Báo cáo của Vụ Quản lý các Khu kinh tế ngày 22/06/2010
I. Tình hình xây dựng và phát triển các KCN
Trong gần 6 tháng đầu năm 2010, tình hình đầu tư, phát triển KCN đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu đạt được đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2009, thể hiện sự phục hồi từng bước sau những ảnh hưởng tiêu cực của tình hình suy giảm kinh tế thế giới.
Tính đến giữa tháng 6/2010, cả nước đã có 251 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 63.783 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt gần 40.000 ha, chiếm khoảng 63% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 170 KCN đã đi vào hoạt động và 81 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Các KCN, KCX phân bố ở 57 tỉnh, thành phố trên cả nước; tập trung ở 3 Vùng kinh tế trọng điểm với tổng diện tích đất tự nhiên chiếm trên 60% tổng diện tích các KCN cả nước. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của các KCN trên cả nước đạt gần 50%, riêng các KCN đã vận hành đạt tỷ lệ lấp đầy gần 65%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2009 (đạt ở mức tương ứng là 46% và 62%).
Trong gần 6 tháng đầu năm 2010, cả nước đã có 5 KCN được thành lập mới với tổng diện tích đất tự nhiên 873 ha.
Trong gần 6 tháng đầu năm 2010, các KCN trên cả nước đã thu hút được tổng cộng 2,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 83dự án mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 1,5 tỷ USD và 89 lượt dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt 795 triệu USD. Tổng vốn đầu tư nước ngoài thu hút được trong các KCN trong gần 6 tháng đầu năm chiếm khoảng 30% so với tổng vốn đầu tư nước ngoài thu hút được trên phạm vi cả nước. Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai là những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư nước ngoài thu hút được khoảng 1,3 tỷ USD, chiếm hơn 50% cả nước.
Trong gần 6 tháng đầu năm 2010, các KCN đã thu hút được 79 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 7 nghìn tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 24 dự án với tổng vốn tăng thêm 2,6 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư trong nước thu hút được trong gần 6 tháng đầu năm đạt gần 10 nghìn tỷ đồng.
Tính đến nay, các KCN cả nước đã thu hút được gần 7.100 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 50 tỷ USD và 150 nghìn tỷ đồng.
II. Tình hình xây dựng và phát triển các KKT
Đến nay đã có 14 KKT được thành lập, gồm: 2 KKT ở vùng Đồng bằng sông Hồng là Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh và Đình Vũ – Cát Hải, thành phố Hải Phòng; 10 KKT ở vùng Duyên hải miền Trung là Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An; Vũng áng, tỉnh Hà Tĩnh; Chân Mây-Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế; Chu Lai, tỉnh Quảng Nam; Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, Nhơn Hội, tỉnh Bình Định; Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa; Hòn La, tỉnh Quảng Bình và Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên và 2 KKT ở đồng bằng sông Cửu Long là KKT Đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, tỉnh Kiên Giang và KKT Định An, tỉnh Trà Vinh. Tổng diện tích của 14 KKT là 627.633 ha.
Ngoài KKT Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Nghi Sơn, Vũng áng, Chân Mây- Lăng Cô đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng và đang tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật- xã hội, xây dựng các khu tái định cư, các KKT khác hiện đang trong giai đoạn xây dựng quy hoạch, chuẩn bị và hoàn thiện bộ máy và nhân sự, chuẩn bị các điều kiện tiền đề cho việc lập dự án và huy động vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng các khu chức năng.
Các KKT cả nước hiện thu hút được khoảng 600 dự án trong nước và nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ USD và 300.000 tỷ đồng. Trong đó, có một số dự án lớn và quan trọng tại KKT Nghi Sơn, KKT Vũng Áng, KKT Dung Quất gồm nhà máy lọc dầu số 1 và số 2, nhà máy đóng tàu Dung Quất, nhà mỏy thộp Quảng Liên, Khu liên hợp giang thép và cảng nước sâu Sơn Dương, nhà máy cơ khí nặng Doosan, các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn và Vũng Áng. Nhưng dự án này đang vận hành hoặc đang khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng.
IV. Một số đánh giá, nhận xét
1. Kết quả
- Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới, tình hình thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT đã đạt được những kết quả khả quan, dần phục hồi tốc độ tăng trưởng so với giai đoạn trước khủng hoảng.
- Cơ chế, chính sách phát triển KCN, KKT đã dần được hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp cho các Ban quản lý KCN, KKT thực hiện quản lý Nhà nước KCN, KKT trên các lĩnh vực.
- Ban quản lý các KCN, KKT đã dần ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự và nâng cao năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ mới được phân cấp.
- Các KCN, KKT đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương, góp phần tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động theo hướng công nghiệp hóa, giải quyết việc làm.
2. Hạn chế
- Vấn đề bảo vệ môi trường KCN tuy đã được cải thiện, song vẫn còn tồn tại một số KCN, doanh nghiệp KCN chưa tuân thủ nghiêm túc pháp luật về môi trường. Việc phối hợp kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường KCN, KKT của các cơ quan Nhà nước chưa thật chặt chẽ.
- Cơ cấu đầu tư, lao động trong các KCN, KKT chưa thực sự hợp lý, hàm lượng công nghệ, lao động tri thức trong các KCN, KKT còn hạn chế.
- Công tác quy hoạch KCN và tuân thủ các điều kiện quy hoạch, thành lập KCN của các địa phương còn hạn chế.
- Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của một số KCN còn gặp khó khăn, không hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
- Vấn đề nhà ở, điều kiện sống, làm việc của người lao động trong KCN vẫn chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu.
- Công tác xây dựng hạ tầng KKT còn chậm; huy động các nguồn vốn cho phát triển hạ tầng KKT còn gặp nhiều khó khăn./.
Vụ Quản lý các Khu kinh tế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư