Trao đổi với báo chí ngày 22/4/2008, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nói nên hoãn xây Bảo tàng Hà Nội vì lợi ích chung của đất nước.
Việc tốc độ tăng trưởng công nghiệp vừa qua giảm có phải do thắt chặt tín dụng và liệu có khả năng hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản và sa thải lao động hàng loạt không, thưa ông?
Không phải như vậy vì doanh nghiệp vừa và nhỏ được ưu tiên. Trong các giải pháp của Chính phủ, giải pháp thứ sáu là khuyến khích sản xuất và đầu tư phát triển, đặc biệt là vùng tư nhân. Những tín dụng lành mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phát triển, Chính phủ vẫn khuyến khích.
Nhưng lãi suất cao, doanh nghiệp sẽ không chịu nổi?
Trong điều kiện kinh tế lúc này doanh nghiệp phải tìm cách để huy động các nguồn vốn khác, đặc biệt là nguồn vốn tự có của mình. Cái chính chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp phải bỏ vốn tự có bằng cách thành lập các công ty cổ phần, huy động vốn công chúng để cùng tham gia đầu tư phát triển. Tình hình hiện nay nếu chúng ta vẫn tăng tín dụng thì vẫn tăng lạm phát.
Việc nhập siêu thời gian qua của chúng ta liệu có nguyên nhân từ AFTA hay từ WTO không?
Không phải chúng ta nhập siêu trong AFTA hay WTO mà hiện nay nhập siêu của chúng ta do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là sự yếu kém của nền kinh tế. Thứ nữa, trong kiểm soát nhập khẩu thì có chính sách nhập khẩu chưa cưỡng bức.
Chẳng hạn như ôtô, khi phát hiện ôtô tăng trưởng như vậy đáng lý ra chúng ta phải đưa ra thuế suất hợp lý cho tất cả, kể cả ôtô nguyên chiếc, ôtô nhập khẩu linh kiện vì trong lượng tăng đó linh kiện là nhiều. Chính sách thuế phải có những cái hợp lý hơn, ví dụ ôtô phải đưa các biện pháp để hạn chế tiêu dùng như thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc ôtô nhập về dù là linh kiện hoặc nguyên chiếc khi đưa ra vận hành phải có phí nào đó.
Nhìn sang Singapore, thuế nhập khẩu ôtô của họ rất thấp, nhưng để đảm bảo ôtô lăn bánh được thì phí rất cao, có thể gấp 3-4 lần giá trị ôtô.
Thưa Bộ trưởng, các biện pháp chống lạm phát của Chính phủ được đánh giá cao, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về năng lực thực hiện của Chính phủ. Vì đến bây giờ đã có tổng công ty và tỉnh nào cắt giảm chi tiêu đâu?
Lệnh của Chính phủ, các tỉnh phải cắt giảm chi tiêu. Nguồn ngân sách Nhà nước nắm, nên không cắt giảm không được vì Nhà nước sẽ trừ phần trăm ngân sách phân bổ, chẳng hạn trừ chi tiêu thường xuyên 10%. Còn chi đầu tư thì không tăng.
Với các doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ đã có biện pháp chỉ đạo, yêu cầu họ rà soát lại và sau này sẽ kiểm tra. Nếu dự án nào không hiệu quả vẫn đầu tư thì doanh nghiệp Nhà nước đó phải chịu trách nhiệm.
Trong số các biện pháp giảm đầu tư công có đề cập việc đình hoãn xây dựng nhà bảo tàng. Với Bảo tàng Hà Nội thì sao?
Trong tình hình này, Chính phủ cho rằng tất cả những dự án chưa cấp bách chưa khởi công thì đình hết, dù là bảo tàng nào.
Nhưng Hà Nội cho rằng đây là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long?
Theo chúng tôi, Hà Nội nên đình lại vì lợi ích chung của đất nước. Chúng tôi kiến nghị Hà Nội cần đình lại.
Còn dự án nhà Quốc hội, quan điểm của Chính phủ như thế nào?
Chính phủ đã trình Quốc hội phương án đầu tư, phương án kiến trúc của nhà Quốc hội, việc quyết định tùy thuộc Quốc hội.