Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã đề phòng nguy cơ lạm phát khi kích cầu. Vì thế Chính phủ đặt ra mục tiêu đồng bộ vừa phải ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm tăng trưởng, vừa phải phòng ngừa lạm phát.
Tại phiên họp ở hội trường sáng nay (26/5) về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về nguy cơ tái lạm phát.
Có đại biểu cho rằng, số lượng lớn gói kích thích kinh tế, chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng dẫn đến nguy cơ lạm phát trở lại.
Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để giám sát có hiệu quả gói kích cầu. Chẳng hạn, tăng đầu tư của Chính phủ bằng ứng ngân sách, phát hành trái phiếu, miễn giảm thuế và các chính sách khác... Đối với mỗi chính sách, Chính phủ đang phân công cho các Bộ, ngành, địa phương quản lý kiểm soát chặt chẽ, làm sao để kích cầu đúng địa chỉ và liều lượng.
Về ý kiến cho rằng gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 17.000 tỷ đồng chỉ mang tính cứu trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, tính chất của gói kích cầu không phải chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt mà còn giải quyết vấn đề trong dài hạn.
Ví dụ, Chính phủ đã mở rộng đối tượng cho vay từ hỗ trợ cho vay vốn lưu động đến cho vay cả những dự án đầu tư. Chính những dự án đầu tư là cơ hội, điều kiện cho các doanh nghiệp tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh của mình trong dài hạn.
Ngoài ra, Chính phủ còn mở rộng bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại. Nhìn xa hơn việc khôi phục, duy trì tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã tính đến phương án dài hơi là cơ cấu lại nền kinh tế.
Trả lời cho câu hỏi liệu gói kích cầu có làm tăng hệ số ICOR (tức là giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư), Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, thời gian đầu của quá trình phát triển thì hệ số ICOR thường cao vì phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng rất lớn. Về sử dụng vốn đầu tư, ngoài phát triển kinh tế còn phải đi đôi với xoá đói, giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội. Ví dụ, đầu tư một con đường ở miền núi thì ICOR rất cao, nhưng lại giải quyết được nhiều vấn đề xã hội, an sinh, ổn định chính trị./.
|