Ngày 26/5/2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Họp giao ban với các bộ ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty về tình hình sản xuất, kinh doanh và đầu tư tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2009; đồng thời tập trung việc giải ngân trái phiếu Chính phủ, cũng như nguồn vốn ODA. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2009 như sau:
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ, XÃ HỘI THÁNG 5 VÀ 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2009
Với sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các giải pháp, chính sách ngăn ngừa suy giảm kinh tế đã bước đầu phát huy tác dụng, tình hình kinh tế, xã hội trong tháng 5 tiếp tục có chuyển biến tích cực. Cụ thể như sau:
1. Về kinh tế:
(1) Sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tốt
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 ước đạt 56,57 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 265,64 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,4%); trong đó: khu vực ngoài nhà nước tăng 7,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,7%.
Xét về diễn biến trong những tháng đầu năm cho thấy sản xuất công nghiệp đang có chuyển biến khá tốt. So với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp quý I tăng 3,3% (tháng 1 giảm 4,4%; tháng 2 tăng 14,9%; tháng 3 tăng 2,4%); tháng 4 tăng 5,4%; tháng 5 tăng 6,8%.
Trong 5 tháng đầu năm, một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao hơn 10% so với cùng kỳ là: dầu thô khai thác tăng 19,9%; xi măng tăng 17,4%; điều hòa nhiệt độ tăng 17,3%; thép tròn các loại tăng 13,2%; tủ lạnh, tủ đá tăng 12,5%; thuốc lá điếu tăng 10,7%; giầy, dép, ủng bằng giả da cho người lớn tăng 10,2%, ... Tuy nhiên, một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp giảm khá mạnh so với cùng kỳ gồm: xe chở khách giảm 31,4%; giấy bìa các loại giảm 28,8%; vải dệt từ sợi bông giảm 26,1%; gạch lát ceramic giảm 23,6%; quần áo người lớn giảm 19,9%; lốp ô tô, máy kéo giảm 18,9%; đường kính giảm 18,4%; phân hóa học giảm 13%; sữa bột giảm 12%, ...
Theo địa bàn sản xuất, 5 tháng đầu năm 3 trung tâm công nghiệp lớn có tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ thấp hơn mức bình quân của toàn ngành: TP.Hồ Chí Minh tăng 3,4%; TP. Hà Nội tăng 4,4%; Bình Dương tăng 5,1%. Một số địa phương giá trị sản xuất công nghiệp đạt được tốc độ tăng khá hơn mức tăng trưởng bình quân của toàn ngành, gồm: Bà Rịa Vũng Tàu tăng 10,5%; Quảng Ninh tăng 10,3%; Khánh Hòa tăng 7,2%; Đồng Nai và Cần Thơ tăng 6,9%; Hải Phòng tăng 6,7%, … Trong khi đó một số địa phương giá trị sản lượng công nghiệp giảm mạnh, như: Vĩnh Phúc giảm 14,2%;Phú Thọ giảm 11,3%; Hải Dương giảm 4,9%; Đà Nẵng giảm 4,2%; …
(2) Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định
Trong tháng 5 các địa phương phía Nam tập trung thu hoạch lúa đông xuân và xuống giống lúa hè thu. Tính đến ngày 15/5/2009 thu hoạch lúa đông xuân cả nước đạt 1,89 triệu ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó miền Nam đạt 1,84 triệu ha tăng 0,7%; miền Bắc đạt 49,2 nghìn ha, tăng 44,7%. Sản lượng lúa đông xuân ở các tỉnh phía Nam đạt 11,84 triệu tấn, tăng gần 215 nghìn tấn so với năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 9,9 triệu tấn, xấp xỉ vụ đông xuân năm trước. Diện tích lúa đông xuân ở các tỉnh phía Bắc đạt gần 1.148 nghìn ha, tăng 1,6% so với vụ đông xuân năm 2008. Các tỉnh phía Bắc đang tập trung thu hoạch vụ đông xuân, có khả năng sản lượng đạt ngang bằng vụ đông xuân năm 2008. Gieo cấy lúa hè thu ởcác tỉnh phía Nam đạt 1,3 triệu ha, xấp xỉ cùng kỳ năm trước, trong đó các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy đạt 1,2 triệu ha, tăng 0,8%.
Gieo trồng các loại cây màu lương thực đạt khoảng 945,8 nghìn ha, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước. Cây công nghiệp đạt 307,4 nghìn ha, bằng 95,1% cùng kỳ năm trước; rau đậu các loại đạt 501,2 nghìn ha, tăng 1,1%.
Về chăn nuôi: 5 tháng đầu năm 2009 phát triển ổn định và có xu hướng tăng. Trong 5 tháng đầu năm đàn bò tăng 1-2% so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn tăng 2-3%; đàn gia cầm tăng 7-8%, ...
Về lâm nghiệp: trong tháng 5/2009 thời tiết mưa nhiều thuận lợi cho việc trồng và chăm sóc rừng. Trong 5 tháng diện tích trồng rừng tập trung đạt 45,8 nghìn ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng đạt 8,6 nghìn ha, rừng sản xuất đạt 37,2 nghìn ha; diện tích khoanh nuôi, tái sinh và trồng dặm đạt 620,5 nghìn ha, bằng 122,6% kế hoạch năm; khoán bảo vệ rừng đạt 1,84 triệu ha, bằng 120,8% kế hoạch năm và bằng 88,9% so với cùng kỳ.
Về thuỷ sản: sản lượng thủy sản 5 tháng đầu năm đạt 1,74 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1,33 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ; tôm đạt 149,6 triệu tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 5 tháng đạt 748,2 nghìn tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản khai thác 5 tháng đầu năm ước đạt 988,4 nghìn tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 911,7 nghìn tấn, tăng 9%.
(3) Lĩnh vực dịch vụ
Hoạt động của thị trường trong nước khá sôi động. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụtháng 5 ước đạt khoảng 91,84 nghìn tỷ đồng, tăng gần 2% so với tháng 4/2009. Tính chung 5 tháng đầu năm đạt 452,3 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố giá tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ vẫn tăng khoảng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 đạt 292,8 nghìn lượt khách, giảm 11,1% so với tháng trước và giảm 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Namđạt 1,6 triệu lượt, giảm 18,8% so cùng kỳ.
Hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách: Khối lượng hàng hóa vận chuyển 5 tháng đầu năm ước đạt 260,6 triệu tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển ước đạt 69,7 tỷ T.Km, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Khối lượng hành khách vận chuyển 5 tháng đầu năm ước đạt 799,6 triệu hành khách, tăng 6,8%; khối lượng luân chuyển ước đạt 34,4 tỷ HK.Km, tăng 3,7% so với cùng kỳ.
Mạng lưới, dịch vụ bưu chính, viễn thông: tổng số thuê bao điện thoại phát triển mới trong 5 tháng đầu năm 2009 đạt 10,4 triệu thuê bao, nâng tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng đạt 91,8 triệu (trong đó thuê bao di động chiếm 83%).
Số thuê bao internet băng thông rộng trên cả nước tính đến cuối tháng 5/2009 ước tính đạt 2,5 triệu thuê bao, trong đó Tập đoàn Bưu chính Viễn thông đạt 1,6 triệu thuê bao. Số người sử dụng internet trên cả nước đạt 22,4 triệu người.
(4) Về xuất nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng trước, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 1,8 tỷ USD, tăng 1,3% so với tháng trước; xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 2 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước.
Trong 5 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22,86 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 12 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 8,3 tỷ USD, giảm 10,2%. Nếu loại trừ xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm thì tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 20,25 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ.
Tính đến hết tháng 5 có 6 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là: hàng dệt may đạt 3,2 tỷ USD; đá quý, kim loại quý đạt trên 2,6 tỷ USD; dầu thô đạt gần 2,6 tỷ USD; giày, dép đạt hơn 1,6 tỷ USD; gạo đạt gần 1,5 tỷ USD; thủy sản đạt gần 1,4 tỷ USD.
Một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị và sản lượng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2008 gồm: đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 33,4 lần về kim ngạch; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 129,6%; gạo tăng 43,3% về lượng và 20,2% về kim ngạch; chè tăng 17,5% về lượng và 13,4% về kim ngạch, ...
Một số sản phẩm xuất khẩu tăng khá về sản lượng nhưng kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước như: hạt tiêu tăng 43,3% về lượng, nhưng giảm 6,2% về kim ngạch; cà phê tăng 21,6% về lượng, nhưng giảm 12,1% về kim ngạch;dầu thô tăng 22,5% về lượng nhưng giảm 44% về kim ngạch; ...
Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm nhiều so với cùng kỳ là: cao su giảm 49%; dây điện và dây cáp điện giảm 41,7%; sản phẩm gốm sứ giảm 24%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm giảm 20,1%; than đá giảm 20,7%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 19,8%; sản phẩm chất dẻo giảm 13,3%; hàng giầy dép giảm 10,1%; thủy sản giảm 9,1%, ...
Kim ngạch nhập khẩu tháng 5/2009 đạt 5,9 tỷ USD, tăng 8,1% so với tháng trước, trong đó: nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với tháng trước (tháng 1/2009 giảm 47,2% so với tháng 12/2008; tháng 2 tăng 25,3% so với tháng trước; tháng 3 tăng 15%; tháng 4 tăng 6,1%).
Tính chung 5 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,5 tỷ USD, giảm 26,9%.
Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm đều giảm sút mạnh cả về lượng và kim ngạch: sắt thép giảm 45,5% về lượng và giảm 60,8% về kim ngạch; bông giảm 32,9% về lượng và giảm 41,9% về kim ngạch; xăng dầu giảm 5% về lượng và giảm 55,3% về kim ngạch; phân bón các loại giảm 0,8% về lượng và giảm 31,6% về kim ngạch,... Ngoài ra còn nhiều mặt hàng giảm về kim ngạch như: gỗ và nguyên phụ liệu gỗ giảm 44,5%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng giảm 23,9%; sản phẩm hóa chất giảm 16,2%; vải giảm 9,5%, ...
Trong 5 tháng đầu năm nhập siêu 1,1 tỷ USD, xấp xỉ bằng 5% kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm 2008 nhập siêu 13,47 tỷ USD, bằng 55,7% kim ngạch xuất khẩu). Nếu loại trừ kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý và chế phẩm từ kim loại quý, đá quý thì 5 tháng đầu năm nhập siêu là 3,7 tỷ USD, bằng 18,4% kim ngạch xuất khẩu.
(5) Về đầu tư phát triển
Chi đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nướctháng 5/2009 ước đạt 9,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 42% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2009 chi đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước khoảng 44,6 nghìn tỷ đồng, bằng 39,6% kế hoạch, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn tín dụng đầu tư phát triểntính đến hết tháng 5 năm 2009 thực hiện đạt 34 nghìn tỷ đồng, bằng 68% kế hoạch, trong đó: tín dụng đầu tư phát triển đạt 23,5 nghìn tỷ đồng, bằng 90,8% kế hoạch, gồm: tín dụng vay dài hạn đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, bằng 23,8% kế hoạch, tín dụng xuất khẩu đạt 14 nghìn tỷ đồng, bằng 140% kế hoạch; vốn ODA cho vay lại đạt 1,5 nghìn tỷ đồng; và phần vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý đạt 10,5 nghìn tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/5/2009 dư nợ cho vay hộ nghèo đạt 31,4 nghìn tỷ đồng; cho vay học sinh sinh viên đạt 13,7 nghìn tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm đạt 3,75 nghìn tỷ đồng, ...
Về vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án giao thông, thủy lợi: tính đến hết tháng 4/2009, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án giao thông, thủy lợi giải ngân đạt khoảng 3.546 tỷ đồng, bằng 18,1% kế hoạch năm 2009, trong đó: Trung ương đạt 2.604 tỷ đồng, đạt 21,6% kế hoạch; địa phương đạt 942 tỷ đồng, đạt 12,5% kế hoạch. Nếu chỉ tính thanh toán khối lượng hoàn thành 4 tháng đầu năm mới đạt 1.382 tỷ đồng, bằng 7,1% kế hoạch được giao, trong đó: Trung ương đạt 9% kế hoạch, địa phương đạt 4,1% kế hoạch.
Bộ Giao thông vận tải 4 tháng đầu năm giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ đạt 2.205 tỷ đồng, bằng 26,5% kế hoạch giao; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 399 tỷ đồng, bằng 10,7% kế hoạch giao. Mức giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ 4 tháng đầu năm 2009 khối địa phương đạt thấp, đạt 12,5% kế hoạch được giao. Một số địa phương tính đến hết tháng 4/2009 chưa giải ngân được nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho giao thông, thủy lợi, như: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Hầu hết các địa phương đến hết tháng 4 đều có mức giải ngân thấp dưới 10%, trừ: Lạng Sơn đạt 56,6%; Gia Lai đạt 50,8%; Thừa Thiên Huế đạt 48,7%, Kon Tum đạt 19,7%; …
Riêng đối với vốn trái phiếu Chính phủ thuộc ngành y tế và giáo dục, 4 tháng đầu năm 2009 vẫn tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch vốn của năm 2008. 4 tháng đầu năm 2009 khối lượng thực hiện giải ngân trái phiếu Chính phủ y tế và giáo dục đạt 484 tỷ đồng; lũy kế thực hiện đến hết tháng 4/2009 đạt 4.940 tỷ đồng, bằng 65,7% kế hoạch giao năm 2008, trong đó: ngành y tế giải ngân được 2.121 tỷ đồng, bằng 57% kế hoạch giao năm 2008; ngành giáo dục giải ngân được 2.819 tỷ đồng, bằng 74,6% kế hoạch giao năm 2008.
Thu hút vốn ODA:trong 5 tháng đầu năm 2009, ước tổng giá trị giải ngân ODA đạt khoảng 720 triệu USD, bằng 38% kế hoạch giải ngân, trong đó: vốn vay khoảng 649 triệu USD (549 triệu USD vay ưu đãi và 100 triệu USD vay thương mại), vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 71 triệu USD. Trong 5 tháng đầu năm giải ngân vốn ODA của Bộ Giao thông vận tải đạt 1.848 tỷ đồng, bằng 38% kế hoạch cam kết; Bộ Thông tin và Truyền thông đạt 70 tỷ đồng, bằng 32% kế hoạch; Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 81,3 tỷ đồng, bằng 19% kế hoạch,... TP. Hồ Chí Minh (4 tháng đầu năm) giải ngân được 1.667 tỷ đồng, bằng 78,3% kế hoạch; 5 tháng đầu năm Hà Nội giải ngân được 227,8 tỷ đồng, bằng 36% kế hoạch; Cần Thơ giải ngân được 27 tỷ đồng, bằng 10% kế hoạch; Đà Nẵng giải ngân 24,7 tỷ đồng, bằng 6,7% kế hoạch; …
Tính từ đầu năm tổng giá trị vốn ODA được ký thông qua các Hiệp định với các nhà tài trợ đạt 1.467,47 triệu USD. Trong đó, vốn vay đạt 1.448,02 triệu USD và viện trợ không hoàn lại đạt 19,45 triệu USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 5 tháng đầu năm đạt 2,8 tỷ USD, bằng 70,9% so với cùng kỳ năm 2008. Trong 5 đầu năm đã cấp mới và tăng vốn cho 296 dự án với tổng vốn là 6,68 tỷ USD, bằng 23,7% so với cùng kỳ; trong đó vốn đầu tư đăng ký mới là 2,7 tỷ USD, bằng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, vốn tăng thêm là 3,96 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước.Trong 5 tháng đầu năm, Mỹ tiếp tục là nhà đầu tư có số vốn đăng ký lớn nhất ở nước ta, với 9 dự án mới, tổng vốn đăng ký 53,5 triệu USD và 3,8 tỷ USD vốn đăng ký tăng thêm. Đứng thứ hai là Hàn Quốc với 59 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký 1 tỷ USD. Xét theo vốn đăng ký mới, Hàn Quốc là đối tác có số vốn đăng ký mới lớn nhất trong 5 tháng đầu 2009. Tiếp theo là các đối tác như: Hồng Kông, Singapore và Đài Loan với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 540 triệu USD, 539 triệu USD và 306 triệu USD.
(6) Thu chi ngân sách nhà nước, tiền tệ và giá cả
Thu ngân sách nhà nước: tháng 5 ước đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, ước đạt 157,6 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% dự toán năm, xấp xỉ số thu cùng kỳ năm trước; trong đó thu nội địa đạt 96,9 nghìn tỷ đồng, bằng 41,4% dự toán năm, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước, thu từ dầu thô đạt 21,1 nghìn tỷ đồng, bằng 33% dự toán, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 37,7 nghìn tỷ đồng, bằng 42,7% dự toán.
Chi ngân sách nhà nước: tháng 5 ước đạt 35,9 nghìn tỷ đồng. Tính chung 5 tháng, tổng chi ngân sách đạt 179,2 nghìn tỷ đồng, bằng 36,5% dự toán năm (cùng kỳ đạt 37%), tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 44,6 nghìn tỷ đồng, bằng 39,6% dự toán năm, chi sự nghiệp kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh đạt 110,8 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán, chi trả nợ và viện trợ đạt 23,8 nghìn tỷ đồng, bằng 40,5% dự toán năm.
Tiền tệ, tín dụng:Tổng phương tiện thanh toán (M2) đến 31/5/2009 ước đạt 1.834 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cuối năm 2008. Tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng ước đạt 306 nghìn tỷ đồng giảm 0,11% so với tháng trước và tăng 19,3% so với cuối năm 2008.
Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 5/2009 ước đạt 1.528 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2008: trong đó, huy động vốn VND ước đạt 1.197 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4%. Tiền gửi của dân cư bằng VND ước đến cuối tháng 5/2009 đạt 630,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 19,9% so với cuối năm 2008. Huy động vốn bằng ngoại tệ ước đạt 330,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cuối năm 2008.
Tổng đầu tư cho nền kinh tế đến 31/5/2009 ước đạt 1.537.900 tỷ đồng, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cuối năm 2008, trong đó tín dụng đối với nền kinh tế ước 1.465,2 nghìn tỷ đồng tăng 14,9% so với cuối năm 2008. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế bằng VND ước đạt 1.213,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% so với cuối năm 2008. Đầu tư cho nền kinh tế bằng ngoại tệ ước đạt 251,7 nghìn tỷ đồng, giảm 6,3% so với cuối năm 2008, trong đó dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế bằng ngoại tệ ước đạt 251,6 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cuối năm 2008.
Chỉ số giá tiêu dùngtháng 5 năm 2009 tăng 0,44% so với tháng trước và tăng 2,12% so với tháng 12/2008 (cùng kỳ năm trước tăng 15,96%).
So với tháng 4/2009, nhóm phương tiện đi lại và bưu điện có mức giá tăng mạnh nhất là 1,8%. Nhóm hàng này có mức giá tăng mạnh trong tháng 5 so với tháng 4/2009 là do chịu tác động trực tiếp từ những đợt tăng giá xăng dầu trong tháng 5 và áp dụng giá bưu cước tăng từ ngày 1/5/2009. Tiếp đó là nhóm đồ dùng và các dịch vụ khác tăng 1,44%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,97%; nhóm hàng ăn và dịch vụ đồ uống tăng nhẹ 0,18%, trong đó lương thực giảm 0,37%. Các nhóm hàng có mức tăng giá thấp nhất trong tháng là nhóm văn hóa, thể thao và giải trí, tăng 0,03%; nhóm hàng giáo dục cũng chỉ tăng 0,04%.Các nhóm hàng còn lại tăng khoảng 0,18% - 0,51%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 năm 2009 so với cùng kỳ năm trước tăng 5,58% (cùng kỳ năm trước là 19,09%). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2009 tăng 11,59% so với 5 tháng đầu năm 2008.
So với tháng 4/2009, giá vàng tăng 0,61%; giá USD tăng 1,25%. So với tháng 12/2008 giá vàng tăng 17,88%; giá USD tăng 5,18%.
2. Lĩnh vực xã hội:
Ngành giáo dục đào tạo:trong tháng 5/2009 ngành giáo dục đào tạo tổ chức tốt các kỳ thi kết thúc năm học 2008-2009 ở các cấp; đồng thời tích cực chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học năm học 2008-2009 và tuyển sinh đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp năm học 2009-2010. Ngành giáo dục và đào tạo đang nỗ lực để đảm bảo các kỳ thi được thực hiện nghiêm túc, khách quan, công bằng, đánh giá đúng chất lượng giáo dục.
Về lao động, việc làm: trong tháng 5, nhu cầu tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp có xu hướng tăng lên. Trong tháng 5 đã tạo việc làm cho khoảng 120 nghìn lượt người, tương đương cùng kỳ năm 2008; trong đó xuất khẩu lao động đạt 4 nghìn người, bằng 61,5% so cùng kỳ năm 2008. 5 tháng đầu năm 2009, tổng số lượt lao động được giải quyết việc làm ước đạt 546,6 nghìn người, bằng 84,1% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 3 vạn người, bằng 83,3% so với cùng kỳ năm 2008.
Chăm sóc sức khỏe nhân dân:tính đến ngày 01/6/2009, nước ta đã phát hiện 03 trường hợp mắc cúm A (H1N1), đều trở về từ Mỹ. Từ 20/4/2009 đến 20/5/2009 cả nước có 3,4 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét; 4,9 nghìn người mắc bệnh sốt xuất huyết; 414 trường hợp mắc bệnh viên gan vi rút,... Tình hình dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả diễn biến phức tạp, từ 20/4 đến 20/5/2009 cả nước có 701 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy cấp, trong đó có 56 trường hợp tiêu chảy dương tính với phẩy khuẩn tả. Tính chung 5 tháng đầu năm 2009 cả nước có 16 nghìn trường hợp mắc sốt rét; 16,6 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 28 vụ ngộ độc thức ăn với 1,9 nghìn trường hợp bị ngộ độc.
Về văn hóa: trong tháng 5, ngành văn hóa tập trung vào các hoạt động kỷ niệm về ngày sinh nhật Bác Hồ; kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 50 năm Đường Trường Sơn huyền thoại; Gặp mặt Chiến sĩ năm xưa; giao lưu “Tự hào Điện biên Báo chí”.
Tình hình tai nạn giao thông giảm cả về số người chết và bị thương so với cùng kỳ. Trong tháng 4/2009, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 971 vụ tai nạn giao thông, làm chết 915 người và làm bị thương 600 người. So với tháng 3/2009, số vụ tai nạn giao thông giảm 8%, số người chết giảm 7,5% và số người bị thương giảm 12%. So với cùng kỳ năm 2008, số vụ tai nạn giao thông giảm 9,7%, số người chết giảm 4,8% và số người bị thương giảm 15,3%. Riêng trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 01/5 (từ 29/4 đến 03/5/2009), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 160 vụ tai nạn giao thông, làm chết 163 người và làm bị thương 139 người. Tính chung 4 tháng đầu năm 2009, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 4.188 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.947 người và làm bị thương 2.706 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 3,6%, số người chết giảm 1,8% và số người bị thương giảm 1,6%.
Đánh giá chung, trong 5 tháng tình hình kinh tế xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực;sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng lên liên tục trong 4 tháng qua;tiêu thụ hàng hóa tiếp tục tăng cao; kim ngạch xuất khẩu tăng so với tháng trước. Xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực có xu hướng tăng trở lại;an ninh xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả khả quan nêu trên, kinh tế nước ta vẫnđang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức: sản xuất công nghiệp, xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn;giải ngân các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, FDI, ... đạt thấp;các dịch bệnh nguy hiểm, như: tiêu chảy cấp, cúm A (H1N1), ... đang diễn biến phức tạp.
II.TÌNH HÌNH KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ DỰ BÁO CÁC TÁC ĐỘNG ĐẾN NƯỚC TA
1. Tình hình kinh tế thế giới
Trong tháng 5 hầu hết các báo cáo của các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước đều đánh giá lạc quan về tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ và một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, ...
Kinh tế Mỹ: Có nhiều ý kiến cho rằng suy thoái của nền kinh tế Mỹ đã chạm đáy và khả năng suy thoái sẽ chấm dứt trong mùa hè này. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ quý I/2009 âm 5,7% so với dự báo ban đầu là âm 6,1%. Chỉ số lòng tin người tiêu dùng Mỹ tháng 4/2009 cũng tăng hơn 12 điểm lên mức 39,2 điểm. Số lượng đơn xin thất nghiệp lần đầu rơi xuống mức thấp nhất trong 14 tuần, đây là dấu hiệu cho thấy việc sa thải lao động hàng loạt có thể đã qua thời kỳ đỉnh cao.Tình hình lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ cũng có phần lạc quan hơn. Tuy nhiên, các công ty nhóm ngành tài chính công bố lợi nhuận cao vượt dự báo trước đây.
Kinh tế của một số quốc gia châu Á được đánh giá có tốc độ phát triển ngoài sự mong đợi. Trong quý I/2009, GDP của Trung Quốc tăng 6,1% so với mức 6,8% trong quý 4/2008, GDP của Ấn Độ tăng 5,8% (dự báo ban đầu chỉ tăng khoảng 5,3%).
Trong Quý I tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật âm 16,1% (Quý 4/2008 âm 12,1%); Singapore âm 11,5%. Tuy nhiên, trong tháng 4/2009 giá trị sản xuất công nghiệp của Nhật so với tháng 3 đã tăng trở lại ở mức 5,2%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 1953 trở lại đây. Đồng thời thặng dư thương mại đã trở lại trong tháng 4 ở mức 69 nghìn tỷ yên. Xuất khẩu tháng 4 của Nhật mặc dù vẫn giảm 39,1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với các tháng 3 đã vượt qua mức sụt giảm nghiêm trọng là 45,6% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù, sản xuất công nghiệp tăng lên, xuất khẩu đã tăng trở lại trong tháng 4, nhưng vẫn không đủ mạnh để tác động tới việc giải quyết việc làm và tiêu dùng ở Nhật. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng lên, trong tháng 4/2009 là 5% so với tháng 3/2009 là 4,8%.
Kinh tế châu Âu quý I/2009 giảm sút mạnh nhất trong 13 năm qua. Tốc độ tăng GDP của 16 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu quý I/2009 là âm 2,5% (dự báo trước đó là âm 2%), mức thấp nhất từ năm 1995 đến nay. Trong đó, GDP của Đức âm 3,8%, Pháp âm 1,2%, Ý âm 2,4%, Tây Ban Nha âm 1,8%. Tuy nhiên, tính chung 16 nước sử dụng đồng tiền chung Châu Âu trong tháng 3/2009 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cao hơn nhập khẩu. Trong tháng 3 khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu có thặng dư thương mại là 400 triệu USD (so với dự báo trước đó là thâm hụt thương mại 300 triệu USD), đây là mức thặng dư đầu tiên kể từ tháng 6/2008 đến nay (tháng 6/2008 có mức thặng dư thương mại là 20 triệu USD).
Kinh tế các nước: Nga và các nước Đông Âu cũng đang gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng GDP quý I của Nga là âm 7%; Rumani âm 2,6%, Cộng hòa Séc âm 3,4%.
2. Dự báo tác động kinh tế thế giới và những khó khăn ở trong nước đến việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội
Trên cơ sở tình hình kinh tế thế giới và tình hình kinh tế trong nước 5 tháng đầu năm, dự báo tác động đến kinh tế trong nước trong thời gian tới như sau:
(1) Về sản xuất nông nghiệp: tính đến nay tình hình sản xuất nông nghiệp phát triển khá thuận lợi. Nhưng trong tháng 5 dịch bệnh rầy nâu và rầy lưng trắng đã xuất hiện trở lại gây nhiễm bệnh trên lúa ở miền Bắc trên 100 nghìn ha, trong đó nhiễm nặng trên 10 nghìn ha; ngoài dịch bệnh trên lúa như đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, bệnh khô vằn, rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn đã gây bệnh cho lúa cả ở 2 miền. Ngoài ra, tình hình thời tiết, khí hậu từ nay đến cuối năm có thể còn diễn biến phức tạp, mưa, bão, lũ lụt có thể còn tiếp tục xảy ra; cần có những biện pháp để chủ động phòng chống có hiệu quả, bảo đảm sản xuất phát triển và ổn định đời sống nông dân.
(2) Về sản xuất công nghiệp: đã có dấu hiệu theo xu hướng phục hồi, tăng trưởng liên tục trong 4 tháng qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của từng tháng và 5 tháng đầu năm thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước (Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 5 tháng đầu năm 2009 là 4%, cùng kỳ năm trước là 16,4%). Tình hình đó đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chính sách để hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển.
(3) Về xuất khẩu và cân đối ngoại tệ: kim ngạch xuất khẩu tháng 5 có dấu hiệu tăng lên so với tháng 4/2009, nhưng kim ngạch nhập khẩu tháng 5 cũng đạt mức cao nhất so với 4 tháng trước. Nhập siêu 5 tháng bằng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng nếu loại trừ xuất khẩu vàng, đá quý và chế phẩm thì nhập siêu lên tới 18,4% kim ngạch xuất khẩu. Từ nay đến cuối năm khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhu cầu nhập khẩu nhất là vật tư, thiết bị cho đầu tư và sản xuất hàng xuất khẩu sẽ tăng trở lại, trong khi xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa tăng nhiều, thì vấn đề cân đối ngoại tệ trong các tháng tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
(4) Về thu ngân sách nhà nước: trong 5 tháng đầu năm, để kích cầu sản xuất và tiêu dùng, Chính phủ đã áp dụng nhiều chính sách miễn, giảm, giãn, thuế; giá dầu thô xuất khẩu cũng giảm mạnh, nhưng thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2009 vẫn đạt xấp xỉ cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước tháng sau tăng cao hơn tháng trước. Đến nay, tình hình giá dầu thô của thế giới cũng đang có dấu hiệu tăng trở lại nhờ các dấu hiệu phục hồi của kinh tế Mỹ. Giá dầu thô giao trong tháng 7 đạt trên 66 USD/thùng. Theo dự báo của Lãnh đạo tổ chức OPEC giá dầu thô cuối năm 2009 sẽ đạt mức 75 USD/thùng. Với mức giá dầu thô nêu trên, cùng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo thu đúng, thu đủ các khoản thuế, dự kiến số hụt thu ngân sách nhà nước sẽ giảm so với dự kiến trước đây.
(5) Về chỉ số giá tiêu dùng: với việc thực hiện các gói kích cầu của các nước, khi kinh tế thế giới bắt đầu có xu hướng phục hồi, nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ tăng trở lại, ảnh hưởng đến tổng cầu có khả năng thanh toán và giá cả có thể tăng lên. Cùng với những áp lực từ giá cả thế giới, những yếu tố kích thích kinh tế, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, điều chỉnh lương, điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu;... cũng sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá trong nước; cần có các biện pháp chủ động ngăn ngừa tái lạm phát trở lại.
(6) Về giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ: Việc giải ngân các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong 5 tháng đầu năm chậm so với kế hoạch đề ra. Phần vốn trái phiếu Chính phủ chuyển nguồn từ năm 2008 sang năm 2009 khó có khả năng hoàn thành trong tháng 6/2009. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2009 cho giao thông và thủy lợi tính đến hết tháng 4/2009 mớigiải ngân được khoảng 18,1% kế hoạch, trong đó thanh toán khối lượng hoàn thành 7,1% kế hoạch; vốn trái phiếu Chính phủ cho giáo dục và y tế hiện nay đang thực hiện của năm 2008, số kế hoạch giao năm 2009 hiện chưa giải ngân được.
III. CÁC GIẢI PHÁP CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO TRONG THỜI GIAN TỚI
Tình hình kinh tế thế giới mặc dù đã có dấu hiệu chuyển biến, nhưng còn rất nhiều khó khăn và có nhiều diễn biến khó lường; những khó khăn của nền kinh tế trong nước, thiên tai, dịch bệnh trong thời tới. Trước tình hình đó, trong chỉ đạo điều hành của các ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ về điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến cuối năm tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể sau đây:
(1) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chế độ đã ban hành, trước hết là các chính sách ngăn chặn suy giảm kinh tế như: kích cầu đầu tư và tiêu dùng, hỗ trợ xuất khẩu, chính sách tài chính, tiền tệ, giải quyết việc làm cho người lao động,... Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, đúng mục đích của các chính sách đã ban hành.
(2) Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để thúc đẩy xuất khẩu; tăng cường kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu. Tổ chức tốt thị trường nội địa để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng trong nước, góp phần tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
(3) Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục vay vốn kích cầu bao gồm: cho vay vốn lao động, vốn đầu tư phát triển, các thủ tục về hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, ...
(4) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng nhà nước, ODA, FDI.
(5) Tích cực triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn và giảm bớt dịch bệnh hại lúa, cây trồng và vật nuôi. Tăng cường công tác phòng, chống lụt bão trong mùa hè tới. Chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch ứng phó với tình hình thiên tai có thể xảy ra.
(6)Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh nhất là những dịch bệnh nguy hiểm, như: tiêu chảy cấp, cúm A/H1N1, ... Chú trọng công tác thông tin tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; khuyến cáo người dân người dân chủ động đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị kịp thời khi có các biểu hiện các bệnh dịch nguy hiểm./.
File đính kèm: CP T5-2009(2-6-09).pdf
Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Bộ Kế hoạch và Đầu tư