Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/07/2009-21:38:00 PM
Chuyển dịch hiệu quả cơ cấu sản xuất nông nghiệp

Tại nhiều địa phương, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với mùa vụ, thổ nhưỡng... đang từng bước mang lại hiệu quả nhất định, nâng cao đời sống nông dân.

Tại tỉnh Hải Dương , ngoài cây lúa, trồng dâu nuôi tằm là nghề có tính chất truyền thống, bà con nông dân xã Đồng Lạc , huyện Hải Dương đã chuẩn bị kế hoạch chuyển toàn bộ diện tích ruộng trũng sang nuôi trồng thuỷ sản. Hiện có gần 60 ha ruộng trũng được chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản theo phương thức bán công nghiệp và công nghiệp. Sau hơn 5 năm chuyển đổi, các vùng ruộng trũng cấy lúa bấp bênh, kém hiệu quả trước kia nay đã trở thành những khu nuôi trồng thuỷ sản trù phú.

Theo các hộ nuôi trồng thuỷ sản ở Đồng Lạc, nguồn lợi thu từ nuôi thả cá cao gấp hơn 3 lần trồng lúa. Đáng chú ý, các gia đình nuôi thuỷ sản nơi đây hoàn toàn sử dụng thức ăn tự chế và cỏ, không dùng cám tăng trọng nên thịt cá ngon, bán rất chạy.

Hiện nay nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản ở Đồng Lạc đã trở nên khá giả, khác hẳn 5 năm trước khi còn trong diện hộ nghèo, chính vì vậy phong trào nuôi thuỷ sản ở đây đã và đang phát triển rất mạnh.

Tỉnh Tiền Giang đã chuyển đổi 1.000 ha đất ruộng trong hệ thống ô đê bao ngăn lũ lụt tại các xã phía Bắc Quốc lộ 1: Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B, Mỹ Tân, Tân Hưng, Tân Thanh... tiếp giáp với Đồng Tháp Mười sang trồng cây ăn trái đặc sản gồm: cây ăn quả có múi, xoài cát Hòa Lộc, ổi, mận An Phước cho hiệu quả kinh tế cao, nâng tổng diện tích vườn cây ăn trái của huyện lên trên 16.500 ha, lớn nhất tỉnh Tiền Giang.

Từ sau năm 2000 trở lại đây, thông qua khuyến nông, hỗ trợ vốn ưu đãi và các biện pháp phù hợp khác, địa phương khuyến khích nông dân chuyển diện tích trồng lúa manh mún và nhỏ lẻ kém hiệu quả sang lập vườn trồng cây ăn trái, áp dụng mô hình VAC, kinh tế trang trại thu hút lao động việc làm nông thôn. Nhiều vùng đất đất ngập lũ trước đây được trồng chanh, mận, cam..,mang lại giá trị thu nhập hàng trăm triệu đồng/ ha/ năm.

Cũng tại Tiền Giang, nhiều hộ nông dân đã trồng cây thanh long ruột đỏ với nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với các giống thanh long ruột trắng thông thường. Nếu thanh long ruột trắng chỉ ở mức 4.000 - 5.000 đ/kg thì thanh long ruột đỏ ổn định ở mức 15.000 đ/kg.

Huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đang triển khai đề án trồng nhãn tiêu theo tiêu chí Global GAP trên diện tích 50 ha tại xã Hòa Khánh làm hạt nhân cho phong trào đồng thời tiếp tục quảng bá cho các thương hiệu cây ăn quả đặc sản nổi tiếng địa phương: xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò...

Chỉ chiếm 3,05% trong cơ cấu kinh tế nhưng ngành nông - lâm - ngư nghiệp lại giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của Thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Chỉ sau 2 năm thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, “bức tranh” kinh tế của Thành phố đã có nhiều khởi sắc. Ngành nông nghiệp Thành phố đã thu được những kết quả đáng khích lệ.

Nếu như năm 2007, giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản chỉ đạt 86,37 tỷ đồng thì năm 2008 tăng lên 91,85 tỷ đồng. Giá trị thu nhập bình quân trên 1ha canh tác đạt 35, 6 triệu đồng, nâng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp lên 88,27 tỷ đồng, thuỷ sản 3,43 tỷ đồng, lâm nghiệp 0,15 tỷ đồng.

Ngoài việc thay đổi những giống lúa chất lượng cao, phù hợp với từng địa phương thì diện tích hoa, rau an toàn cũng được chú trọng. Hiện Thành phố có 208ha rau an toàn, tập trung ở Định Trung, Đồng Tâm, Đống Đa. Bảy công thức luân canh rau thành phố đưa ra đã giúp nông dân xen ghép các vụ rau với nhau, giữa các loại rau ngắn ngày, dài ngày, chính hoặc trái vụ. Nhờ đó bà con có thể quay vòng sản xuất được 4 vụ/năm, cho thu hoạch trên 80 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, thành phố đã xây dựng vùng trồng trọt sản xuất hàng hoá tập trung, đưa các giống lúa, ngô chất lượng cao vào sản xuất hàng hoá. Vụ chiêm xuân 2009, Vĩnh Yên đã đưa giống HT1 vào sản xuất thí điểm trên diện tích 25ha tại Thanh Trù và 30ha ngô giống ở phường Hội Hợp. Các vùng sản xuất tập trung dần hình thành như vùng lúa ở Hội Hợp, Đồng Tâm; vùng rau an toàn ở Định Trung, Đồng Tâm. Nhiều mô hình đã được nhân rộng như cánh đồng đạt giá trị 50 triệu đồng/ha/năm, nuôi cá ruộng cho thu nhập 50-60 triệu đồng/ha/năm...

Cá sấu là loài động vật hoang dã, thích nghi với môi trường khí hậu nóng ẩm, ấm áp, thường chỉ sinh sống và phát triển ở miền Nam nhưng vài năm trở lại đây đã có nhiều người nuôi thành công trên đất Bắc. Tại Hưng Yên có nhiều mô hình nuôi cá sấu cho thu nhập cao, hiện đang phát triển tốt, mở ra triển vọng mới về việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, đem lại giá trị kinh tế cao. Điển hình là trang trại nuôi cá sấu của gia đình anh Dương Văn Huỳnh và chị Đặng Thị Mai (xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên), đang nuôi thành công hơn 200 con cá sấu thương phẩm.

Thời gian đầu, không ít người nghi ngờ sự thành công của mô hình này nhưng đến nay, trang trại nuôi cá sấu của gia đình anh Huỳnh, chị Mai phát triển tốt. Thành công bước đầu trong việc đưa những vật nuôi mới vào một tỉnh thuần nông như Hưng Yên mở ra hướng đi mới cho việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Sự phát triển của khoa học - kỹ thuật sẽ tạo điều kiện cho người nông dân trong việc làm giàu trên chính quê hương mình./.


Chinhphu.vn

    Tổng số lượt xem: 1673
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)