Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/01/2011-13:14:00 PM
CPI tháng 1: Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cùng giảm tốc
Tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1/2011 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có xu hướng giảm
Một xu hướng giảm tốc của CPI trong 3 tháng qua đã định hình tại hai địa bàn lớn là Hà Nội và Tp.HCM.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2011 tại Tp.HCM đã có sự điều chỉnh về cao độ, chỉ còn tăng 1,01% trong so sánh với tháng 12/2010. Cơ quan thống kê địa phương này vừa cho biết.
Như vậy, đây là tháng thứ 2 liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng giảm tốc tại thành phố đầu tàu kinh tế phía Nam. Trước đó, CPI tháng 12 tại Tp.HCM tăng 1,61% và tháng 11 tăng 1,73%.
Về cơ bản, khả năng thanh toán giai đoạn cuối năm âm lịch tăng lên là nguyên nhân chủ yếu khiến cho giá cả giai đoạn này thường tăng cao. Đi vào từng mặt hàng cụ thể, các nguyên nhân như tăng tiêu dùng dịp Tết, tác động từ giá cả thế giới và chính sách điều tiết của nhà nước là những yếu tố tác động chính đến chỉ số giá tiêu dùng tháng này.
Chiếm quyền số xấp xỉ 40% trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính CPI, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng tới 1,35% trong tháng này. Gạo, thịt, cá, rau, dịch vụ ăn bình dân… tăng giá đã “thổi phồng” con số kể trên, dù trước đó đã liên tục tăng nhiều tháng liên tiếp.
Nhìn vào chi tiết, chỉ số giá lương thực tăng 1,11% chủ yếu do tác động từ tăng giá gạo xuất khẩu; thực phẩm tăng 1,12% do tăng tiêu dùng các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau quả…; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,85%.
Nhưng tăng cao nhất lại thuộc về CPI nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, tới 2,21%. Do tác động từ tăng giá thế giới, ảnh hưởng của giai đoạn tỷ giá biến động mạnh trước đó, cùng với nhu cầu đã lớn hơn nên xi măng, sắt thép, gas… tiếp tục gây áp lực đến nhóm này.
Cũng do nguyên nhân tiêu dùng tăng mạnh dịp cuối năm âm lịch, chỉ số giá nhóm đồ uống, thuốc lá đã tăng 1,06%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,93%; giao thông tăng 0,82%; và thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,31%...
Đáng chú ý trong loạt chỉ số vừa nêu là CPI nhóm giao thông tăng khá cao, dù giá xăng dầu vẫn được bình ổn từ nguồn Quỹ tích lũy trước đó. Phần nguyên nhân gây tăng chỉ số giá nhóm này có lẽ đến từ tăng giá các dịch sửa chữa, phụ tùng thay thế, rửa xe, vé các phương tiện giao thông...
Cuối cùng, dù chỉ số giá tháng này tại Tp.HCM đã thiết lập được một hướng giảm tốc khá mạnh, tuy nhiên đứng trước tháng có Tết sắp đến, việc kéo dài xu hướng này sẽ không dễ, dù các chương trình bình ổn giá vẫn được tiếp tục đẩy mạnh tại địa phương này.
Không “giỏi” kìm giá như Tp.HCM, CPI tháng 1/2011 tại Hà Nội đã tăng 1,68% so với tháng 12/2010, cơ quan thống kê vừa cho biết. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nét tương đồng giữa các chỉ tiêu lạm phát của hai thành phố này, nếu nhìn vào xu hướng.
Với con số 1,68%, chỉ số giá tiêu dùng tại Hà Nội cũng xác lập một xu hướng giảm tốc trong 3 tháng gần đây. Trước đó, CPI tháng 12/2010 tại Thủ đô tăng 1,83%, còn trước đó một tháng, con số này là 1,93%.
Hơn nữa, nếu nhìn vào từng nhóm hàng, ngành hàng cụ thể cũng cho thấy có sự tương đồng. Các nguyên nhân tác động đến chỉ số giá tháng này tại Hà Nội cũng đến từ áp lực tăng giá thế giới, nhu cầu tăng cao tháng giáp Tết Nguyên đán… nên không khó hiểu là ở các nhóm có hiện tượng giống nhau giữa hai thàng phố, cao cùng cao và thấp cùng thấp.
“Đóng góp” lớn nhất vào mức tăng CPI tháng này cũng là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống khi tăng tới 2,8% (lương thực tăng 1,49%; thực phẩm tăng 3,56%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,73%). Với quyền số khoảng 40% trong rổ hàng hóa tính CPI, riêng nhóm này đã góp phần làm tăng CPI tháng 1 xấp xỉ 1,1%.
Ở các nhóm còn lại, cũng như Tp.HCM, ghi dấu ấn là CPI nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 2,5%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,48%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,41%; giao thông tăng 1,1% và thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,75%...
Chỉ một khác biệt, mức chênh lệch lớn giữa CPI hai thành phố đầu tàu kinh tế, đồng thời có chương trình bình ổn “hoành tráng” nhất, cũng khiến việc chia bình quân để ước tính cả nước không còn nhiều tin cậy.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là các nhóm chiếm quyền số cao hàng đầu trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính CPI đã tăng mạnh chỉ số giá tháng này, tiêu biểu là hàng ăn và dịch vụ ăn uống (quyền số 39,93%); nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (quyền số 10,01%); giao thông (8,87%); thiết bị, đồ dùng gia đình (8,67%); may mặc, mũ nón, giày dép (7,28%).
Đã có một số dự báo cho rằng, mức tăng CPI cả nước tháng 1 cao nhất có thể đến 1,8%. Đây có thể là mức hơi cao, nhưng dự báo tăng như Hà Nội hoặc hơn cũng có thể là một tham khảo.
Dự kiến con số chung của cả nước sẽ được Tổng cục Thống kê công bố vào đầu tuần tới.
DIỆU HƯƠNG
VnEconomy

    Tổng số lượt xem: 1214
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)