Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/06/2009-14:43:00 PM
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì họp giao ban tình hình giải ngân ODA 6 tháng đầu năm 2009
MPI Portal - Ngày 24/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc họp giao ban tình hình giải ngân các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) 6 tháng đầu năm 2009. Thứ trưởng Nguyễn Bích Đạt đã chủ trì cuộc họp cùng với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế và các Tổng công ty.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình vận động, thu hút và sử dụng ODA 6 tháng đầu năm 2009 đã có những chuyển biến nhất định. Tổng giá trị vốn ODA được ký thông qua các Hiệp định với các nhà tài trợ tính từ đầu năm đến ngày 16/6/2009 đạt 1.783 triệu USD, trong đó: vốn vay: 1.700 triệu USD, viện trợ không hoàn lại đạt83 triệu USD; cao hơn 15 % so với cùng kỳ năm 2008 (1.539 triệu USD). Các nhà tài trợ có giá trị Hiệp định ODA ký kết lớn là Nhật Bản (riêng vốn JICA đạt 852 triệu USD, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đạt 482 triệu USD và Ngân hàng thế giới (WB) đạt 265 triệu USD. Những chương trình, dự án có giá trị lớn được ký kết tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông, cấp thoát nước và phát triển và đô thị.
Tình hình giải ngân
Kế hoạch giải ngân (KHGN) vốn ODA năm 2009 được giao với tổng mức 1.900 triệu USD, trong đó vốn vay là 1.600 triệu USD và viện trợ không hoàn lại là 300 triệu USD. Về cơ cấu chi, KHGN 2009 dẫn đầu chi là chi xây dựng cơ bản: 770 triệu USD; tiếp đến là chi cho vay lại: 575 triệu USD; Chi hành chính sự nghiệp: 325 triệu USD và chi Hỗ trợ ngân sách: 230 triệu USD.
Mức giải ngân 6 tháng đầu năm 2009 ước đạt khoảng 1.270 triệu USD, trong đó vốn vay khoảng 1.163 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 107 triệu USD, bằng 67 % kế hoạch giải ngân của cả năm 2009(giải ngân 6 tháng đầu năm 2008 đạt 1.100 triệu USD, bằng 58 % kế hoạch giải ngân năm 2008). Mức giải ngân 6 tháng đầu năm 2009 tăng 9 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu báo cáo của một số Bộ, ngành và địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2009 mức giải ngân (vốn ODA và vốn đối ứng) của các dự án điện tương đối cao còn các dự án giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn ở mức trung bình. Nhìn chung các địa phương có mức giải ngân không đồng đều. Địa phương đạt mức giải ngân cao nhất là thành phố Hồ Chí Minh: KHGN 2009 121,829 triệu USD, giải ngân 6 tháng đầu năm 2009 là 143,771 triệu USD, đạt tỷ lệ 118 %, vượt kế hoạch 18%. Tiếp đến là thành phố Hà Nội đạt mức giải ngân trung bình khá 57.17 % . Còn các tỉnh như Thanh Hóa, Đà Nẵng giải ngân tương đối thấp (10,22 % và 14,50 %).
Theo số liệu của Nhóm 6 Ngân hàng phát triển (ADB, AFD, JICA, KOEXIMBank, KfW và WB), tổng vốn ODA giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2009 đạt 1.132,98 triệu USD. Đứng đầu là WB: 622,10 triệu USD, tiếp đến là JICA: 289,27 triệu USD ; ADB: 135,89 triệu USD; AFD: 41,40 triệu USD; KOEXIM: 34,61 triệu USD và KfW: 9,71 triệu USD Theo các nhà tài trợ, tuy mức giải ngân đã được cải thiện từ cuối Quý I đến nay do khối lượng ODA cam kết tăng nên tỷ lệ giải ngân của các nhà tài trợ Nhóm 6 Ngân hàng phát triển vẫn thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của khu vực.
Tại cuộc giao ban đại diện các Bộ, ngành, địa phương và các Công ty đã báo cáo tình hình giải ngân của các đơn vị mình. Nhìn chung tình hình giải ngân ở các đơn vị đều có dấu hiệu tốt. Nhưng vẫn còn những vướng mắc chung dẫn đến tình trạng giải ngân OAD chưa đúng kế hoạch là do các yếu tố như vấn để giải phóng mặt bằng, trượt giá và nguồn vốn đối ứng…
Qua báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những đánh giá chung về tình hình thực hiện ODA.
Những mặt được
Mức giải ngân 6 tháng đầu năm 2009 đã được cải thiện đáng kể, đó là nhờ sự điều hành sát sao của Chính phủ, nỗ lực to lớn của các ngành, các cấp và các nhà tài trợ trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn ODA theo chủ trương kích cầu của Chính phủ.
Công tác quản lý và thực hiện vốn ODA ở các Bộ, ngành và địa phương đã được cải thiện thông qua việc ban hành các quy chế nội bộ vận động, thu hút và sử dụng vốn ODA tạo thuận lợi cho việc tinh giản quy trình, thủ tục và tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành hoặc đơn vị liên quan. Phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Việt Nam và các nhà tài trợ trong việc kiểm điểm tình hình thực hiện dự án, đặc biệt giữa Tổ công tác ODA của Chính phủ và Nhóm 6 Ngân hàng phát triển.
Những mặt hạn chế
Một số dự án thiết kế quá phức tạp với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, địa phương trong khi năng lực điều phối, quản lý và thực hiện của các cơ quan chủ quản lại hạn chế. Tầm nhìn quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư và phát triển đã tác động đến tiến độ của dự án. Ngoài ra, việc thay đổi quy hoạch ở địa bàn, giải phóng mặt bằngnơi thực hiện dự án là yếu tố đã tác động đến tiến độ của dự án.
Một số dự án phân gói thầu chưa hợp lý nên không thu hút được các nhà tiềm năng, dẫn đến tiến độ đấu thầu chậm. Năng lực nhà thầu/tư vấn không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Tác động của lạm phát năm 2007 - 2008 dẫn đến tình trạng thiếu hụt vốn ODA và vốn đối ứng. Định mức chi phí xây dựng và chi phí quản lý chưa đáp ứng yêu cầu điều kiện thị trường.
Thời gian chuẩn bị thực hiện các dự án đầu tư bằng vốn ODA thường kéo dài từ 2-3 năm dẫn đến việc dự án phải điều chỉnh và chịu tác động của nhiều yếu tố, đặc biệt là giải phóng mặt bằng, tái định cư, biến động giá cả, chi phí làm cho tổng mức đầu tư tăng lênnhanh so với tổng mức chi phí ban đầu.
Vấn đề nữa là sự khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ, đặc biệt là trong lĩnh vực đấu thầu, chính sách về an sinh xã hội…đặc biệt là trong bối cảnh chính sách, thể chế thay đổi nhanh cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ thi công.
Từ những mặt được, những vấn đề hạn chế để thực hiện được kế hoạch giải ngân vốn ODA dự kiến 2009 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những giải pháp và kiến nghị như sau:
Cần nhanh chóng triển khai thực hiện Luật điều chỉnh trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/8/2009.
Các Bộ, ngành và địa phương tiến hành cải cách hành chính và tinh giản quy trình , thủ tục trong việc tiếp nhận và thực hiện nguồn vốn ODA; phối hợp với các cơ quan liên quan và nhà tài trợ trong việc giải quyết dứt điểm viếu thiếu hụt vốn ODA do tình trạng lạm phát trước đây.
Thiết lập và vận hành hiệu quả hệ thống theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA cấp quốc gia, làm cơ sở để đưa ra các chính sách và giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân.
Tổ công tác ODA của Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các nhà tài trợ giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện các chương trình, dự án thông qua cuộc họp giao ban ODA hàng tháng.
Các cơ quan được giao nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA thời kỳ 2008 - 2009 phối hợp với Nhóm 6 Ngân hàng phát triển hoàn thành đúng tiến độ các công việc đề ra nhằm tạo ra bước đột phá vè giải ngân cho các năm tiếp theo.
Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính sớm xây dựng định mức chi phí về đầu tư xây dựng và quản lý các chương trình, dự án ODA theo hướng linh hoạt và sát với cơ chế thì trường.
Các Bộ, Trung ương tăng cường năng lực cho các địa phương về quản lý đầu tư công ở các cấp, đặc biệt kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án ODA thông qua các chương trình, dự án ODA thông hỗ trợ tăng cường năng lực hoặc các chương trình, dự án do mình làm chủ quản.
Nhìn chung, qua các số liệu báo cáo của các Bộ, ngành và các địa phương tình hình giải ngân ODA hiện nay tuy vẫn gặp những khó khăn cả về khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ cùng với sự nỗ lực to lớn của các ngành, các cấp và các nhà tài trợ nên mức giải ngân ODA trong 6 tháng qua đã đạt được những chuyển biến tích cực. Một số chương trình, dự án đã giải ngân đúng kế hoạch và đạt hiệu quả, tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư tại Việt Nam./.
Tùng Linh
Cổng thông điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1807
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)