Diễn đàn APEC lần thứ 16 năm nay được tổ chức tại thủ đô Lima, Peru từ ngày 22-23/11. Trước đó, sẽ diễn ra Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 20 (19-20/11/2008), Hội nghị các Quan chức cao cấp phiên cuối (SOM) từ 16-17/11/2008) và Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp (từ 20-23/11/2008). Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ tham dự Hội nghị cấp cao APEC 16.
Theo đề xuất của nước chủ nhà Peru, Hội nghị cấp cao APEC 16 - 2008 sẽ có chủ đề “Một cam kết mới đối với sự phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Theo đó, các nhà lãnh đạo APEC dự kiến sẽ tập trung thảo luận 7 vấn đề quan trọng, gồm: (1) Khủng hoảng tài chính toàn cầu; (2) đối phó với việc tăng giá lương thực và hàng hóa; (3) vòng đàm phán Doha; (4) hội nhập kinh tế khu vực; (5) trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; (6) biến đổi khí hậu và (7) an ninh con người.
Kể từ khi thành lập tới nay, APEC đã phát triển thành một trong những tổ chức khu vực quan trọng nhất và lớn nhất thế giới, gồm 21 nền kinh tế thành viên, chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 59% dân số thế giới, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên và đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và hơn 50% thương mại thế giới.
Chương trình hoạt động của APEC xoay quanh 3 trụ cột chính là tự do hóa thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, và hợp tác kinh tế kỹ thuật với các chương trình hành động tập thể (CAP) và chương trình hành động quốc gia (IAP) của từng thành viên.
Mục tiêu của APEC không nhằm xây dựng một khối thương mại, một liên minh thuế quan hay một khu vực mậu dịch tự do như Liên minh châu Âu (EU), Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hay Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) mà là một diễn đàn mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và các khu vực khác.
APEC hoạt động trên nguyên tắc đối thoại mở và tôn trọng quan điểm của tất cả các thành viên. Không có các cam kết ràng buộc; sự tuân thủ đạt được thông qua thảo luận và hỗ trợ lẫn nhau dưới hình thức hợp tác kinh tế và kỹ thuật. Trong APEC, tất cả các nền kinh tế đều có tiếng nói bình đẳng và các quyết định được đưa ra trên cơ sở đồng thuận.
Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC (Hội nghị Cấp cao) là diễn đàn có tính chất quyết định cao nhất, nơi hoạch định các chiến lược và tầm nhìn dài hạn cho APEC.
Hội nghị Bộ trưởng được tổ chức hàng năm trước Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Thương mại, các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành như Tài chính, Hàng không, Bưu chính Viễn thông,… nhằm xem xét và thông qua các chương trình hành động và đệ trình các sáng kiến, kế hoạch mới lên Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế.
Hội nghị các Quan chức cao cấp (SOM) nhằm triển khai các quyết định của Hội nghị Bộ trưởng, đệ trình các khuyến nghị, chương trình hợp tác lên Hội nghị Bộ trưởng xem xét.
Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn APEC 14- năm 2006 với chủ đề “Hướng tới một cộng đồng năng động vì phát triển bền vững và thịnh vượng” do Việt Nam đề xuất. Tại diễn đàn này, các nhà lãnh đạo APEC đã thảo luận hai nội dung chính: Đẩy mạnh thương mại và đầu tư trong một thế giới đang thay đổi; Những nhân tố cơ bản bảo đảm tính năng động, sự tăng trưởng và phát triển bền vững trong APEC.
Các nhà lãnh đạo APEC đã phê chuẩn Chương trình Hành động Hà Nội nhằm thực hiện Lộ trình Busan, hướng đến mục tiêu Bogor; đánh giá cao ý nghĩa và nội dung Bản Kế hoạch Hành động, cho rằng đây là cơ sở mang tính định hướng cho các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại của APEC trong 15 năm tới và góp phần tăng cường và hoàn thiện các cơ chế hợp tác của APEC. Đây là sáng kiến quan trọng của Việt Nam, để lại dấu ấn của Việt Nam trong tiến trình phát triển của APEC.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ