Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/12/2010-08:18:00 AM
Hiệu quả viện trợ và quan hệ đối tác phát triển khi Việt Nam bước vào nước có thu nhập trung bình
(MPI Portal) - Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2010, đã có nhiều trao đổi thẳng thắn mang tính xây được đưa ra nhằm giúp Việt Nam ổn định nền kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững khi Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình. Các nhà tài trợ đều cho rằng Việt Nam cần có sự chuẩn bị để sử dụng viện trợ một cách hiệu quả và tiếp nhận viện trợ một cách tích cực.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị CG cuối kỳ 2010 ngày 07 – 08/12/2010 tại Hà Nội đã chỉ ra được cơ hội và thách thức đan xen khi Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình.
Trong năm 2010, mặc dù nền kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp sau khủng hoảng, song Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng tương đối cao, đạt tốc độ tăng GDP 6,7% và nợ công ở mức an toàn, chiếm 56% GDP trong năm 2010. Những thành tựu tiến bộ xã hội được giữ vững và có bước cải thiện. Thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực được tăng cường. Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN và APA năm 2010, đây là những thuận lợi cơ bản để Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kinh tế tuy đã được cải thiện song vẫn còn yếu kém; sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; hệ thống thể chế và nguồn nhân lực còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa lớn đến các thành tựu kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, vốn ODA cùng với các nguồn vốn khác huy động từ bên ngoài kết hợp với các nguồn lực trong nước đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, khi Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình, những thay đổi về quy mô, cơ cấu và các điều kiện cho vay của chính sách tài trợ đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam đó là viện trợ không hoàn lại sẽ giảm, vốn vay ODA ưu đãi cũng giảm; vốn vay ODA kém ưu đãi sẽ tăng. Vì vậy, vốn vay ODA năm nay sẽ được ưu tiên đầu tư cho các dự án phục vụ phát triển kinh tế và có khả năng hoàn vốn.
Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục tích cực thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế như dự trữ ngoại tệ, giảm thâm hụt ngân sách, nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường công khai minh bạch, cung cấp các thêm thông tin bổ ích cho các nhà đầu tư, cố gắng đưa ra những chỉ tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển mạnh nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng.
Các đối tác phát triển đã thảo luận với Chính phủ Việt Nam về tình hình kinh tế vĩ mô và bày tỏ quan ngại về tình hình bất ổn gia tăng của nền kinh tế vĩ mô và đưa ra một số giải pháp khuyến nghị nhằm đưa ra những cơ hội và thách thức khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.
Ông Motonori Tsuno, Trưởng đại diện của JICA, đồng chủ toạ Diễn đàn Hiệu quả viện trợ cho Việt Nam khẳng định đối tác phát triển sẽ tiếp tục ủng hộ xây dựng và triển khai đề án thu hút và sử dụng ODA. Các đối tác phát triển sẽ tiếp tục cùng thúc đẩy chương trình hiệu quả viện trợ và hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị khung chính sách mới để giải quyết vấn đề chính trong hiệu quả viện trợ. Các đối tác phát triển cam kết sẽ nỗ lực thúc đẩy hiệu quả viện trợ vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và đạt các mục tiêu thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển của Việt Nam vào năm 2015.
Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB). Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Tại Hội nghị, ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) chúc mừng Việt Nam đạt thu nhập trung bình, với những kết quả đáng khích lệ. ADB đã cam kết dành cho Việt Nam 1,5 tỷ USD, số vốn này cũng sẽ thay đổi cơ cấu, trong đó chỉ có 25 triệu USD là vốn viện trợ không hoàn lại, và khoảng 1 tỷ USD là vốn thông thường. Con số này sẽ dành trực tiếp cho khu vực công và một phần cho quan hệ đối tác công tư.
Đại diện Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình thì hình thức và nội dung viện trợ cũng sẽ thay đổi phù hợp với Việt Nam, cơ cấu của ODA cũng thay đổi. Việt Nam đã chuyển sang thời kỳ mới, ông mong rằng các nhà tài trợ cũng sẽ có kế hoạch tài trợ mới cho Việt Nam. “Như vậy tính đến nay, qua 18 kỳ tài trợ, số vốn tài trợ cho Việt Nam tính cả lần này là hơn 64 tỷ USD, giải ngân được gần 30 tỷ USD. Con số này thể hiện lòng tin của các nhà tài trợ, các nước đối tác phát triển dành cho Việt Nam”, ông Phúc nói.
Trong bối cảnh là nước đạt mức thu nhập trung bình, Việt Nam đang hợp tác với các nước đối tác phát triển để chuẩn bị một kiến trúc quan hệ đối tác viện trợ mới để hỗ trợ xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2010-2015 thông qua việc xây dựng Đề án chiến lựơc ODA thời kỳ 2011-2015.
Việt Nam tiếp tục thu hút và sử dụng ODA để hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. So với kế hoạch, cam kết ODA, ký kết và giải ngân năm 2010 đều được cải thiện.
Bộ trưởng Phúc nhấn mạnh vốn vay ODA năm nay sẽ được ưu tiên đầu tư cho các dự án phục vụ phát triển kinh tế và có khả năng hoàn vốn./.

Các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2011

a) Các chỉ tiêu kinh tế:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7-7,5% so với năm 2010.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 tăng 10% so với năm 2010. Nhập siêu không quá 18% kim ngạch xuất khẩu.

- Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 40% GDP.

- Tổng thu nhập Ngân sách Nhà nước khoảng 26,2% GDP. Tổng chi Ngân sách Nhà nước khoảng 31,5% GDP. Giảm bội chi Ngân sách xuống 5,3%.

b) Các chỉ tiêu xã hội:

- Tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 6,5%; trung cấp chuyên nghiệp tăng 10%; cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 16,5%.

- Mức giảm tỷ lệ sinh là 0,2%.

- Tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,7 vạn lao động đi làm ở nước ngoài.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới; riêng 62 huyện nghèo giảm 4%.

- Năm 2011 có 4% số xã đạt các tiêu chuẩn nông thôn mới.

- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống 17,3%.

- Số giường bệnh trên 1 vạn dân: 21 giường (không bao gồm giường bệnh của trạm y tế cấp xã).

- Diện tích sàn nhà ở và đô thị bình quân đầu người: 19m2.

c) Các chỉ tiêu môi trường:

- Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh: 86%.

- Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch: 78%.

- Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý: 69%.

- Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý: 82%.

- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 55%.

- Tỷ lệ chất thải rắn ở khu đô thị được thu gom: 83%.

- Tỷ lệ che phủ rừng: 40%.

Tùng Linh - Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1857
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)