Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/12/2008-18:30:00 PM
WB: Việt Nam ứng phó hiệu quả trước suy giảm kinh tế thế giới

Theo bản Báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố hôm nay (10/12/2008), mặc dù ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế lần này đến các quốc gia là khá lớn, song Việt Nam là quốc gia có giải pháp ứng phó tốt và tích cực hơn cả.

WB nhận định, với 5 nhóm giải pháp kích thích kinh tế mà Chính phủ Việt Nam đưa ra sẽ có tác dụng tốt cho nền kinh tế Việt Nam

Nhận định này được WB đưa ra dựa trên kết quả tăng trưởng và phục hồi nhanh của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2008.

Để đối phó với với lạm phát gia tăng và các áp lực quá nóng, Chính phủ đã bắt đầu thực hiện một gói giải pháp ổn định kinh tế được công bố vào tháng 3/2008, trong đó có biện pháp tăng tỷ lệ lãi suất cơ bản và cắt giảm các giao dịch cho vay. Nhờ đó, tỷ lệ lạm phát hàng tháng giảm, thâm hụt tài khoản vãng lai bị chặn lại. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có giải pháp kịp thời hỗ trợ các ngân hàng thương mại nâng cao khả năng thanh khoản thông qua kênh tài trợ lại (hoàn trả vốn vay bằng những khoản vay mới, thường là có lãi suất thấp hơn) trong 6 tháng đầu năm 2008.

Nhờ những giải pháp bình ổn kinh tế của Chính phủ thực thi có hiệu quả, lòng tin của nhà đầu tư vào một thị trường tiềm năng được củng cố nên dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn rất lớn. Vốn đăng ký FDI trong 10 tháng đầu năm đã đạt mức kỷ lục là 59,3 tỷ USD, bằng khoảng 2/3 GDP. Giải ngân trong năm 2008 dự kiến sẽ đạt khoảng 11 tỷ USD, tăng so với 8,1 tỷ USD năm 2007.

WB đánh giá, trong khó khăn, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Nhìn chung, cân bằng tài khóa của Việt Nam được quản lý tốt nhờ các chính sách tài khóa thận trọng và biện pháp thắt chặt tài khóa trong gói giải pháp bình ổn kinh tế của Chính phủ.

WB khả quan nhận định rằng, với 5 nhóm giải pháp kích thích kinh tế mà Chính phủ Việt Nam đưa ra là thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu; hỗ trợ tiêu dùng và đầu tư; tiếp tục nới lỏng chính sách tài chính và tiền tệ; giảm nghèo và cung cấp phúc lợi xã hội; tăng cường quản lý nhà nước ở tất cả các cấp, đặc biệt là việc bổ sung 1 tỷ USD (khoảng 1,2% GDP) để kích cầu sẽ có tác dụng tốt cho nền kinh tế Việt Nam.


Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 903
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)