Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/07/2009-10:48:00 AM
Thông báo kết quả nghiên cứu tính chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2009

(MPI Portal) - Trong nhiều năm qua, để đánh giá tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp hàng tháng, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán và công bố chỉ tiêu “Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định” (viết tắt là GTSXCN giá CĐ) và đã đạt được kết quả nhất định trong việc cung cấp những thông tin nhanh phục vụ cho Đảng, Nhà nước, các nhà nghiên cứu hoạch định chủ trương, chính sách phát triển ngành công nghiệp một cách kịp thời. Vì chỉ tiêu GTSXCN giá CĐ được nghiên cứu, thu thập thông tin và áp dụng tính toán trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nên đến nay không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và so sánh quốc tế.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu khái niệm, nguồn thông tin và phương pháp tính chỉ tiêu “Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp” (viết tắt là chỉ số IIP) để thay thế chỉ tiêu GTSXCN giá CĐ trong những năm tới.
Ngày 31/12/2008, tại Hội nghị họp báo công bố số liệu về tình hình kinh tế - xã hội cả năm 2008, Tổng cục Thống kê đã giới thiệu kết quả nghiên cứu tính toán dãy số liệu về chỉ số IIP của hai năm 2007 và 2008. Từ tháng 1 năm 2009, trong quá trình tính toán chỉ số IIP, Tổng cục Thống kê đồng thời thu thập thông tin và tính “chỉ số tồn kho” của các sản phẩm công nghiệp chủ yếu.
Ngày 01/7/2009, tại Hội nghị họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2009, Tổng cục Thống kê tiếp tục giới thiệu kết quả tính chỉ số IIP và giới thiệu thêm chỉ số tồn kho của 6 tháng đầu năm 2009 - Một chỉ tiêu thống kê quan trọng. Chỉ số tồn kho cùng với chỉ số IIP và chỉ số tiêu thụ phản ánh chu trình sản xuất, tiêu thụ và tồn kho của hoạt động sản xuất công nghiệp, cung cấp bức tranh toàn diện hơn và cũng là chỉ tiêu kinh tế nhằm dự báo hoạt động sản xuất trong thời kỳ tiếp theo của nền kinh tế.
1. Kết quả sản xuất công nghiệp qua chỉ số IIP 6 tháng đầu năm 2009
Tốc độ tăng trưởng sản xuất quí I năm 2009 so với cùng kỳ năm trước của toàn bộ khu vực công nghiệp tính theo chỉ số IIP tăng ở mức thấp 1,5%. Trong toàn ngành công nghiệp, công nghiệp khai thác (chiếm 30,7% giá trị tăng thêm) tăng cao nhất với 7,7%; công nghiệp điện, ga, nước (chiếm 9,1% giá trị tăng thêm) tăng 3,4%; trong khi đó ngành công nghiệp chế biến chiếm 60,2% giá trị tăng thêm) lại giảm 1,6%.
Sản xuất công nghiệp đã tăng khá nhanh trong quý II năm 2009, làm cho tốc độ tăng của ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt mức 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp khai thác tăng 10,4% (do dầu thô khai thác tăng gần 18%); công nghiệp chế biến đã phục hồi và có tăng trưởng dương đạt mức 1,5%; ngành điện, ga và nước tăng 6,7%.
Một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quy mô sản xuất công nghiệp khá lớn có tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước cao hơn tốc độ tăng chung cả nước như: Thanh Hóa tăng 8,2%; Thừa Thiên Huế tăng 10%; Khánh Hòa tăng 6,2%; và đặc biệt là Bà Rịa Vũng Tàu tăng 12,3% (do dầu thô khai thác tăng nhanh). Ngược lại, có nhiều tỉnh, thành phố có quy mô sản xuất công nghiệp lớn, nhưng 6 tháng đầu năm 2009 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước như: Vĩnh Phúc giảm 13,5% (do công nghiệp lắp ráp ô tô, xe máy giảm mạnh); Đà Nẵng giảm 4,7%; TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội chỉ tăng thấp ở mức 0,4% và 2,7%.
Trong 6 tháng đầu năm 2009, sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy ngành công nghiệp nước ta đang dần phục hồi, đi vào phát triển ổn định để vượt qua thời kỳ khó khăn, suy giảm chung hiện nay. Điều này được thể hiện qua thông tin về chỉ số tồn kho của ngành giảm dần qua các tháng trong năm. Chỉ số tồn kho chung của ngành công nghiệp chế biến tại thời điểm 01 hàng tháng kể từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2009 so với cùng kỳ 2008 giảm dần là: 170,7%; 170,5%; 164,6%; 152,4%; 137,6%; và 134,6%.
2. So sánh tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp qua chỉ tiêu giá trị sản xuất theo giá cố định và chỉ số IIP của 6 tháng đầu năm 2009
Kết quả số liệu tính tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp quí I và 6 tháng đầu năm 2009 theo chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp và chỉ số GTSXCN theo giá CĐ cho thấy, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp quí I và 6 tháng so với cùng kỳ năm trước tính theo IIP là 1,5% và 4,5%, trong khi đó tốc độ tăng tính theo GTSXCN giá CĐ là 2,5% và 4,8%.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chỉ số GTSXCN giá CĐ tăng cao hơn chỉ số IIP là do GTSXCN giá CĐ là chỉ tiêu tính toàn bộ kết quả sản xuất, bao gồm các yếu tố chi phí trung gian (chủ yếu là nguyên, nhiên vật liệu, phụ tùng) và giá trị tăng thêm, do vậy chỉ tiêu này có sự tính trùng kết quả của các ngành công nghiệp. Khi sản xuất công nghiệp càng phát triển, mức độ chuyên môn hóa sản xuất trong nền kinh tế càng cao thì mức độ tính trùng càng lớn. Trong khi đó, chỉ số IIP sử dụng quyền số là giá trị tăng thêm nên đã giảm thiểu mức độ tính trùng kết quả sản xuất giữa các ngành công nghiệp. Hiện nay ngành công nghiệp của nước ta đang phát triển theo hướng tăng nhanh các ngành có tỷ lệ chi phí trung gian cao, giá trị tăng thêm thấp như: Lắp ráp ô tô, xe máy, đồ dùng gia đình (Tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa,…), đóng tàu, chế biến thực phẩm, đồ uống, may gia công, sản xuất các sản phẩm bằng kim loại nên mức độ tính trùng lại càng lớn.
Chỉ tiêu GTSXCN giá CĐ được tính bằng cách lấy khối lượng sản phẩm sản xuất của thời kỳ tính toán nhân với đơn giá của sản phẩm đó của năm gốc (năm 1994). Với cách tính này, nhiều sản phẩm mới xuất hiện trong nền kinh tế nhưng không có giá của năm gốc, vì vậy việc tính toán không loại trừ hết được yếu tố tăng giá, dẫn tới chỉ tiêu GTSXCN giá CĐ thường tính cao hơn so với thực tế. Điều này cho thấy, chỉ số tăng trưởng công nghiệp tính theo GTSXCN giá CĐ kém sát thực hơn so với chỉ số IIP.
Tổng cục Thống kê tính toán chỉ số IIP sẽ cung cấp cho đông đảo người sử dụng các thông tin phong phú hơn, chi tiết và đa dạng hơn theo ngành kinh tế, theo sản phẩm/mặt hàng về kết quả sản xuất công nghiệp hàng tháng. Chỉ số IIP tổng hợp tới ngành chi tiết cấp 4 với gần 200 sản phẩm/mặt hàng có giá trị lớn nhất của ngành công nghiệp, trong khi chỉ số GTSXCN giá CĐ hàng tháng không tổng hợp được theo ngành, hàng quí chỉ tổng hợp tới ngành cấp I.
Tổng cục Thống kê áp dụng phương pháp tính chỉ số IIP theo chuẩn mực quốc tế nên đảm bảo tính so sánh về kết quả sản xuất công nghiệp với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, quá trình thu thập thông tin tính chỉ số IIP cho phép tính chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho, với bộ 3 chỉ số này sẽ cung cấp thông tin khá đầy đủ để đánh giá toàn diện hơn chu kỳ và xu hướng sản xuất - tiêu thụ - tồn kho của ngành công nghiệp.
Hiện nay, chỉ tiêu GTSXCN giá CĐ là chỉ tiêu pháp lệnh, được dùng trong xây dựng kế hoạch phát triển ngành công nghiệp của nước ta thời kỳ 2006-2010. Từ nay đến hết năm 2010, Tổng cục Thống kê tiếp tục tính chỉ tiêu GTSXCN giá CĐ dùng để đánh giá kết quả sản xuất hằng tháng và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm và thời kỳ 2006-2010, đồng thời cũng tính và công bố chỉ số IIP như một chỉ tiêu tham khảo. Từ năm 2010, Tổng cục Thống kê sẽ tính và công bố để tham khảo thêm hai chỉ tiêu mới hàng quí là “Chỉ số tiêu thụ” và “Chỉ số tồn kho” ngành công nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định sử dụng chỉ số IIP thay thế chỉ tiêu GTSXCN giá CĐ từ năm 2011 trở đi./.

Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1131
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)