Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/12/2009-13:33:00 PM
Quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Thái Lan phát triển nhanh
Những năm gần đây, quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Thái Lan phát triển mạnh. Các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết nhiều hợp đồng buôn bán, đầu tư với các doanh nghiệp Thái Lan. Tuy nhiên, quan hệ này vẫn ở mức thấp so với tiềm năng hai nước.
Năm 1988, sau khi lên cầm quyền, Thủ tướng Thái Lan Chạt-chai Su-ha-văn đưa ra chủ trương "biến Ðông Dương từ chiến trường thành thị trường", nhiều công ty Thái Lan đã nhìn nhận Việt Nam như một thị trường đầy triển vọng. Ðặc biệt, từ năm 1995, khi Việt Nam trở thành thành viên Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN), quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan ngày càng phát triển nhanh.
Tổng kim ngạch buôn bán của năm 2000 so với năm 1996 (một năm sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN) đã tăng gần hai lần, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan tăng gần sáu lần. Tổng kim ngạch buôn bán song phương năm 2008 so với năm 1996 tăng gần 10 lần, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan tăng gần 22 lần.
Quan hệ kinh tế - thương mại tăng trưởng nhanh, trước hết là do tác động tích cực của chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Nhiều mặt hàng của Việt Nam sản xuất, Thái Lan cũng có, nhưng vẫn thâm nhập được vào thị trường nước này. Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi trong hoạt động tìm kiếm thị trường. Thứ ba, vai trò của các cơ quan Nhà nước hữu quan đã hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong chính sách và hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu của cả hai nước. Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam (FDI) đã tạo ra một môi trường thật sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và của Thái Lan nói riêng trong thời gian qua.
Ðến nay, trong khuôn khổ hội nhập, Việt Nam và Thái Lan đã thỏa thuận giảm thuế cho 92% các mặt hàng xuất, nhập khẩu giữa hai nước. Ðây là cơ hội để doanh nghiệp hai nước thúc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thương mại và tận dụng những lợi thế so sánh trong quyết định kinh doanh của mình.
Trong 10 tháng qua, ngoài nhóm hàng nhiên liệu chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan (dầu thô chiếm 32,03%, than đá chiếm 3,74%), các mặt hàng chiếm tỷ trọng đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu hai nước bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm 22,19%); thủy sản (5,25%); nông sản (gần 3%, trong đó riêng hạt điều chiếm 0,72%, rau quả chiếm 0,61%); dệt may (1,5%), giày dép (0,55%). Những mặt hàng này được đánh giá là có tiềm năng xuất khẩu nhiều hơn sang Thái Lan trong tương lai.
Các mặt hàng chính mà Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan là linh kiện, phụ tùng ô-tô (8,81%), chất dẻo nguyên liệu (chiếm hơn 7,65%), máy móc, thiết bị, phụ tùng khác (7,56%), xăng dầu (7,54%), linh kiện, phụ tùng xe máy (7,09%), sắt thép các loại (4,38%).
FDI của Thái Lan vào Việt Nam cũng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Ngày càng có nhiều các nhà đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, chủ yếu trong các lĩnh vực địa ốc, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, công nghiệp phục vụ nông nghiệp (máy móc nông nghiệp), công nghiệp chế tạo thanh đồng, thuộc da. Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) đã đầu tư sản xuất giấy bao bì - kraft (3,7 tỷ USD), năm 2009 đang tiếp tục tăng vốn đầu tư. CP Group đang giải ngân phần đầu tư mở rộng thêm 300 triệu USD trong lĩnh vực bất động sản, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, đưa tổng số vốn đầu tư của CP tại Việt Nam lên gần 7 tỷ USD. Trong năm 2009, Thái Lan đầu tư vào Việt Nam tăng thêm 12 dự án, với số vốn hơn 29,6 triệu USD, đưa tổng số dự án của Thái Lan tại Việt Nam lên 215 dự án.
Thái Lan đứng thứ chín trong số nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Trong số các dự án đầu tư từ Thái Lan vào Việt Nam, có 67% là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 56% vốn đăng ký; 27,6% là vốn liên doanh, chiếm 43% vốn đăng ký, tạo việc làm cho hơn 12 nghìn lao động tại Việt Nam.
Việt Nam và Thái Lan là hai nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, chiếm 50% lượng gạo nhập khẩu trên toàn thế giới. Trước những lợi thế trên, hai nước đã và đang trao đổi nhiều đoàn ở cả ba cấp độ sản xuất, kinh doanh và hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy hợp tác trao đổi thông tin trong các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu gạo.
Quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Thái Lan đang còn nhiều tiềm năng phát triển. Ngoài lĩnh vực thương mại và đầu tư, các lĩnh vực như dịch vụ du lịch, vận tải biển, giao thông đường bộ, ngân hàng đang hấp dẫn các doanh nghiệp hai nước... Doanh nghiệp hai nước nên nhanh chóng khai thác những lợi thế sẵn có này để phát triển hơn nữa các hoạt động kinh tế, đặc biệt khi Cộng đồng ASEAN chính thức hoạt động vào năm 2015./.

Báo Nhân dân điện tử

    Tổng số lượt xem: 1050
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)