I. BỐI CẢNH TÁC ĐỘNG:
Trên thế giới: Có thể nói, năm 2009 là một chặng đường dài và đầy rẫy khó khăn đặt ra đối với nền kinh tế thế giới. Cuộc suy thoái kinh tế lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây đã bùng nổ và lan rộng, gây những ảnh hưởng mạnh mẽ đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, với những nỗ lực không mệt mỏi của chính phủ nhiều nước trên thế giới, trong đó phải kể đến các cường quốc kinh tế như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cuộc suy thoái kinh tế thế giới đã dần được giải quyết, kinh tế thế giới cơ bản vượt qua giai đoạn đáy suy thoái và bắt đầu khôi phục đà tăng trưởng. Trong lúc các nền kinh tế lớn ở châu Âu và Nhật Bản đã có dấu hiệu tăng trưởng dương từ cuối Quý II thì kinh tế Mỹ có sự phục hồi chậm hơn. Quý III/2009, sau 4 Quý liền tăng trưởng âm, nền kinh tế Mỹ đã đạt tốc độ tăng trưởng +2,8%. Sự phục hồi của các nền kinh tế lớn là những tín hiệu đáng mừng, báo hiệu sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Trái với bức tranh khá ảm đạm của các nền kinh tế châu Âu và châu Mỹ trong nửa đầu năm 2009, nền kinh tế Trung Quốc với những điều hành quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ đã nhanh chóng vượt qua những khó khăn, đạt mức tăng trưởng rất cao trong năm 2009 (trong Quý III/2009 kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 8,9%, khẳng định mục tiêu đạt mức tăng trưởng cả năm trên 8%). Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc đã biến cuộc suy thoái kinh tế thế giới thành cơ hội để phát triển, và với xu thế này, trong một thời gian không xa, Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản, vươn lên vị trí cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới
để khai thác rất tốt các thế mạnh và
Trong nước: Cùng với xu thế chung của thế giới, năm 2009 đánh dấu một giai đoạn phát triển khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam. Tác động của suy thoái kinh tế thế giới và khu vực đã có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh, cầu tiêu dùng giảm sút, các ngành sản xuất đứng trước nguy cơ đình đốn. Tuy nhiên, với sự điều hành chặt chẽ, quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, đặc biệt là việc sử dụng linh hoạt các biện pháp kích thích kinh tế tổng thể, các khó khăn đã dần được giải quyết, hoạt động sản xuất, thương mại sớm vượt qua giai đoạn đáy suy thoái và dần khôi phục đà tăng trưởng. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, việc phát triển nhân rộng chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” kết hợp với thực hiện đồng loạt nhiều hình thức khuyến mại, giảm giá tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã và đang tạo động lực giúp cầu tiêu dùng trong nước tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đã đạt được, những khó khăn đặt ra đối với nền kinh tế nói chung và ngành thương mại nói riêng trong thời gian tới là rất lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó lường, trong khi đó năng lực nội tại của các ngành sản xuất trong nước còn hạn chế, những khó khăn vẫn chưa được giải quyết về căn bản, điều này đòi hỏi công tác điều hành vĩ mô nền kinh tế cần tiếp tục được thắt chặt, đảm bảo phát hiện và tháo gỡ kịp thời những vấn đề nảy sinh, giúp nền kinh tế có được sự tăng trưởng ổn định.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN THÁNG 11 VÀ 11 THÁNG NĂM 2009
1. Phát triển các ngành dịch vụ:
1.1. Các chỉ tiêu chính:
a. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng:
Kể từ Quý II/2009, cùng với những dấu hiệu ấm dần của nền kinh tế, hoạt động thương mại trong nước cũng dần được phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng khá. Với những biện pháp kích cầu triệt để, có hiệu quả, nhu cầu tiêu dùng trong nước đã sớm được khôi phục. Thêm vào đó, việc triển khai thực hiện “Tháng khuyến mại, giảm giá” tại các tỉnh, thành phố lớn trong 2 tháng 11 – 12/2009 là động lực giúp khai thác hiệu quả thị trường. Theo đánh giá, mặc dù mới được thực hiện một thời gian ngắn, song với những chính sách giảm giá mạnh, thiết thực, trúng tâm lý tiêu dùng, khối lượng mua sắm của dân cư, đặc biệt là tại các trung tâm mua sắm lớn đã tăng mạnh.
Tổng mức bán lẻ tháng 12 dự kiến đạt khoảng 120.562 tỷ đồng, tăng khoảng 4,2% so với tháng trước. Như vậy, 2 tháng cuối năm 2009, hoạt động thương mại trong nước đã đạt mức tăng trưởng rất cao, phản ánh sự phục hồi mạnh của thị trường trong nước. Tính lũy kế sau 12 tháng, tổng mức bán lẻ cả năm 2009 ước đạt 1.197.480 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2008.
Trong đó, đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng chung vẫn là các lĩnh vực thương mại, khách sạn, nhà hàng và du lịch.
Xét theo cơ cấu thành phần kinh tế: Chiếm tỷ trọng lớn nhất tiếp tục là kinh tế cá thể (55,4%), tiếp đến là kinh tế tư nhân (31,3%), kinh thế nhà nước (9,7%), kinh tế tập thể (1%), kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (2,6%)
(Số liệu của Tổng cục Thống kê)
b.Chỉ số giá tiêu dùng:
Trong những tháng cuối năm, cùng với sự khôi phục với những mức độ khác nhau của các nền kinh tế, giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới cũng có xu hướng ấm lên.
Tháng 12 chứng kiến sự biến động thất thường của giá dầu thế giới. Sau một thời gian tăng mạnh, hiện giá dầu thế giới đã dần được ổn định. Tuy nhiên, sự lên xuống của giá dầu chịu ảnh hưởng lớn từ diễn biến kinh tế Mỹ và sự tăng giảm giá của đồng USD. Hiện giá dầu thế giới đang dao động trong khoảng 72 – 74USD/thùng.
Tại thị trường trong nước, giá cả trên thị trường đang có xu hướng tăng song vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Những nguyên nhân chính tác động đến sự tăng giá trên thị trường gồm có: (1) Sự điều chỉnh tăng giá xăng dầu kể từ tháng 11 đã các tác động đến giá cước vận tải, (2) lãi suất cơ bản tăng lên kể từ 1/12/2009 đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến lãi suất huy động, lãi suất cho vay, ảnh hưởng đến chi phí của các doanh nghiệp. (3) sức mua trên thị trường cuối năm tăng cao theo quy luật, cộng với những kích thích tiêu dùng qua “Tháng khuyến mại” là nguyên nhân khiến giá cả không ít hàng hóa trên thị trường tăng lên. Tuy nhiên, sự tăng giá của hàng hóa trong thời điểm này là tín hiệu tích cực, phản ánh sự hồi phục mạnh của thị trường nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Dự báo chỉ số giá (CPI) tháng 12 tăng 1,38%, đưa chỉ số số giá tiêu dùng từ đầu năm đến nay tăng lên mức 6,88% so với tháng 12/2008.
Những nhóm hàng có chỉ số giá tăng nhiều nhất là phương tiện đi lại, nhà ở, vật liệu xây dựng, thực phẩm, đồ uống và thuốc lá.
(Số liệu của Tổng cục Thống kê)
1.2. Tình hình phát triển ngành du lịch:
Năm 2009 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với ngành du lịch của Việt Nam. Trước tình hình diễn biến phức tạp của thiên tai bão lụt, bệnh dịch, hậu quả kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo sâu sát và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời đưa ngành du lịch vượt qua khó khăn đạt được những kết quả nhất định. Toàn ngành du lịch triển khai mở rộng thị trường du lịch trong nước và quốc tế, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, đăng cai tổ chức các sự kiến lớn trọng khu vực và thế giới như: Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà lần thứ 3 và Hoa hậu Quý bà thế giới, tham gia và tổ chức nhiều cuộc hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước,…
Việc đón khách Trung Quốc bằng giấy thông hành được mở trở lại là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và dịch bệnh bùng phát trong thời gian vừa qua. Góp phần tăng một lượng đáng kể khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam.
Hiện nay, ngày càng nhiều du khách chọn du lịch đường biển, các hãng du lịch tàu biểu lớn trên thế giới đều kỳ vọng vào thị trường Châu Á, các hãng này đều dự đoán Châu Á sẽ trở thành trung tâm du lịch thế giới trong những năm tới. Trong năm 2009, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thông qua du lịch đường biển tăng đáng kể. Vừa qua, tại Bà Rịa, Vũng Tàu tàu du lịch Diamond Princess đã cập cảng PTSC huyện Tân Thành mang theo 2.648 khách du lịch quốc tế đến từ các nước Mỹ, Canada, Anh, Đức, Nga,…và hơn 1.000 thuỷ thủ đoàn.
Một sự kiện đặc biệt khác là 3 khu nghỉ mát của Việt Nam vừa được tạp chí du lịch Conde Nast Traveler bình chọn vào danh sách 25 khu nghỉ mát tốt nhất ở khu vực châu á. Đây là một kết quả tốt khẳng định chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch của Việt Nam đang ngày càng phát triển.
Việc Chính phủ đã Ban hành Nghị định số 103/2009/NĐ-CP cho phép tất cả các khách sạn cao cấp trên phạm vi toàn quốc được kéo dài thời gian phục vụ một số dịch vụ vũ trường, Karaoke đến 2 giờ sáng thay vì chỉ đến 12 giờ đêm như hiện tại đã góp phần làm sôi động các dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch trong dịp cuối năm.
Cũng trong dịp cuối năm, một số lượng lớn khách du lịch kết hợp dự hội nghị, hội thảo và tìm kiếm cơ hội đầu tư đến Việt Nam tăng đáng kể. Nhiều dự án đầu tư cho ngành du lịch được ký kết và triển khai thực hiện.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong những tháng cuối năm có xu hướng tăng trở lại. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 12 ước đạt 380 nghìn lượt khách, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách du lịch quốc tế cả năm 2009 ước khoảng 3,8 triệu lượt khách, giảm 10% so với năm 2008. Khách du lịch quốc đến Việt Nam trong năm 2009 chủ yếu từ một số thị trường như: Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Pháp, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc.
Xét theo phương tiện đi lại, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 12 chủ yếu vẫn bằng đường hàng không đạt 305 nghìn lượt khách, khách du lịch đi bằng đường bộ đạt 70.000 lượt khách, khách du lịch đi bằng đường biển ước đạt 5.000 lượt.
Xét theo mục đích chuyến đi, số lượng khách du lịch đi theo mục đích thăm thân nhân tăng 1,9% vì đây là dịp cuối năm việt kiều có xu hướng về thăm gia đình và người thân.
(Số liệu dự báo của Vụ Kinh tế dịch vụ)
Khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài trong dịp cuối năm khá lớn nhân dịp Noel và Tết dương lịch. Đặc biệt trong tháng 12, một lượng lớn khách du lịch Việt Nam sang Lào cổ vũ cho các tuyển thủ của Việt Nam tham dự Seagames. Các Tour du lịch sang Lào mặc dù đã tăng lên gấp đôi nhưng vẫn bị “cháy”.
Công suất sử dụng phòng trong tháng cuối năm tăng đáng kể 70-80%, bình quân cả năm công suất sử dụng phòng khách sạn đạt khoảng 70%.
2. Xuất, nhập khẩu hàng hoá:
2.1. Xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 56,7 tỷ USD, giảm 9,5% so với năm 2008. Đây là năm đầu tiên trong nhiều năm qua, xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng âm. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 23,7 tỷ USD (chiếm 41,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), giảm 2%.
Giá bình quân đa số các mặt hàng đều giảm so với năm 2008. Cụ thể: dầu thô giảm 39%, than đá giảm 28%, gạo giảm 26%, cà phê giảm 26%, cao su giảm 35%...
Lượng xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng khá so với năm 2008. Cụ thể, gạo tăng 26,7%, cà phê tăng 10,2%, cao su tăng 10,3%, hạt điều tăng 7,3%, chè tăng 17%, hạt tiêu tăng 52%.
- Dệt may: ước đạt kim ngạch hơn 9 tỷ USD, xấp xỉ năm 2008, vượt qua dầu thô, trở thành mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất. Đến cuối Quý II, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, nhưng ngành dệt may đã có dấu hiệu khởi sắc, số lượng hợp đồng xuất khẩu tăng. Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản tiếp tục là 3 đối tác lớn nhất của Việt Nam, với tỷ trọng xuất khẩu lần lượt là 55%, 18% và 10,5%. Tuy nhiên, chỉ có xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng dương (gần 16%), do ảnh hưởng tích cực của Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản có hiêu lực từ 1/2009.
- Giày dép: ước đạt 4 tỷ USD, giảm hơn 15% so với năm 2008. Xuất khẩu mặt hàng này cũng có dấu hiệu phục hồi trong vài tháng gần đây. Thị trường xuất khẩu lớn nhất là EU (chiếm tỷ trọng 48% và giảm khoảng 20%) và Hoa Kỳ (chiếm tỷ trọng 25% và giảm 2%).
- Thuỷ sản: xuất khẩu năm 2009 ước đạt 4,25 tỷ USD giảm 5,8%. So với nhóm hàng nông sản, nhóm hàng thuỷ sản có sự biến động về giá ít hơn trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái toàn cầu. Về thị trường, xuất sang thị trường EU chiếm tỷ trọng 26% và giảm 5%, thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng 18% và giảm 9%; thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng gần 17% và giảm 4%.
Về thị trường xuất khẩu: xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu đều giảm. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tiếp tục là Hoa Kỳ với tỷ trọng gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu và giảm 6% so với cùng kỳ năm 2008; thị trường EU chiếm tỷ trọng 16% và giảm 14,5%; thị trường ASEAN chiếm tỷ trọng 16% và giảm 20%; thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng gần 11% và giảm khoảng 30%; thị trường Trung Quốc đạt xấp xỉ năm 2008 và chiếm tỷ trọng hơn 8%.
2.2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 68,7 tỷ USD, giảm gần 15%, trong đó các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 24,87 tỷ USD, giảm 10,8%.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu:
- Máy móc thiết bị phụ tùng: ước đạt 12,4 tỷ USD, giảm 5,6% so năm 2008 và là nhóm hàng dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Nhóm hàng máy móc thiết bị phụ tùng nhập khẩu có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
- Xăng dầu các loại: ước đạt 12,5 triệu tấn, tương đương 6,16 tỷ USD, giảm 3,5% về lượng và giảm 43,8% về kim ngạch. Xăng dầu nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Singapore (chiếm 40%), Đài Loan (17%), Trung Quốc (19,5%), Hàn Quốc (9,6%).
- Sắt thép các loại: ước đạt 9,63 triệu tấn, tương đương 5,28 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và giảm 23,5% về kim ngạch. Nhóm hàng sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam chủyếu xuất xứ từ Nga, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
- Phân bón: ước đạt 4,3 triệu tấn, tương đương 1,35 tỷ USD, tăng 41,9% về lượng và giảm 8,4% về kim ngạch, trong đó khoảng 1/3 lượng phân bón được nhập khẩu từ Trung Quốc.
- Nhóm hàng nguyên liệu ngành dệt may, da giày: ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 17,8% so cùng kỳ năm 2008; vải ước đạt 4,2 tỷ USD, giảm 5,3%.
Nhập siêu năm 2009 ước đạt 11,98 tỷ USD, bằng 21,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
2.3. Đánh giá chung về xuất nhập khẩu hàng hóa:
- Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến không thuận lợi đã làm tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm 9,5%. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới thì mức suy giảm của Việt Nam tương đối thấp (xuất khẩu của Indonexia giảm 22%; Malaysia giảm 20%, Thái Lan giảm gần 20%...).
- Giá xuất khẩu bình quân giảm mạnh so cùng kỳ là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm về xuất khẩu. Tính riêng do giảm giá các mặt hàng nông sản và khoáng sản xuất khẩu đã làm kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 7 tỷ USD. Do vậy, mặc dù xuất khẩu nông sản và khoáng sản đã phát huy tối đa về lượng, nhưng kim ngạch đạt thấp so với năm 2008.
- Tận dụng gói kích cầu của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án. Vì vậy, từ tháng 5 trở lại đây, hoạt động kinh doanh, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi như dệt may, da giày...
3. Phát triển thị trường trong nước:
3.1. Đánh giá chung:
Trong những tháng cuối năm, thị trường thế giới và trong nước chứng kiến những tín hiệu lạc quan, phản ánh sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế thế giới. Cùng với sự hồi phục của kinh tế châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, nhu cầu tiêu dùng tại các khu vực này cũng đạt mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, những diễn biến không ổn định của giá vàng, dầu mỏ và giá USD tiếp tục là bài toán khó đối với các chuyên gia kinh tế thế giới. Điều này phản ánh những khó khăn đối với kinh tế thế giới vẫn tồn tại và chưa được giải quyết triệt để.
Trong nước, thị trường hàng hóa tiếp tục diễn biến khá sôi động. Giá một số mặt hàng phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu như xăng dầu, sắt thép có xu hướng tăng do tác động của giá thế giới. Đặc biệt, kể từ 15/12/2009, thị trường xăng dầu trong nước chính thức được điều chỉnh theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, giá xăng dầu trong nước sẽ được các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh, đảm bảo tiệm cận dần với những diễn biến trên thị trường thế giới, đồng thời vẫn có sự giám sát, điều tiết của Nhà nước nhằm tránh những tác động xấu đến nền kinh tế. Việc điều hành thị trường xăng dầu như hiện nay là phù hợp với quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, tuy nhiên hiệu quả của chính sách này đến đâu cần phải có thời gian để đánh giá.
Trên thị trường tài chính, giá vàng và USD tiếp tục diễn biến bất thường. Tuy nhiên, một điều cần chú ý là phải tăng cường giám sát, định hướng người tiêu dùng, tránh để tình trạng thông tin sai lệch ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng, là cơ hội cho tư thương đầu cơ, ép giá, gây biến động phức tạp, ảnh hưởng xấu đến sự ổn định của thị trường tài chính và mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
3.2. Kết quả thực hiện của một số ngành hàng trọng yếu:
a. Xăng dầu:
Giá dầu thô kỳ hạn tại Mỹ đã giảm do áp lực đồng USD mạnh, giảm xuống dưới 1,43 USD gần mức thấp nhất 3 tháng rưỡi qua. Tại Niu Oóc, giá dầu thô kỳ hạn tháng 1/2010 đã giảm 1,21% còn 72,47 USD/thùng, giá dao động trong khoảng từ 71,99 đến 74,32 USD/thùng. Giá xăng RBOB giảm 1,36% còn 1,8691 USD/gallons, giá dao động trong khoảng từ 1,8569 đến 1,9192 USD/gallons. Tại Luân Đôn, giá dầu thô brent kỳ hạn tháng 2/2010 đã giảm còn 72,99 USD/thùng, giá dao động trong khoảng từ 72,48 đến 74,64 USD/thùng.
Ngày 15/12/2009 là ngày Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu chính thức có hiệu lực thi hành theo đó giá xăng dầu bán lẻ trong nước sẽ được điều chỉnh bám sát giá xăng dầu thế giới và Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là đơn vị đầu tiên điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu, giá bán lẻ các loại xăng giảm 350 đồng/lít; điezel tăng 300 đồng/lít. Cụ thể, giá vùng 1 các mặt hàng như sau: Xăng không chì RON 95 là 16.450 đồng/lít, xăng không chì RON 92 là 15.950 đồng/lít; điezel 0,05S là 14.600 đồng/lít và điezel 0,25S là 14.550 đồng/lít.
Tính đến giữa tháng 12/2009, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã nhập hơn 1,9 triệu tấn dầu thô, sản xuất ra hơn 1,36 triệu tấn sản phẩm đạt chất lượng, xuất bán ra thị trường trên 1,2 triệu tấn sản phẩm các loại. Tuy nhiên ngày 22/12 NMLD Dung Quất đã tạm ngừng chạy thử ở một số phân xưởng và ngừng chạy thử hoàn toàn đến 13.1.2010 để khắc phục các vấn đề kỹ thuật mà trong quá trình vận hành không thể xử lý được, đồng thời thay van PV-1501 tại cụm thiết bị tái sinh xúc tác phân xưởng Cracking xúc tác (RFCC-U015).
Lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 12 ước thực hiện đạt 730 nghìn tấn, bằng 102% so với tháng trước, lũy kế đạt 102% kế hoạch năm 2009; Xuất khẩu tháng 12 ước thực hiện đạt 756 nghìn tấn, bằng 115% so với lượng xuất khẩu tháng 11, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt trên 112% kế hoạch xuất khẩu năm 2009.
b. Sắt thép:
Trong những tháng vừa qua, do sự hồi phục mạnh của sản xuất, xây dựng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại các cường quốc kinh tế, thị trường vật liệu xây dựng nói chung, trong đó có mặt hàng thép đã có sự tăng trưởng lạc quan. Tuy nhiên, do lượng sản xuất tại các nước cung cấp thép lớn là Trung Quốc, Nga và khu vực Viễn Đông, giá thép thế giới hiện nay vẫn cơ bản được bình ổn. Giá chào phôi thép trên thế giới tháng 12 tăng nhẹ, khoảng 10 – 15USD/tấn so với tháng 11, duy trì ở mức 400 – 420 USD/tấn FOB Biển Đen và 470 – 485USD/tấn CFR Đông Nam Á. Dự báo trong Quý I/2010, thị trường thép tiếp tục ổn định do dự báo chưa có những biến động mạnh về cung – cầu, giá thép được giữ ổn định và có xu hướng tăng nhẹ.
Trong nước:
Do yêu cầu về hoàn thiện công trình cuối năm, thị trường thép trong nước tháng 12 đang tăng nhiệt. Theo báo cáo, lượng thép sản xuất tháng 12 ước đạt 380.000, tăng nhẹ so với tháng 11. Như vậy tính đến hết năm 2009, tổng lượng thép sản xuất trong nước ước đạt gần 4 triệu tấn, tăng khoảng 20% so với năm 2008.
Lượng thép tiêu thụ thời gian qua cũng tăng khá. Dự kiến lượng tiêu thụ tháng 12 đạt khoảng 360.000 tấn, tăng gần 3% so với lượng tiêu thụ tháng 11. Tính lũy kế đến hết năm, tổng lượng tiêu thụ thép trên cả nước ước đạt 3,97 triệu tấn, tăng khoảng 23% so với năm 2008.
Tồn kho thép tính đến giữa tháng 12 là khoảng 280.000 tấn thép thành phẩm và 430.000 tấn phôi chuẩn bị cho sản xuất.
Về giá cả: Do nhu cầu thép tăng nhanh, cộng thêm sự tăng giá chi phí vận tải do xăng dầu tăng giá là những nguyên nhân khiến giá thép tiếp tục xu hướng tăng.Hiện giá bán thép dao động ở mức 11,8 – 12,7 triệu đồng/tấn (Phía Bắc) và 12,0 – 12,9 triệu đồng/tấn (Phía Nam). Theo đánh giá, diễn biến thị trường thép thời gian qua là khá tích cực. Dự kiến thị trường thép sẽ tiếp tục tăng trưởng và duy trì sự ổn định trong đầu năm 2010, trong đó giá thép có khả năng sẽ tiếp tục tăng nhẹ.
c. Xi măng:
Tháng 12/2009, nhu cầu tiêu thụ xi măng bắt đầu tăng trở lại, ước đạt 4 triệu tấn, tăng 0,4 triệu tấn so với tháng 11. Do chịu ảnh hưởng của giá than tăng, giá bán xi măng trên thị trường tăng nhẹ, ở phía Bắc ở mức 900.000-1.150.000 đồng/tấn, ở phía Nam từ 1.090.000-1.400.000 đồng/tấn.
Do bắt đầu vào mùa khô với nhiều công trình chuẩn bị hoàn thành nên nhu cầu tiêu thụ tăng. Tuy nhiên, với lượng tồn kho cùng với năng lực sản xuất hiện có của các nhà máy, dự báo sản lượng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ với giá cả ổn định.
Dự báo trong năm 2010, khi nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động, thị trường xi măng sẽ đứng trước nguy cơ cung vượt cầu. Do đó, đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu việc chủ động chuẩn bị tìm thị trường xuất khẩu cho mặt hàng này.
d. Phân bón:
Tháng 12/2009, giá chào phân bón trên thị trường thế giới tăng nhẹ so với tháng 11, ở mức 240-260 USD/tấn FOB, nguồn cung dồi dào. Trong nước, do nhu cầu tiêu thụ thấp, tồn kho còn nhiều nên giá bán lẻ urê ổn định, urê nhập khẩu phổ biến ở mức 6.100-6.300 đồng/kg, giá bán lẻ urê Phú Mỹ phổ biến ở mức 5.900-6.000 đồng/kg.Tháng 12/2009, lượng phân urê nhập khẩu ước đạt 130 nghìn tấn, tăng 80% so với tháng 11. Tính chung 12 tháng, lượng nhập khẩu đạt 1.388 nghìn tấn, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo thời gian tới, cùng với việc bỏ hạn ngạch xuất khẩu phân bón, Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu trở lại, nhu cầu tiêu thụ trong nước bắt đầu tăng sẽ nâng đỡ giá phân bón, tuy nhiên do nguồn cung dồi dào và sự ổn định của giá thế giới nên giá phân bón trong nước sẽ ổn định.
III. KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2010
1. Về phát triển ngành du lịch
- Tiếp tục hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển hạ tầng du lịch trong các khu du lịch quốc gia, khu du lịch, điểm du lịch có tầm quan trọng trong việc tạo ra các tuyến du lịch, nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của bản sắc văn hoá, sinh thái của vùng và cả nước, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng khả năng hấp dẫn và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
- Khuyến khích các nhà đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trọn gói các điểm, khu du lịch có quy mô lớn tổng hợp kết hợp với vừa và nhỏ.
- Phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan lồng ghép các chương trình, các dự án đầu tư bảo vệ tôn tạo di tích văn hoá lịch sử, môi trường sinh thái, vui chơi giải trí kết hợp với du lịch,... trong các vùng, khu, điểm du lịch nhằm phát huy cao độ nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch nước ngoài.
- Phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng, đặc biệt là hệ thống khách sạn đủ tiêu chuẩn quốc tế 4 sao, 5 sao, tập trung chủ yếu ở các trung tâm du lịch, các khu du lịch quốc gia, các loại hình hệ thống khách sạn cao cấp được xếp hạng, có quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
- Củng cố, xây dựng lại một số khu vui chơi giải trí cho người nước ngoài vào du lịch ở Việt Nam theo hướng tổng hợp quy mô lớn.
- Tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam. Khai thác có hiệu quả các Hiệp định đã ký kết hợp tác về du lịch với các nước, thúc đẩy ký kết một số hiệp định mới, phát huy mạnh mẽ các thị trường chính đã được Nhà nước cho phép miễn visa và nghiên cứu đề xuất Nhà ưnớc mở thêm diện miễn visa ở một số thị trường chính trên cơ sở tăng cường xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh quảng bá tại các thị trường chính để thu hút khách đến Việt Nam, nơi đang được xem là điểm đến an toàn, thân thiện.
2. Về xuất, nhập khẩu hàng hóa
Các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu
- Triển khai xây dựng các trung tâm cung ứng nguyên - phụ liệu, đóng vai trò là đầu mối tổ chức nhập khẩu và cung ứng nguyên - phụ liệu cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trong nước, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như sản xuất hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa... nhằm nâng cao khả năng cung ứng nguyên liệu cho sản xuất một cách kịp thời và với chi phí thấp hơn.
- Xây dựng lộ trình rút ngắn thời gian tiến hành các thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất - nhập khẩu để giảm thời gian tiến hành các thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất - nhập khẩu của Việt Nam xuống đạt mức trung bình của khu vực ASEAN thông qua việc tăng cường áp dụng các biện pháp để tiến hành hải quan điện tử, hải quan một cửa... Cần rà soát, bãi bỏ một số thủ tục đối với việc nhập khẩu nông sản từ các nước có chung biên giới với Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất xuất khẩu và xem xét cho thông quan hàng xuất khẩu từ các cửa khẩu phụ.
- Triển khai ký kết các thỏa thuận song phương và công nhận lẫn nhau về kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là với các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Australia, New Zealand… để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc thanh toán cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông, thuỷ sản.
- Hợp tác với các nước khác có cùng mặt hàng xuất khẩu (gạo với Thái Lan, cà phê với Indonesia, Braxin, đồ gỗ với Malaysia…) để tăng cường hiệu quả xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam.
- Ưu tiên cấp tín dụng và đảm bảo cung ứng đủ vốn cho người nông dân và các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu với lãi suất hợp lý. Các mặt hàng cần ưu tiên trước mắt là thủy sản, gạo, cà phê, hạt điều, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa.
- Đổi mới cách thức tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại theo hướng chú trọng vào khâu tổ chức và cung cấp thông tin thị trường, giảm bớt các chương trình khảo sát thị trường mang tính nhỏ lẻ. Tập trung xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm có kim ngạch nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, một số nước EU…, và các mặt hàng trọng điểm mà khả năng sản xuất trong nước không bị hạn chế nhưng thiếu thị trường tiêu thụ. Tập trung nguồn vốn xúc tiến thương mại đối với những mặt hàng có sự tăng trưởng, có sự đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu.
- Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tham tán thương mại tại các nước theo hướng hỗ trợ tích cực hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua cơ chế phối hợp giữa các Hiệp hội ngành hàng và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
- Hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho một số ngành sản xuất xuất khẩu: xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo nghề, giải quyết vấn đề thiếu hụt và nâng cao chất lượng nguồn lao động trong một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu đang gặp khó khăn về nguồn lao động như lĩnh vực sản xuất hàng dệt may, da giày, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa, sản phẩm cơ khí… Đồng thời, chú trọng khâu thiết kế, tạo dáng sản phẩm. Tổ chức nghiên cứu, đào tạo đội ngũ nhân viên thiết kế để đa dạng hoá và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm chế biến cho phù hợp với thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước.
- Nâng cao vai trò của các Hiệp hội ngành hàng: Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành quản lý với các Hiệp hội ngành hàng để tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành, phối hợp tổ chức mạng lưới thông tin dự báo tình hình thị trường, giá cả, cung cầu hàng hoá ở thị trường trong nước và nước ngoài cung cấp cho các hội viên và doanh nghiệp.
Các giải pháp giảm nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu
- Các tập đoàn, các Tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa các dự án đầu tư về điện, phân bón, thép, cơ khí, dệt may vào sản xuất nhằm thay thế các mặt hàng nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu.
- Triển khai mạnh và tích cực đầu tư vào sản xuất trong các ngành công nghiệp phụ trợ. Một số ngành ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới là: cơ khí, dệt may, da giầy, điện tử.
- Thúc đẩy để sớm ký kết các Hiệp định song phương và đa phương thiết lập các khu vực mậu dịch tự do nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, qua đó giảm nhập siêu. Trao đổi với các đối tác thương mại mà Việt Nam nhập siêu (trước hết là Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc...) để phối hợp tìm giải pháp giảm nhập vào Việt Nam và tăng xuất từ Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với các quy tắc của WTO, theo đó khuyến khích việc các thành viên có quyền yêu cầu cân bằng thương mại lẫn nhau.
- Nghiên cứu xây dựng các biện pháp và tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với các ngành, sản phẩm công nghiệp nhằm bảo vệ sản phẩm trong nước khỏi sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường trong nước, phù hợp với các quy định của WTO và các Hiệp định quốc tế mà Việt Nam ký kết. Hoàn thiện hoặc ban hành mới các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường nói chung cũng như đối với hàng hoá nhập khẩu, trước mắt là đối với những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, tiêu dùng, sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường.
- Chủ động rà soát những mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh do việc cắt giảm thuế quan theo cam kết WTO và AFTA mà trong nước có khả năng sản xuất để có biện pháp hạn chế nhập khẩu và khuyến khích sản xuất trong nước.
3. Về phát triển thị trường trong nước:
3.1. Giải pháp chung:
- Điều hành chặt chẽ giá cả các những vật tư nhiên liệu quan trọng, tránh tình trạng người dân phải mua với giá cao bất hợp lý.
- Tăng cường quản lý thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các hiện tượng nhập lậu hàng hoá, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý kiểu “tát nước theo mưa”.
- Tăng cường công tác quản lý thị trường, đặc biệt là kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và hàng hóa nhập khẩu, tránh hiện tượng nhập lậu qua biên giới trong những thời điểm cuối năm.
- Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương chủ động xây dựng các phương án đảm bảo nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.
- Quản lý chặt chẽ việc cung cấp thông tin, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các trường hợp tung tin thất thiệt, gây hoang mang trong tâm lý nhân dân.
3.2. Đối với một số mặt hàng trọng yếu
a. Xăng dầu
- Quản lý chặt giá cước vận chuyển các loại, đảm bảo giá cước phù hợp với chi phí vận tải thực tế.
- Quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu tại các khu vực.
- Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính tăng cường giám sát, đảm bảo việc điều chỉnh giá xăng dầu và điều tiết Quỹ bình ổn giá theo đúng quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
b. Sắt thép
- Tiếp tục kiểm tra, rà soát và xử lý những bất cập trong hệ thống phân phối, đảm bảo niêm yết giá công khai, bán đúng giá, đúng đối tượng.
c. Phân bón
- Đảm bảo sản xuất kết hợp với nhập khẩu hợp lý cung ứng đủ phân cho vụ Đông Xuân. Tăng cường năng lực vận chuyển, đảm bảo cung ứng giữa các vùng, miền được thông suốt
- Tiếp tục rà soát, kiện toàn hệ thống cung ứng, phân phối phân bón tại các địa phương, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
d. Xi măng
- Kiểm soát chặt chẽ hệ thống phân phối, đảm bảo cung ứng đủ, đúng đối tượng, đúng giá bán
- Đảm bảo việc phân phối giữa các vùng, miền thông suốt, tránh tình trạng mất cân đối cục bộ gây sốt giá./.
File đính kèm: BCTMDVT12.09.pdf
Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư