Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/06/2009-15:25:00 PM
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2009
(Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị Tư vấn giữa kỳ các nhà tài trợ ngày 8-9/6/2009 tại Đắc Lắc)
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2008
Năm 2008, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp tới đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam. Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; đồng thời đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp chính sách, nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; ... Dưới đây là những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế trong năm 2008:
1. Về kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô
Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp như: thắt chặt tiền tệ, tín dụng, điều chỉnh cơ chế lãi suất, tỷ giá; tiết kiệm chi tiêu ngân sách, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư và cắt giảm các dự án đầu tư kém hiệu quả; giảm thuế; tăng cường quản lý nhập khẩu; quản lý thị trường giá cả;… Nhờ đó tình hình thị trường và giá cả đã đi dần vào thế ổn định. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bắt đầu tăng chậm lại từ tháng 6 và liên tục giảm trong các tháng quý IV, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2008 so với tháng 12/2007 tăng 19,89%.
Thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch bảo đảm nhu cầu chi phát triển và an sinh xã hội. Năm 2008, tổng thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch 29%, tổng chi ngân sách nhà nước vượt 24% kế hoạch. Bội chi NSNN bằng 4,95% GDP và giảm 700 tỷ đồng so với kế hoạch. Dư nợ Chính phủ và dư nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Tốc độ tăng trưởng tiền tệ, tín dụng được kiềm chế, chỉ bằng 1/2 tốc độ tăng của năm trước. Cán cân thanh toán quốc tế ổn định, bảo đảm cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu trong năm 2008.
(2) Duy trì tăng trưởng kinh tế và huy động vốn cho đầu tư phát triển
Tổng sản phẩm trong nước năm 2008 tăng khoảng 6,2%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,1% (công nghiệp tăng 8%, ngành xây dựng giảm 0,4%); khu vực dịch vụ tăng 7,2%. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2008 không đạt kế hoạch đã đề ra, nhưng cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 29,1% so với năm trước, nhập khẩu tăng 28,6%. Thu hút được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới, nhưng nguồn vốn ODA cam kết trong năm 2009 không những không giảm mà còn tăng lên, đạt gần 6 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Vốn FDI cũng đạt mức kỷ lục với tổng vốn đăng ký trên 64 tỷ USD và vốn thực hiện 11,5 tỷ USD.
(3) An sinh xã hội đặc biệt được chú trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân
Trong năm 2008 do tình hình giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của dân cư, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo. Trước tình hình đó Chính phủ đã đặc biệt quan tâm tới việc bảo đảm an sinh xã hội, qua việc thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các địa phương và người dân bị thiệt hại do lũ lụt, cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, đối tượng có thu nhập thấp; thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, người bị mất việc làm,… Nhờ đó đã góp phần giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống 12,1-12,5%, đạt xấp xỉ kế hoạch đề ra là 11-12%. Năm 2008 đã tạo ra trên 1,6 triệu việc làm, trong đó 8,7 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài (vượt 2 nghìn người so với kế hoạch đề ra). Số lượng tuyển mới cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 43% so với năm 2007. Công tác y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân và các lĩnh vực xã hội khác có chuyển biến và đạt được nhiều kết quả.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nói trên, trong năm 2008, nhất là những tháng cuối năm, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và khó lường. Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, làm cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu giảm sút, ảnh hưởng đến việc làm và đời sống nhân dân. Tốc độ tăng GDP cả năm chỉ đạt 6,2%, thấp hơn mục tiêu kế hoạch đã điều chỉnh là 7% và cũng thấp hơn so với các năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng mặc dù đã giảm liên tục trong những tháng cuối năm nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các năm trước. Thị trường chứng khoán chưa ổn định, chỉ số giá chứng khoán giảm xuống mức thấp. Cán cân thương mại và cán cân vãng lai còn bị thâm hụt khá lớn. Công tác giải quyết việc làm và đời sống nhân dân, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, người có thu nhập thấp và vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Tình trạng tái nghèo ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc có chiều hướng gia tăng. Vấn đề ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề rất bức xúc;...
II. DỰ BÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ, XÃ HỘI CẢ NĂM 2009
1. Tình hình kinh tế, xã hội 5 tháng đầu năm 2009
Bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn thách thức hơn các năm trước. Trước tình hình đó, ngay trong tháng 12/2008, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội với 5 nhóm giải pháp chủ yếu: (1) Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; (2) Thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng; (3) Chính sách tài chính và tiền tệ; (4) Bảo đảm an sinh xã hội; (5) Tăng cường công tác điều hành, tổ chức thực hiện chính sách.
Đồng thời, trong các tháng đầu năm Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành các quyết định tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và ngăn chặn suy giảm kinh tế, như: thực hiện một số giải pháp về thuế nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế; ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại; hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất-kinh doanh; hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn,
Về thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; chỉ đạo hướng dẫn các địa phương lập đề án triển khai thực hiện. Thực hiện hỗ trợ người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán, trợ giá, trợ cước, xuất cấp gạo cứu đói, sửa chữa nhà ở cho các địa phương bị thiên tai, phòng trừ dịch bệnh, hỗ trợ tiền giống lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm, thủy sản; hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế;…
Với các giải pháp, chính sách nêu trên, Chính phủ Việt Nam đã triển khai thực hiện gói kích cầu với quy mô khoảng trên 8 tỷ USD nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội.
Nhờ việc thực hiện các giải pháp, chính sách nêu trên, kinh tế Việt Nam mặc dù đang rất khó khăn, nhưng bắt đầu có chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Cụ thể:
(1) Nền kinh tế vẫn có tăng trưởng nhưng tốc độ tăng thấp hơn quý I năm 2008. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP)quý Ichỉ đạt 3,1%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước là 7,49%. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế toàn cầu đang suy thoái, nhiều nước tăng trưởng âm, thì với mức tăng trưởng như trên cũng là kết quả bước đầu của việc thực hiện các chính sách ngăn chặn suy giảm kinh tế.
(2) Sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp nhưng đang có xu hướng phục hồi.So với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1 giảm 4,4%; sang tháng 2 tăng 14,9%; tháng 3 tăng 2,4%; tháng 4 tăng 5,4%; tháng 5 tăng 6,8%.
(3) Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định. Trong 5 tháng đầu năm, nhìn chung, tình hình sản xuất nông nghiệp phát triển khá tốt. Sản lượng lúa đông xuân ở Đồng bằng Sông Cửu long đạt mức kỷ lục của năm trước.
(4) Khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất so với nông nghiệp và công nghiệp, thể hiện rõ nét nhất trong hoạt động thương mại dịch vụ nội địa. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ5 tháng đầu năm tăng 21,5% so với cùng kỳ 2008. Nếu loại trừ yếu tố giá cũng còn tăng 8,4%.
(5) Về xuất, nhập khẩu
Hoạt động xuất khẩu bắt đầu có chuyển biến. Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 2,8% so với tháng 4/2009. Tuy nhiên, lũy kế 5 tháng kim ngạch xuất khẩu giảm 6,8% so với cùng kỳ, trong đó: kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 8,3 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2008.
Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2009 đạt gần 24 tỷ USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó: nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,48 tỷ USD, giảm 26,9%.
Nhập siêu 5 tháng đầu năm khoảng 1,1 tỷ USD, bằng 4,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước.
(6) Về thu, chi NSNN
Thu ngân sách nhà nước, tính đến ngày 15/5 ước đạt 138,6 nghìn tỷ đồng, bằng 31,8% dự toán năm, thấp hơn so với tiến độ thu cùng kỳ năm trước (cùng kỳ đạt 46,1% dự toán năm); trong đó thu nội địa đạt gần 86,4 nghìn tỷ đồng, bằng 33,3% dự toán năm, thu từ dầu thô đạt 18,5 nghìn tỷ đồng, bằng 26% dự toán, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt gần 32 nghìn tỷ đồng, bằng 32,1% dự toán.
Chi ngân sách nhà nước, tính đến ngày 15/5 đạt hơn 156,2 nghìn tỷ đồng, bằng 28,2% dự toán năm (cùng kỳ đạt 37%), trong đó chi đầu tư phát triển đạt 38,2 nghìn tỷ đồng, bằng 29,5% dự toán năm, chi sự nghiệp kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh đạt 97,2 nghìn tỷ đồng, bằng 32,1% dự toán, chi trả nợ và viện trợ đạt gần 21 nghìn tỷ đồng, bằng 32,2% dự toán năm.
(7) Về giá cả
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2009 so với tháng 12/2008 tăng 2,12% (cùng kỳ tăng 15,96%). Chỉ số giá 5 tháng năm 2009 so với cùng kỳ năm 2008 tăng 11,59%.
(8) Đầu tư phát triển
Thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2009 ước đạtkhoảng 37,4 nghìn tỷ đồng, bằng 33,2% kế hoạch.
Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quản lý tính đến hết tháng 5 năm 2009 ước đạt 22 nghìn tỷ đồng, bằng 48% kế hoạch năm.
Thu hút vốn ODA:trong 5 tháng đầu năm 2009, ước tổng giá trị giải ngân ODA đạt khoảng 720 triệu USD, đạt 38% kế hoạch, trong đó: vốn vay khoảng 649 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 71 triệu USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 5 tháng đầu năm đạt 2,8 tỷ USD, bằng 70,9% so với cùng kỳ năm 2008. Trong 5 tháng đầu năm đã cấp mới và tăng vốn cho 296 dự án với tổng vốn là 6,68 tỷ USD, bằng 23,7% so với cùng kỳ; trong đó vốn đầu tư đăng ký mới bằng 10,8% so với cùng kỳ, vốn tăng thêm tăng 27,8% so với cùng kỳ.
(9) Các lĩnh vực xã hội
Do ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh và những tác động của suy giảm kinh tế, sản xuất bị thu hẹp, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống nhân dân. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, các đối tượng chính sách và những người bị mất việc làm do suy giảm kinh tế,... để giảm bớt khó khăn cho người dân và thúc đẩy phát triển sản xuất. Về giải quyết việc làm, trong tháng 5 nhu cầu tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp có xu hướng phục hồi, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tuyển được lao động, do tay nghề thấp; đặc biệt thiếu nhiều lao động có chuyên môn kỹ thuật cao, hoặc nhiều chỗ làm việc với mức lương thấp, rất khó tuyển người. Trong 5 tháng đầu năm 2009, tổng số lượt lao động được giải quyết việc làm ước đạt 546,6 nghìn người, bằng 84,1% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 30 nghìn người, bằng 83,3% so với cùng kỳ năm 2008. Về chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong 5 tháng đầu năm tình hình dịch bệnh diễn biến tương đối phức tạp, nhiều bệnh dịch mới xuất hiện. An toàn vệ sinh thực phẩm vẫn đang là những vấn đề bức xúc, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra trong 5 tháng đầu năm.
2. Dự báo khả năng hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009
Trên cơ sở dự báo các diễn biến kinh tế thế giới và xu hướng phục hồi của nền kinh tế trong nước, dự báo khả năng hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2009 như sau:
(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2009:Căn cứ vào tình hình kinh tế thế giới, tình hình kinh tế-xã hội quý I và tác động tích cực của gói kích cầu trong các tháng tới, dự báo tốc độ tăng trưởng cả năm 2009 có thể đạt mức khoảng 5%, trong đó khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng khoảng 2-2,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 3,5-5%; khu vực dịch vụ tăng khoảng 7,5-7,7%. Ngoài ra, nếu kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn so với dự báo hiện nay, có thể phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn mức dự báo nói trên.
2) Về sản xuất công nghiệp và xây dựng: Dự báo cả năm 2009 tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp có thể đạt khoảng 1,7-3,3%. Riêng ngành xây dựng có dấu hiệu thuận lợi hơn, tình hình thị trường bất động sản bất đầu có dấu hiệu “tan băng”, cùng với các động thái giảm giá vật liệu xây dựng, Chính phủ bổ sung thêm nhiều nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư, dự báo ngành xây dựng có thể từng bước thoát ra khỏi tình trạng trì trệ hiện nay, dự báo cả năm tăng khoảng 10-10,5%.
Tính chung lại, giá trị gia tăng ngành công nghiệp và xây dựng năm 2009 dự báo tăng khoảng 3,5-5%.
(3) Sản xuất nông nghiệp: dự báo giá trị gia tăng cả năm 2009 trong ngành nông, lâm, thủy sản có thể tăng khoảng 2-2,8%.
(4) Khu vực dịch vụ, dự báo cả năm 2009 tốc độ tăng giá trị gia tăng khu vực dịch vụ có thể đạt khoảng 7,5-7,7%.
(5) Về xuất khẩu sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Xét trong quan hệ cạnh tranh với hàng hóa xuất khẩu trên thị trường thế giới, ở hầu hết các nước, kim ngạch xuất khẩu đều giảm sút, cho nên dẫn đến hầu hết các quốc gia đều thực hiện các chính sách khuyến khích và bảo hộ xuất khẩu, nhất là những nước trong khu vực xuất khẩu các mặt hàng tương tự như Việt Nam và bảo hộ mậu dịch, kể cả ở một số nước lớn, cũng làm cho khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn lớn. Với các yếu tố trên và kết quả xuất khẩu quý I, dự báo tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt khoảng 3-5% so với năm 2008.
Dự báo nhập khẩu năm 2009 có thể thấp hơn khoảng 18,2-26,9% so với các năm trước. 4 tháng đầu năm đều có xuất siêu, nhưng chủ yếu là do sự gia tăng đột biến của xuất khẩu vàng, đá quý và các chế phẩm từ kim loại quý, đá quý (chủ yếu là tái xuất khẩu vàng). Nếu loại trừ xuất khẩu vàng, đá quý và các chế phẩm, thì 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu giảm 13,4% so với cùng kỳ và vẫn ở tình trạng nhập siêu trên 1,7 tỷ USD bằng khoảng 10,8% kim ngạch xuất khẩu. Trong 5 tháng đầu năm nhập siêu ở mức 1,1 tỷ USD, bằng gần 5% kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ nhập siêu 13,47 tỷ USD, bằng 55,7% kim ngạch xuất khẩu). Trong các tháng tới khi các biện pháp hỗ trợ sản xuất phát huy tác dụng, nhu cầu nhập khẩu có thể tăng lên.
(6) Về cân đối ngoại tệ: Năm 2008 cán cân thanh toán tổng thể thặng dư ở mức thấp hơn nhiều so với các năm trước. Trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu nhập khẩu có thể vẫn gia tăng do yếu tố phục hồi sản xuất, giải ngân các dự án sử dụng vốn FDI thấp; lượng kiều hối ở nước ngoài chuyển về giảm do thu nhập giảm,... sẽ ảnh hưởng đến cân đối ngoại tệ của nền kinh tế.
(7) Nguồn thu ngân sách nhà nước sẽ giảm mạnh so với dự toán Quốc hội đã thông qua do giá dầu thô giảm, kinh tế tăng trưởng thấp hơn kế hoạch, miễn giảm thuế, kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm sút,... Theo các phương án tính toán sơ bộ dự kiến mức bội chi NSNN sẽ tăng lên khoảng 6-8%.
(8) Về đầu tư phát triển: tình hình suy giảm kinh tế, những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hiệu quả đầu tư kinh doanh giảm sút ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động đầu tư phát triển. Xu hướng giảm đầu tư ở tất cả các khu vực, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Với các giải pháp huy động vốn bổ sung nêu trên, dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội có khả năng đạt và vượt kế hoạch đề ra là 39,5% GDP.
(9) Về giá cả và lạm phát. Chỉ số giá 5 tháng đầu năm tăng 2,12% so với tháng 12/2008, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm trước là 15,96%. Tuy nhiên, với việc thực hiện các chính sách kích cầu đầu tư và tiêu dùng và những ảnh hưởng của biến động kinh tế thế giới sau khi Chính phủ các nước đã chi ra các khoản tài chính khổng lồ để kích thích nền kinh tế,... có thể ảnh hưởng đến giá cả trong nước. Vì vậy, cần thiết phải có biện pháp đề phòng những tác động tăng giá thế giới và biến động giá, lạm phát ở trong nước. Dự báo chỉ số giá tiêu dùng năm 2009 có thể tăng dưới 10%.
III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH TRONG THỜI GIAN TỚI
Với những diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước trong 5 tháng đầu năm, để thực hiện được các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển năm 2009 phải có sự nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp. Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam từ nay đến cuối năm là: “Tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; trong đó mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế”.
Để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu nêu trên, cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các giải pháp, chính sách đã được ban hành, trong đó, tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp cấp bách đã được đề ra trong Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP, với các giải pháp cụ thể được bổ sung thêm trong từng nhóm giải pháp như sau:
1. Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu
Đối với sản xuất nông nghiệp, phải chỉ đạo quyết liệt, sát sao, bảo đảm đủ nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu; không để dịch bệnh lây lan cả đối với cây trồng và vật nuôi. Khắc phục tình trạng “được mùa, giá rớt” và tồn đọng lương thực, nông sản như thời gian vừa qua. Cung cấp đủ giống có chất lượng cao cho người nông dân đảm bảo mùa vụ. Cho nông dân vay vốn ưu đãi để trang bị máy nông nghiệp, vật liệu làm nhà, mua trả góp một số hàng tiêu dùng có giá trị như: xe máy, ti vi,... Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp mua tạm trữ nông sản hàng hóa có giá trị khi giá thị trường xuống thấp. Thông qua các giải pháp này, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và tạo nhu cầu, mở rộng thị trường ở nông thôn.
Về sản xuất công nghiệp và xây dựng: phải rà soát để tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục có liên quan đến đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, thủ tục nộp thuế, nghiên cứu xem xét lại việc áp dụng giá điện cao điểm buổi sáng.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại cả trong nước và ngoài nước; trong đó chú trọng phát triển thị trường nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp để chống buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.
2. Thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng
Đi đôi với việc thực hiện các biện pháp chính sách tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư kinh doanh; sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến đầu tư, trước hết là trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi một số điều của các luật liên quan đến đầu tư và xây dựng, cần phải thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
(1) Tập trung thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốnNSNN, trái phiếu Chính phủ, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn tín dụng đầu tư, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, nhất là đối với các công trình dự án quy mô lớn, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
(2) Đối với các khoản vốn đầu tư thuộc NSNN của các bộ, ngành ở Trung ương, các khoản vốn bổ sung có mục tiêu cho các địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ đến tháng 8 chưa triển khai hoặc không thể giải ngân hết kế hoạch năm 2009 thì phải điều chuyển giữa các bộ, ngành, giữa các địa phương.
(3) Nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, nhất là trong việc hội họp, đi nước ngoài, tổ chức lễ hội, mua sắm,…
(4) Khai thác tối đa nguồn vốn ODA để bổ sung tăng thêm vốn cho đầu tư phát triển.Đi đôi với việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và giải ngân theo các hiệp định, dự án hiện có, phải đẩy mạnh huy động các khoản vay ODA với mức độ ưu đãi thấp hơn của các tổ chức tài chính quốc tế.
(5) Bổ sung thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục (bao gồm xây dựng nhà ở cho sinh viên).
3. Về các giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ
Về chính sách tài chính và ngân sách nhà nước: tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách giãn, miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ. Thực hiện tốt các chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Đồng thời phấn đấu hoàn thành dự toán NSNN đã được Quốc hội thông qua.
Về chính sách tiền tệ và tín dụng: đồng thời với việc tiếp tục thực hiện các biện pháp điều hành linh hoạt để ổn định tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, cần nghiên cứu giảm lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu thích hợp để định hướng giảm mặt bằng lãi suất tín dụng trên thị trường. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho các đối tượng vay vốn tín dụng để đầu tư với thời hạn 2 năm; lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và tín dụng chính sách xã hội. Giảm các điều kiện được bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đi đôi với việc cải cách các thủ tục xét, duyệt đối với các đối tượng này.
4. Về các giải pháp chính sách an sinh xã hội: tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng hỗ trợ, góp phần giảm bớt khó khăn về đời sống nhân dân và hỗ trợ thúc đẩy sản xuất phát triển, nhất là các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc,...
Thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai thực hiện các đề án phát triển kinh tế-xã hội đối với các huyện nghèo. Nghiên cứu lập quỹ mua nhà trả góp để hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở. Có chính sách hỗ trợ một phần để đảm bảo đời sống đối với những người bị mất việc làm trong các doanh nghiệp... Chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện chủ trương xây dựng nhà ở cho sinh viên từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, trong 2 năm 2009-2010 phấn đấu bảo đảm chỗ ở cho khoảng 40% sinh viên được ở trong ký túc xá.
Tăng cường các biện pháp để phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm, như: dịch cúm A (H1N1),… bảo đảm thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế cho người nghèo. Thực hiện tốt việc điều chỉnh tăng lương cơ bản và các chính sách phụ cấp cho một số đối tượng theo đúng chương trình cải cách tiền lương đã được phê duyệt.
5. Về chỉ đạo điều hành
Tăng cường các biện pháp tổ chức thực hiện, điều hành tập trung, quyết liệt từ Trung ương đến tất cả các cấp, các ngành. Tăng cường công tác thanh tra hướng vào việc thực hiện các chính sách kích cầu, ngăn chặn suy giảm kinh tế và an sinh xã hội.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, trong đó phải chú trọng tuyên truyền sâu rộng việc áp dụng các chính sách mới của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân để mọi người dân và doanh nghiệp hiểu rõ và có cơ hội tiếp cận các chính sách này. Đồng thời, tổ chức cung cấp công khai, minh bạch thường xuyên các thông tin về việc triển khai gói kích cầu của Chính phủ trên các phương tiện thông tin đại chúng; bảo đảm thông tin kịp thời, chính xác đúng theo chính sách của Đảng và Nhà nước; tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và nhân dân.
Đi đôi với việc giải quyết những khó khăn trước mắt, phải có các giải pháp dài hạn, căn cơ trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo chuyển biến thật sự về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm tiếp theo, nhất là về mục tiêu, định hướng phát triển và cơ cấu kinh tế, … ./.

File đính kèm:
MPI-socioeconomic-MYCG09-Eng.pdf
BC cua BoKHDT.pdf
    Tổng số lượt xem: 962
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)