Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/11/2010-14:23:00 PM
Báo cáo nhanh tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài 11 tháng đầu năm 2010
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2010
1. Tình hình hoạt động:
Trong 11 tháng đầu năm 2010, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,950 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2009. So với mục tiêu giải ngân 11 tỷ USD năm 2010, nhìn chung các dự án ĐTNN đang triển khai phù hợp với tiến độ dự kiến.
Xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu khí) 11 tháng đầu năm dự kiến đạt 34,8 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ và chiếm 54,1% tổng xuất khẩu cả nước. Nếu không tính dầu thô, khu vực ĐTNN dự kiến xuất khẩu 30,34 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng xuất khẩu và tăng 40,3% so với cùng kỳ 2009. Nhập khẩu của khu vực ĐTNN 11 tháng đầu năm dự kiến đạt 32,5 tỷ USD, tăng 40,3% so với cùng kỳ và chiếm 43,4% tổng nhập khẩu cả nước. Trong 11 tháng đầu năm 2010, khu vực ĐTNN xuất siêu 2,3 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 10,66 tỷ USD; nếu không tính xuất khẩu dầu thô, khu vực ĐTNN nhập siêu 2,17 tỷ USD, chiếm 20,3% giá trị nhập siêu cả nước.
2. Tình hình cấp GCNĐT:
Theo các báo cáo nhận được, trong 11 tháng đầu năm 2010 cả nước có 833 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký 12,1 tỷ USD, bằng 73,7% so với cùng kỳ năm 2009.
Trong 11 tháng đầu năm 2010, có 210 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,203 tỷ USD, bằng 20,9% so với cùng kỳ năm 2009.
Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 11 tháng đầu năm 2010, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 13,304 tỷ USD, bằng 60% so với cùng kỳ 2009.
Theo lĩnh vực đầu tư:
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, lĩnh vực thế mạnh và là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài trong 11 tháng đầu năm 2010 với 4,37 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó có 3,46 tỷ USD đăng ký mới, chiếm 32,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đứng thứ 2 là lĩnh vực sản xuất phân phối điện,khí nước, điều hòa với 6 dự án đầu tưcó tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,94 tỷ USD và không có dự án tăng vốn đầu tư trong lĩnh vực này trong 11 tháng đầu năm 2010.
Kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 2,85 tỷ USD vốn cấp mới và tăng thêm, chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 11 tháng đầu năm.Trong đó, cấp mới chiếm tỷ lệ lớn với 20 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư là 2,72 tỷ USD.
Theo đối tác đầu tư:
Trong 11 tháng đầu 2010, có 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư lớn nhất lần lượt là Hà Lan với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,32 tỷ USD chiếm 17,4 % tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứngthứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêmtrên 2,28 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam; Hoa Kỳ đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,92 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Theo địa bàn đầu tư:
Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất trong 11tháng đầu 2010 với 2,47 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Tiếp theo làQuảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 2,2 tỷ USD, 1,83 tỷ USD và 1 tỷ USD.
Trong số các dự án cấp mới trong 11 tháng năm 2010, đáng chú ý có các dự án lớn được cấp phép là: dự án Công ty TNHH điện lực AES-TKV Mông Dương (BOT nhiệt điện Mông Dương 2) xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư là 2,1 tỷ USD; Dự án Công ty Sắt xốp Kobelco Việt Nam sản xuất phôi thép tại Nghệ An với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD; Công ty TNHH Skybridge Dragon Sea của Hoa Kỳ, mục tiêu xây dựng, kinh doanh Khu trung tâm hội nghị triển lãm, trung tâm thương mại, kinh doanh bất động sản tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 902,5 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Posco SS- Vina tại Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 360 triệu USD./.

File đính kèm:
(26-11-2010) - Bao cao DTNN 11-2010.pdf

Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2429
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)