trước.
Lam Chi
Cổng Thông tin điện tử Chính Phủ