(MPI Portal) - Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án “Những khía cạnh kinh tế của phát triển các bon thấp và chống chịu biến đổi khí hậu ở Việt Nam” do DFID (Vương quốc Anh) tài trợ, ngày 20/01/2011 Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo “Phát triển các bon thấp: Lựa chọn mô hình phù hợp với Việt Nam”.
Nhìn từ góc độ phát triển bền vững, bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng phát triển các bon thấp là một cơ hội để Việt Nam duy trì tăng trưởng và đóng góp phát triển bền vững về môi trường. Điều này giúp Việt Nam giải quyết một phần nguy cơ thiếu năng lượng trong tương lai. Việt Nam sẽ có triển vọng phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đóng góp vào nỗ lực toàn cầu ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
|
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hải, Phó Trưởng ban Ban Chính sách dịch vụ công, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Tham dự Hội thảo có bài giới thiệu về nhiệm vụ Đánh giá phương pháp luận của nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hải, Phó Trưởng ban Ban Chính sách dịch vụ công, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Theo ông Nguyễn Mạnh Hải, mục tiêu của nghiên cứu là đưa ra một phân tích giúp Chính phủ Việt Nam vạch ra được những phương án cho phép nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức cao để nâng cao khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời giảm đà tăng phát thải khí nhà kính; Xây dựng năng lực cho Việt Nam để có thể tự thực hiện và cập nhật những phân tích về các khía cạnh kinh tế của biến đổi khí hậu.
Mục tiêu của nghiên cứu không chỉ là tìm hiểu những hình thái tăng trưởng có thể chống chịu với biến đổi khí hậu và có hàm lượng các bon thấp, mà đồng thời tìm hiểu mối liên kết giữa hai khía cạnh đó.
Hội thảo cũng nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm từ những chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới, Hoa Kỳ, Australia; Ông Dan Bilello, diễn giả đến từ Trung tâm Phân tích năng lượng chiến lược, Phòng Thí nghiệm Quốc gia về năng lượng tái tạo Hoa Kỳ đã nêu ra những thách thức chính như là: Mục tiêu dài hạn, thống nhất khung chính sách; Các dữ liệu và đầu vào; Định lượng và các chi phí ngoại cảnh; Ý thức của người dân (đặc biệt là trong giao thông); Điều phối (giữa các cơ quan và khu vực); Đảm bảo các dịch vụ và nguồn năng lượng đáng tin cậy, có thể chi trả được, an toàn và bền vững; Đạt được tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và phát triển.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo còn được nghe Tiến sĩ Jane Olga Ebinger, chuyên gia cao cấp về năng lượng của Ngân hàng Thế giới trình bày kinh nghiệm về mô hình phát triển các bon thấp của Ngân hàng thế giới; ông Salim Mazouz, chuyên gia AusAID của Australia trình bày về kinh tế và chính sách tài chính cho phát triển các bon thấp - những bài học kinh nghiệm của Inđônêxia.
Kết thúc Hội thảo, bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chân thành cảm ơn những kinh nghiệm quý báu đóng góp của các đồng nghiệp, chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, Australia, Ngân hàng Thế giới. Bà cũng mong rằng trong thời gian tới sẽ nhận được nhiều sự hợp tác của cáccơ quan liên quan hơn nữa./.
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư