Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/04/2010-16:37:00 PM
Tình hình thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2003
(MPI Portal) - Trên cơ sở báo cáo tình hình thực hiện Luật hợp tác xã năm 2003 của 46 địa phương, của một số Bộ, Ngành, Liên minh hợp tác xã Việt Nam theo công văn hướng dẫn số 3590/BKH-HTX ngày 21/05/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và kết quả tổng điều tra hợp tác xã năm 2008; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp tình hình thực hiện Luật hợp tác xã và kiến nghị sửa đổi, bổ sung như sau:
I. Tình hình phát triển hợp tác xã đến 31/12/2008
Về số lượng hợp tác xã
Tính đến ngày 01/7/2008, cả nước có 14.500 hợp tác xã đang hoạt động, tăng 718 hợp tác xã so với năm 2006 và 1.487 hợp tác xã so với năm 2005. Trong tổng số 14.500 hợp tác xã có 609 hợp tác xã thành lập trước năm 1997 chưa chuyển đổi, chiếm 4,2% tổng số hợp tác xã; 5.742 hợp tác xã thành lập trước năm 1997 đã chuyển đổi, chiếm 39,6% tổng số hợp tác xã.
Về xã viên, lao động trong hợp tác xã
Tính đến ngày 31/12/2007, cả nước có tổng số 7.478.019 xã viên, trong đó: 2.451.210 xã viên là cá nhân, chiếm 32,78% (trong đó có 11,93% là cán bộ công chức); 5.000.541 xã viên là đại diện hộ chiếm 66,87%; 328 xã viên là đại diện pháp nhân, chỉ chiếm 0,04%; còn lại 205.940 xã viên là các thành phần khác chiếm 0,34%.
Nhìn chung, tỷ lệ xã viên/hợp tác xã có sự khác nhau giữa các vùng. Khu vực Duyên hải miền Trung là 1.310 xã viên/hợp tác xã; Đồng bằng sông Hồng là 868 xã viên/hợp tác xã; Khu vực Bắc Trung Bộ là 541 xã viên/hợp tác xã. Khu vực Đông Bắc và Tây Bắc có tỷ lệ xã viên/hợp tác xã thấp nhất cả nước, trung bình 151 xã viên/hợp tác xã ở vùng Tây Bắc, 171 xã viên/hợp tác xã ở khu vực Đông Bắc. Các khu vực khác dao động từ 238 đến 342 xã viên/1 hợp tác xã.
Thu nhập bình quân một lao động làm việc thường xuyên của hợp tác xã hàng năm được cải thiện một cách đáng kể ở tất cả các ngành nghề. Đặc biệt, các ngành xây dựng, thương nghiệp và tín dụng có mức thu nhập bình quân tăng hàng năm rất cao: ngành xây dựng có thu nhập bình quân năm 2007 tăng thêm so với năm 2005 là 886 nghìn đồng/tháng, cao hơn năm 2006 là 558 nghìn đồng/tháng; các ngành khác đều có thu nhập bình quân năm 2007 cao hơn năm 2005 khoảng 500 nghìn đồng/tháng. Cá biệt chỉ có ngành lâm nghiệp có mức thu nhập bình quân thấp nhất, đồng thời thu nhập hàng năm không có sự chuyển biến, thậm chí thu nhập bình quân năm 2006, 2007 cũng giảm thấp hơn so với năm 2005.
Về số lượng, chất lượng cán bộ hợp tác xã
Kết quả điều tra khảo sát năm 2008 cho thấy: trình độ chuyên môn nghiệp vụ của 4 chức danh chủ chốt của các hợp tác xã còn rất thấp, cả nước có 1.655 trưởng ban quản trị hợp tác xã chưa qua đào tạo (tương đương với 30%) trong tổng số 5.542 trưởng ban quản trị các hợp tác xã. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu long có tỷ lệ các trưởng ban quản trị chưa qua đào tạo cao nhất (43,78%) so với mức thấp nhất 14,1% của vùng Duyên hải miền Trung. Trong tổng số 5.542 trưởng ban quản trị, có 1.428 người (chiếm 25,77%) có trình độ sơ cấp, công nhân kỹ thuật; 1.726 người (tương đương 31,14%) có trình độ trung cấp và có hơn 13% (khoảng trên 730 người) có trình độ từ cao đẳng và đại học trở lên. Phần đông các trưởng ban quản trị có trình độ sơ cấp, công nhân kỹ thuật và trung cấp, chiếm từ 50-60%.
Thực trạng sử dụng đất: Tính đến ngày 31/12/2007, các hợp tác xã đang hoạt động trên phạm vi cả nước quản lý và sử dụng tổng diện tích đất là 697.362.165 m2. Lĩnh vực có diện tích đất mà hợp tác xã quản lý và sử dụng nhiều nhất là nông nghiệp với 437.016.550 m2 (chiếm 62,67% tổng diện tích), sau đó là công nghiệp với 118.137.953 m2 (chiếm 16,94%) và thủy sản với 92.601.781 m2 (chiếm 13,28%). Thấp nhất là tín dụng với 334.009 m2 (chiếm 0,05%), sau đó đến xây dựng có 502.567 m2 (chiếm 0,07%) và vận tải với 1.057.769 m2 (chiếm 0,15%).
Thực trạng vốn điều lệ của hợp tác xã: Trung bình một hợp tác xã có số vốn điều lệ là 882,61 triệu đồng.
Thực trạng quy mô và cơ cấu vốn của hợp tác xã: Bình quân một hợp tác xã có tổng số vốn hoạt động là 2.375,09 triệu đồng. Hợp tác xã ở vùng Đông Nam Bộ có tổng số vốn hoạt động bình quân một hợp tác xã lớn nhất, trung bình 7.400,50 triệu đồng; sau đó là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (trung bình 3.826,84 triệu đồng) và vùng Tây Nguyên (trung bình 3.551,76 triệu đồng). Trong khi đó, hợp tác xã thuộc vùng Tây Bắc có tổng số vốn hoạt động bình quân một hợp tác xã thấp nhất, trung bình chỉ 956,20 triệu đồng, tiếp đó là vùng Đông Bắc (1.145,90 triệu đồng) và vùng Bắc Trung Bộ (1.460,37 triệu đồng).
Thực trạng cơ cấu tài sản của hợp tác xã: Tính bình quân cả nước, tổng tài sản cố định và đầu tư dài hạn của các hợp tác xã trên cả nước chiếm 38,57% tổng số tài sản của các hợp tác xã.
Nhìn một cách tổng quát ở cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong tổng tài sản bình quân một hợp tác xã là 2.375,09 triệu đồng thì tài sản cố định và đầu tư dài hạn bình quân một hợp tác xã là 916,04 triệu đồng, tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn bình quân một hợp tác xã là 1.459,05 triệu đồng.
Về kết quả hoạt động của hợp tác xã
Chỉ tiêu doanh thu và thu nhập khác: Tổng doanh thu và thu nhập khác của hợp tác xã cả nước năm 2007 đạt 28.404 tỷ đồng, bình quân khoảng 1.958 triệu đồng/hợp tác xã, đóng góp khoảng 181 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp cho Nhà nước; tổng lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.115 tỷ đồng.
Chỉ tiêu lợi nhuận: Tổng lợi nhuận trước thuế của hợp tác xã cả nước năm 2007 đạt 1.295.946 triệu đồng, đóng góp cho nhà nước 180.947 triệu đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 1.114.996 triệu đồng, trong đó chia cho xã viên 553.069 triệu đồng.
II. Về kết quả tổ chức thực hiện luật Hợp tác xã năm 2003
Luật hợp tác xã năm 2003 đã được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2004. Sau khi Luật hợp tác xã 2003 ra đời, các văn bản pháp luật mang tính bổ sung, hướng dẫn cụ thể phục vụ cho việc đưa Luật vào cuộc sống cũng lần lượt được ban hành mới hoặc bổ sung cho phù hợp với Luật mới. Tính đến thời điểm hiện nay, có 8 Nghị định của Chính phủ, 8 Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều Thông tư và các văn bản hướng dẫn của các bộ ngành có liên quan được ban hành.
Theo báo cáo, hầu hết các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm, đầy đủ chính sách khuyến khích, hỗ trợ hợp tác xã theo Nghị định 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Một số địa phương đã ban hành giải pháp riêng nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã của tỉnh mình phù hợp với khả năng và đặc điểm của địa phương mình.
Chính sách đào tạo, bồi dưỡng: Các địa phương đều tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hợp tác xã theo Nghị định 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác xã, giúp nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý và các kiến thức cần thiết cho xã viên hợp tác xã, cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, chủ động kết hợp nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng từ trung ương với nguồn kinh phí của địa phương để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ hợp tác xã và xã viên hợp tác xã;
Về chính sách đất đai: Chính quyền các địa phương tuy có tạo điều kiện về mặt bằng để hợp tác xã xây dựng văn phòng, nhà xưởng và các cơ sở hạ tầng khác, thực hiện chính sách miễn giảm tiền thuê đất có thời hạn;
Về chính sách tín dụng: Chi nhánh Ngân hàng nhà nước các tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện để hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của Nhà nước, nguồn vốn hỗ trợ phát triển
Về chính sách thuế: Cục thuế một số địa phương đã thực hiện miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hợp tác xã có đủ điều kiện.
Nhìn chung, các tỉnh chưa quan tâm đặc biệt đến việc áp dụng việc miễn giảm thuế cho các đối tượng hợp tác xã hoạt động ở vùng sâu, vùng khó khăn.
Chính sách hỗ trợ ứng dụng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư và khuyến công: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có chỉ đạo các ngành chức năng trực thuộc tỉnh (Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,…) chuyển giao cho các hợp tác xã nông nghiệp và các tổ chức kinh tế tập thể về công nghệ sinh học, giống mới, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, v.v.
Về hỗ trợ tiếp thị, mở rộng thị trường: Một số Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh đã tạo điều kiện để hợp tác xã quảng bá thương hiệu, tìm đối tác thương mại, kỹ thuật công nghệ nhằm nâng cao trình độ công nghệ, trình độ quản lý và tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã;
Về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống của cộng đồng xã viên và tham gia các chương trình kinh tế - xã hội: Một số tỉnh tập trung bố trí vốn đầu tư từ ngân sách đầu tư hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, theo đó hợp tác xã cũng được hưởng lợi khá lớn như giao thông, trường học, trạm ytế, nước sạch nông thôn, vệ sinh môi trường, thuỷ lợi kênh mương nội đồng,…
Về tổ chức đăng ký kinh doanh: Nhìn chung, hầu hết các địa phương đều thực hiện theo đúng quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Về thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật của hợp tác xã và các văn bản pháp luật có liên quan: Theo báo cáo của các địa phương, phần lớn các tỉnh, việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật của hợp tác xã và các văn bản pháp luật có liên quan được chú trọng và tiến hành thường xuyên, định kỳ; được thực hiện bởi các cơ quan chức năng.
Về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hợp tác xã: Hầu hết các tỉnh báo cáo có ít vụ khiếu nại, tranh chấp liên quan đến Luật hợp tác xã.
Về xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã: UBND một số tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc thực hiện điều tra, khảo sát tình hình, nắm bắt những khó khăn, yếu kém của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác; phần lớn các tỉnh đã xây dựng kế hoạch 5 năm 2006 - 2010và hàng năm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể./.
Toàn văn báo cáo tổng kết xem file đính kèm.

File đính kèm:
Bao cao tong ket Luat HTX 2003.pdf
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1419
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)